Dù Quang Hải có những phẩm chất khác người như đôi bàn chân số 42 ngoại cỡ so với chiều cao hay nguồn năng lượng tưởng như đốt không bao giờ cạn… anh vẫn là một cơ thể sinh học bình thường. Cơ thể ấy vẫn phải mệt mỏi, vẫn phải loạng choạng, và như mọi cầu thủ đá bóng, nói một cách nôm na là… vẫn phải đau.
Sự mệt mỏi và quá tải là nguyên nhân dẫn đến nhiều chấn thương thuộc diện không đáng có. Trong tất cả các giải đấu đã qua, Hải "con" chịu hàng trăm đòn nặng hơn, hiểm hơn cú va chạm với Irfan Fandi, nhưng anh không hề hấn gì hết, ngã xuống lại vùng lên khiến người hâm mộ vừa thương vừa cảm phục. Đấy là khi cơ thể anh còn sức lực, còn nhanh nhẹn, còn phản vệ và nó mang đến kỹ năng "né đòn" thuần thục.
Theo một thống kê chưa chính thức, mùa bóng năm nay, Quang Hải chơi tổng cộng 57 trận cho đến trước SEA Games, trong đó 42 trận khoác áo CLB Hà Nội, còn lại là các đội tuyển quốc gia. Đấy là một con số khổng lồ, cả Việt Nam có lẽ chỉ còn Hùng Dũng là đá nhiều hơn Hải.
Ông Park Hang-seo đương nhiên biết điều đó, và ông còn nhận diện được thực trạng của Quang Hải trong những ngày tập luyện ở Philippines. Gặp U22 Brunei, ông cho anh nghỉ hoàn toàn. Gặp U22 Lào, ông cho anh chơi theo kiểu thư giãn tìm cảm giác. Chỉ đến khi gặp U22 Indonesia và Singapore, ông mới yêu cầu Quang Hải "đá thật", đá vì giai đoạn nước rút đang chờ.
Nhưng trận đấu với U22 Singapore là một Quang Hải khác, một Quang Hải mà dù thầy Park đã sử dụng thật nâng niu, tiết kiệm, vẫn không thể đạt độ sung mãn thường thấy ở anh. Phút 22, anh ngã xuống và sau đó không thể tiếp tục chơi được nữa.
HLV Park Hang-seo ngay lập tức có những dự cảm không lành. Khác với nhiều ca chấn thương khác, ông chạy như bay ra tận nơi "thăm khám", sau đó hỏi bác sĩ, và quyết định rút ngay Hải ra sân, bất chấp thế trận lúc đó với U22 Việt Nam đang thực sự khó khăn.
Nhưng có vẻ như đã muộn. SEA Games 30 gần như chắc chắn đã khép lại với Quang Hải từ thời điểm đó. Một vết rách bắp đùi sau thì không quá nghiêm trọng cho sự nghiệp, chỉ là nó không thể hồi phục kịp cho giải đấu này.
Gương mặt Quang Hải buồn rười rượi khi ngồi nhìn các đồng đội chiến đấu với U22 Singapore, và nó còn thẫn thờ hơn sau khi đi chụp phim ở bệnh viện. Nhưng anh không oà khóc như Neymar hồi World Cup 2014, còn người hâm mộ Việt Nam cũng không đến nỗi tuôn nước mắt như mưa giống các fan Brazil năm đó.
Mất Neymar, Brazil não nề để rồi thảm bại 1-7 ở trận tiếp theo gặp Đức. Mất Quang Hải, U22 Việt Nam cũng vô cùng thất vọng, nhưng chúng ta không bi luỵ, không suy sụp. Chặng đường vẫn còn dài, các chiến binh vẫn phải bước tiếp, và trong nỗ lực của từng người, có thêm nhiều phần trăm sức mạnh đá vì Quang Hải.
Cho đến trước trận gặp U22 Thái Lan, Quang Hải chưa toả sáng, một phần là vì chiến thuật giữ quân của ông Park, nhưng phần khác bởi tự thân anh cũng không hoàn toàn xuất sắc. Khi không ở trạng thái thăng hoa, Quang Hải cũng đang có dấu hiệu bị bắt bài. Hai trận đấu gần nhất của anh trong màu áo tuyển Việt Nam trước UAE và Thái Lan diễn ra thiếu điểm nhấn, và điều đó kéo dài cho đến cả SEA Games.
Không thể lúc nào cũng tạo ra siêu phẩm, dù đấy là Messi, Ronaldo hay… Quang Hải. Ông Park lường trước tình cảnh của Hải "con" và đã chuẩn bị những phương án mà Hải sẽ là cục nam châm thu hút hậu vệ đối phương, tạo ra khoảng trống cho đồng đội.
Bây giờ, toan tính ấy không thực thi được nữa. Nhưng với lực lượng đủ dày và chất có trong tay, HLV người Hàn cũng chẳng quá khó khăn để xoay bài. Ông đang có 2 tiền đạo cùng đạt phong độ tốt: Tiến Linh – Đức Chinh. Ông đang có cặp tiền vệ hoạt động năng nổ, hiệu quả: Hùng Dũng – Việt Hưng. Ngay cả khi cần một người có thể chơi hao hao Quang Hải, ông cũng có thể cậy nhờ Hoàng Đức…
Tiếc cho Quang Hải lỡ trận chiến nhiều duyên nợ với U22 Thái Lan, sau đó hy vọng là bán kết, chung kết và hiện thực hoá giấc mơ Vàng. Nhưng cũng đến lúc anh nên để những bước chân thoăn thoắt của mình ngưng lại, khi nó cần khoảng lặng. Sự nghiệp còn dài, và Hải cũng đừng buồn nếu anh không thể sải cánh ở một cái ao làng đang tổ chức vô cùng hỗn độn.
Bạn nên quan tâm