Phút 86, Quang Hải nhận bóng sát vạch 16m50, trước mặt anh là Ngô Hoàng Thịnh, một cầu thủ phòng ngự sức mạnh và quyết liệt. Quang Hải vẫn không ngần ngại đột phá. Một cú lắc hông, một nhịp đẩy bóng thẳng vặn sườn Hoàng Thịnh và chốt lại bằng cú sút chân trái đưa bóng đi với quỹ đạo "lá vàng rơi" vào góc xa khung thành. Quang Hải điền tên vào bảng tỷ số còn người hâm mộ được chạm đến ngưỡng của sự phấn khích sau khoảnh khắc ngẫu hứng.
Trước khi lưới của Thanh Thắng rung lên, không có một động tác nào của Quang Hải thừa thãi. Trước bàn thắng, Quang Hải có không ít lần như đang "nhảy múa" với trái bóng tạo cảm giác sảng khoái cho người xem. Và cũng trước bàn thắng ấy, chính anh tạo nên pha bóng gây tranh cãi nhất trận.
Phút 68, Quang Hải dẫn bóng trong vòng cấm, đối diện với anh là Pape Diakite, cầu thủ to lớn nhất trên sân (Diakite cao 1m94, nặng 98 kg). Khi đường sút lẫn chuyền vào trong bị khoá chặt, Hải "con" chờ một cú tì vai, cài cắm sao cho Diakite thay vì phá trúng bóng lại trúng chân mình để rồi ngã cực đẹp trong vòng cấm. 1 giây sau, trọng tài Nguyễn Mạnh Hải chỉ tay vào chấm phạt đền.
Cầu thủ CLB TP.HCM phản ứng dữ dội với quyết định ấy. Pape Diakite nói gì đó với Quang Hải nhưng tránh xa tranh cãi với trọng tài vì đã nhận 1 thẻ vàng trước đó. Sau trận, HLV Chung Hae-seong và các trợ lý xem lại tình huống. Ông thầy người Hàn Quốc vung tay bất mãn và nhất quyết không dự họp báo. Trợ lý Yang Jae-mo ức chế như sắp khóc. HLV thủ môn Trần Minh Quang vỗ tay và nói "trọng tài bắt hay lắm trọng tài ơi".
Tình huống Pape Diakite phạm lỗi với Quang Hải trong vòng cấm ở phút 68, làm đúng theo kịch bản mà số 19 của Hà Nội FC tạo ra (Ảnh: Hiếu Lương)
Một cựu trọng tài sau khi xem lại tình huống đã nhận định đây không phải một tình huống phạt đền. Tác động của Diakite là không đủ nhưng va chạm giữa anh và Quang Hải có xảy ra. Diakite cũng phải tự trách mình vì đưa chân truy cản không đúng lúc theo đúng kịch bản Quang Hải muốn, cùng pha ngã quá đẹp của số 19, phần khó khăn nhất bị đẩy cho trọng tài chính.
Tình huống đó chỉ có thể xảy ra hai trường hợp, một là thổi phạt đền, hai là phạt thẻ vàng cho lỗi ăn vạ của Quang Hải. Trọng tài chính chọn phương án đầu tiên. Vị cựu trọng tài cũng nói thêm rằng trong khoảnh khắc ấy trọng tài chính có góc quan sát thuận lợi nên càng tin tưởng hơn vào quyết định của bản thân. Phải nói thêm rằng trừ tình huống trên thì suốt cả trận, trọng tài Hải đã đưa ra những quyết định cứng rắn và chính xác dù đây là mùa đầu tiên "vua áo đen" trẻ này được đôn lên V.League.
Trọng tài Nguyễn Mạnh Hải đã chỉ có 1 đến 2 giây để quyết định. Cuối cùng, ông thổi phạt đền cho Hà Nội FC (Ảnh: Hiếu Lương)
Khoảnh khắc ấy được xem là bước ngoặt của trận cầu đinh tại lượt trận đầu tiên giai đoạn 2 V.League 2020 nhóm đua vô địch. Thậm chí, những diễn biến trên sân còn tạo cảm giác nếu chuẩn xác hơn CLB TP.HCM có thể phản công và vươn lên dẫn bàn.
Sau 3 thất bại liên tiếp, HLV Chung Hae-seong rút ra nhiều bài học về cách tiếp cận trận đấu. CLB TP.HCM chơi với sơ đồ 5 hậu vệ. Họ thu hẹp cự ly đội hình để chơi phòng ngự phản công, đồng thời tập trung nhân sự ở hai biên đấu lại các bài tấn công sở trường của Hà Nội FC.
HLV Chung Hae-seong đã đúng. Các học trò của ông đã làm tốt cho đến trước khi Quang Hải ngã trong vòng cấm ở phút 68, để rồi chính số 19 của Hà Nội FC đóng đinh kết quả trận đấu bằng pha xử lý của một ngôi sao vào cuối trận. CLB TP.HCM có quyền nuối tiếc. Với bất cứ ai, thật khó để nuốt trôi thất bại thứ 4 liên tiếp trước một đối thủ trong cùng mùa giải, nhất là khi tình huống quyết định là một pha bóng tranh cãi, gỡ bế tắc của trận đấu.
