Thất bại 3-5 trước CLB Hà Nội không ảnh hưởng nhiều đến thứ hạng của HAGL ở mùa giải này. Khoảng cách 10 điểm với vị trí thứ ba của FLC Thanh Hóa không cho phép đội bóng phố núi mơ mộng giành tấm huy chương, đồng thời 7 điểm cách biệt so với Nam Định cũng không khiến HAGL đứng trước nguy cơ phải đá play-off.
Dù vậy, HAGL vẫn xứng đáng bị chỉ trích, đặc biệt trên mặt trận phòng ngự khi đội chủ sân Pleiku nhận tới 5 bàn thua trong trận này, nâng tổng số bàn thua sau 23 vòng lên con số 49 – nhiều nhất giải đấu. HAGL chỉ cách "thành tích" thủng lưới ở mùa giải 2015 và 2016 đúng 1 bàn thua, trong khi Công Phượng cùng các đồng đội còn tới 3 trận chưa đấu.
Hàng phòng ngự của HAGL tỏ ra quá mong manh trước các chân sút bên phía Hà Nội FC.
Chỉ 5 lần ở mùa giải này, đội bóng phố núi giữ sạch mành lưới khi tiếng còi hết trận vang lên. Ở mùa giải năm nay, HAGL đã có tới 8 trận là đội mở tỷ số nhưng lại không thể giành trọn 3 điểm khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Cùng với đó, HAGL cũng chỉ giữ sạch lưới 1/13 trận gần nhất ở V-League 2018.
Nói về hàng thủ HAGL, cựu tuyển thủ Phạm Như Thuần nhận xét đó là vấn đề của kỹ năng và khả năng phối hợp. A Hoàng, Anh Tài, Hồng Duy thua thiệt đối thủ cả về sức vóc, thể chất lẫn khả năng bọc lót, phối hợp.
Bàn thua đầu tiên, cả hàng thủ HAGL đứng sai vị trí, để Oseni thoải mái đệm bóng tung lưới Văn Tiến. Bàn thua thứ hai và thứ tư đến từ lỗi kèm người, còn bàn thua thứ ba chứng kiến A Hoàng chậm chạp và thiếu sức mạnh hơn hẳn so với khả năng càn lướt của tiền đạo chủ lực bên phía đối thủ.
Vấn đề phòng ngự của HAGL không gói gọn trong 1 mùa bóng. Từ khi lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh,… ra mắt V-League, HAGL đã lọt lưới tổng cộng 192 bàn thua, thủng lưới trung bình hơn 1,9 bàn/ trận – kỷ lục của giải đấu. Một kỷ lục không đội bóng nào muốn hướng đến.
Trong số 49 bàn thua mà HAGL phải nhận, có tới 23 bàn thua đến trong khoảng thời gian 30 phút cuối trận – thông số cho thấy sự mất tập trung của các cầu thủ khi nền tảng thể lực suy giảm. "Các bàn thua đến đều do lỗi cá nhân của các cầu thủ, sự tập trung của họ khi kèm người là quá kém" – HLV Dương Minh Ninh nhận định.
Không phải ngẫu nhiên, đội bóng phố núi lại phòng ngự kém hiệu quả dù có tới 3 lần thay đổi nhân sự trên ghế huấn luyện. Lần lượt Guillaume Graechen, Nguyễn Quốc Tuấn và Dương Minh Ninh được trao cơ hội chỉ đạo, song không ai giải quyết được "căn bệnh" phòng thủ trầm kha ở sân Pleiku. Ngay cả khi bầu Đức bổ nhiệm GĐKT Chung Hae-soung, HAGL vẫn chơi đầy bất ổn.
Trong các trung vệ thuộc biên chế đội bóng phố núi, Đông Triều là người ra sân nhiều nhất với 13 lần, bằng một nửa so với tổng số trận tối đa. Anh Tài, Đăng Tuấn, Văn Hạnh và Tăng Tiến đều không có quá 8 lần góp mặt. Hiếm khi HLV Dương Minh Ninh giữ nguyên hàng thủ HAGL trong 2 trận đấu liên tiếp, khiến tuyến dưới không đảm bảo được sự gắn kết. Khó cho HAGL, khi không trung vệ nào chứng tỏ được đẳng cấp và sự ổn định xuyên suốt mùa giải.
Hàng phòng ngự của HAGL thay đổi liên tục khiến hệ thống phòng ngự không có sự ổn định xuyên suốt cả giải đấu.
HAGL đã có động thái bổ sung cho tuyến phòng ngự khi mang về Kim Jin-seo, nhưng trung vệ người Hàn Quốc đã sớm "bật bãi" từ sau lượt đi. Josip Zeba là giải pháp "chống cháy" khác, song cũng như Kim Jin-seo hay Rimario, Zeba không đủ thời gian hòa nhập. 3 trận gần nhất, HAGL thủng lưới 13 bàn. Trung bình cứ hơn 20 phút, mành lưới của đội bóng phố núi lại 1 lần rung lên.
Không cầu thủ phòng ngự nào được triệu tập lên ĐTQG – minh chứng cho thấy tuyến dưới của HAGL đang kém về cả số lượng lẫn chất lượng.
Sir Alex Ferguson từng nói: "Hàng công mạnh giúp bạn thắng trận đấu, nhưng chỉ hàng thủ mạnh mới giúp bạn chinh phục danh hiệu". Với hàng thủ như vậy, "những đứa con của bầu Đức" sẽ cụ thể hóa mục tiêu vươn cao bằng cách nào?
Bạn nên quan tâm