Thế nhưng, cuộc đối đầu tối qua tại Hàng Đẫy vẫn hội tụ nhiều tình huống làm nên sự hấp dẫn xen căng thẳng và tranh cãi. CLB TP.HCM có thể đã tìm được hướng đi đúng trong những cuộc đối đầu tương lai với Hà Nội FC, quan trọng họ có đủ kiên nhẫn và duy trì sĩ khí mãnh liệt đến lúc đó hay không mà thôi. Còn Quang Hải, anh là khác biệt không thể san lấp giữa đôi bên.
Ngay trước trận đấu với CLB TP.HCM, những tin tức từ Nhật Bản và Thái Lan cho thấy Quang Hải được rất nhiều sự quan tâm từ các đội bóng ở xứ sở mặt trời mọc.
"Quang Hải chưa thể sang Nhật Bản dù rất nhiều đội bóng ở đây sẵn sàng chiêu mộ", ông Kei Koyama, đại diện J.League chia sẻ.
Ông kỳ vọng Việt Nam sẽ như Thái Lan: "Nhiều đội ở Đông Nam Á vận hành dựa vào tài chính của ông chủ. Họ đặt câu hỏi là tại sao phải để cầu thủ biểu tượng của mình ra đi. Thái Lan đã thay đổi tư duy này và đưa những cầu thủ hay nhất sang Nhật Bản thi đấu".
Ông Kei Koyama là quan chức thuộc Phòng Quan hệ quốc tế của J.League. Không chỉ có những chia sẻ trên, ông còn nói những điều mang đầy tính thương mại và lợi nhuận như "thị trường Đông Nam Á", "niềm đam mê bóng đá của người Việt Nam" và cả tỷ suất người xem J.League ở Thái Lan tăng vọt khi những Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan hay Teerasil Dangda tới giải đấu này chơi bóng.
Điều ấy cho thấy J.League rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Lê Công Vinh đi tiên phong rồi đến Công Phượng, Tuấn Anh nhưng chưa ai giúp J.League đến với người Việt Nam như cách "Messi Thái" làm được.
Muốn làm được điều ấy, những nhà quản lý J.League cần một cầu thủ hội tụ đầy đủ những yêu cầu về chuyên môn (có thể thi đấu được ở J.League 1) và độ nổi tiếng trên lãnh thổ quê nhà. Không còn ai ở Việt Nam phù hợp hơn Nguyễn Quang Hải và phần nào là Đoàn Văn Hậu vào thời điểm này. Quang Hải hơn Văn Hậu ở chỗ anh thi đấu ở vị trí trung tâm, tạo nên bàn thắng hay kiến tạo và dễ tạo nên sự phấn khích cho người xem.
Quang Hải là cái tên gây hấp dẫn với các đội bóng Nhật Bản. Anh có chuyên môn, có sự thu hút truyền thông và được nhiều người hâm mộ (Ảnh: Leot - Hiếu Lương)
Sau giai đoạn đầu im tiếng và vướng nhiều thị phi, Quang Hải trở lại mạnh mẽ với những màn trình diễn điểm 10 ở Cúp quốc gia và hôm qua là tại V.League. Bàn thắng vào lưới CLB TP.HCM là bàn đầu tiên của Quang Hải tại V.League mùa này nên dễ hiểu cho hành động cởi áo ăn mừng của anh. Nó là sự giải toả cho những áp lực vô hình lẫn hữu hình.
Chưa hết, những màn trình diễn như trước CLB TP.HCM vừa qua, trước Viettel ở chung kết Cúp quốc gia cho thấy đẳng cấp của Quang Hải không nên bị nghi ngờ nữa. Anh đem lại sự khác biệt chỉ bằng một cú vung chân dù trước đó có thể lặn mất tăm cả trận.
Các CLB Nhật Bản mê mẩn Quang Hải cũng không phải sự tâng bốc quá đà. Chưa bàn đến thực chiến, xét về các yếu tố mang tính lý thuyết thì vẫn đủ thuyết phục để các đội bóng Nhật bỏ qua những rủi ro mà đổ tiền chiêu mộ Quang Hải.
Người hâm mộ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung vẫn chờ đợi một chuyến xuất ngoại của cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2018. Quang Hải tạo nên sự tranh luận sôi nổi về việc anh có thể thành công ở nước ngoài như Chanathip hay sẽ lại thất bại như Công Phượng, Xuân Trường. Điều ấy sẽ mãi là tranh cãi nếu Hải "con" không vượt khỏi biên giới Việt Nam.
Trong một thông tin khác, Nhật Bản có lẽ chưa phải nấc thang trong mơ của Quang Hải. Anh muốn như Văn Hậu, được sang châu Âu dù phần trăm thành công giữa hai nơi lại là một khoảng cách rất lớn. Liệu Quang Hải có muốn mạo hiểm?
Mẹ Huỳnh Anh ăn mừng bàn thắng cùng mẹ Quang Hải (T/H: Ted Trần)
Bạn nên quan tâm