Robert De Niro là diễn viên huyền thoại của làng điện ảnh thế giới và từng giành về 2 tượng vàng Oscar danh giá. Một trong những vai diễn để đời của ông là khi hóa thân vào nhân vật Jake LaMotta, tay đấm huyền thoại nổi tiếng với câu nói "Bất kể bị đấm bao nhiêu lần, tôi không bao giờ bị tổn thương".
Trở lại những năm 40-50 của thế kỷ trước, khi ấy, quyền Anh còn rất sơ khai và các tay đấm gần như thi đấu bằng bản năng của mình. Boxing lúc đó được mô tả là "thuần khiết" và mang tính giải trí cực cao.
Các võ sĩ thượng đài không có chuyên gia dinh dưỡng để chuẩn bị sẵn một chế độ ăn phù hợp. Họ cũng chẳng sở hữu chuyên gia tâm lý riêng, phải tự rèn giũa "tinh thần thép" cho riêng mình.
Đây cũng là giai đoạn các băng nhóm mafia nhúng tay khá sâu vào làng quyền Anh. Họ cố gắng sở hữu ít nhất một tay đấm xuất sắc để "làm khiếp sợ" đối thủ. Thay vì "thanh toán" nhau trên phố, những băng đảng này cho các võ sĩ của mình phân tài cao thấp trên võ đài, thắng càng đẹp càng tốt.
Có một cái tên nổi trội nhất trong giai đoạn này. Đó là Sugar Ray Robinson, võ sĩ da màu sở hữu lối đánh bùng nổ. Thời đỉnh cao, Robinson quét sạch các đối thủ của mình và trở thành nhà vô địch thế giới năm 25 tuổi. Trong sự nghiệp, ông giành tới 173 chiến thắng, 109 trong số này đến từ chiến thắng bằng knock-out.
Tuy nhiên, Robinson không phải "Độc cô cầu bại". Ông cũng từng phải "nếm trái đắng" khi lên đài. Vậy cái tên đầu tiên hạ được huyền thoại Sugar Ray Robinson là ai? Đó chính là Jake LaMotta, tay đấm có biệt danh "The Raging Bull". Thời còn thi đấu, LaMotta khẳng định bản thân "không biết đau". Phải chăng ông đã sử dụng điều này để hóa giải Robinson?
Jake LaMotta chính là tay đấm điển hình ở thời đó. Ông từng có thời gian phục vụ trong các băng nhóm và từng bị cảnh sát hỏi thăm vì việc hành hung người khác. Sau này, ông thừa nhận bản thân có nhiều thói xấu, từng "thượng cẳng chân, hạ cẳng ta" với chính vợ của mình. Sinh thời, ông từng kết hôn tới 7 lần, từng hẹn hò với nhiều minh tinh nổi tiếng.
Con người trên võ đài của LaMotta mới là điều giúp ông được các fan yêu mến. Dù danh tiếng không thể vượt mặt Robinson, LaMotta vẫn được tôn sùng nhờ lối đánh cực kỳ cống hiến. Mỗi khi dính một đòn đánh, "The Raging Bull" cố gắng trả lại gấp nhiều lần. Khi lên đài, LaMotta luôn tiến lên phía trước cùng suy nghĩ "không sợ đau".
"Tôi đã chiến đấu kể từ khi chỉ là một đứa nhóc 7 tuổi, tranh tài chỉ vì vài đồng bạc. Tôi dùng số tiền đó để giúp cha tôi trả tiền nhà. Tôi đã đấu rất nhiều trận thời đó. So với những đứa trẻ khác, tôi tập luyện chăm chỉ hơn gấp nhiều lần".
Tôi không nhớ nổi mình đã bị đánh bao nhiêu cú. Đến một ngày, tôi không còn cảm thấy đau nữa. Tôi nghĩ không ai có thể làm tổn thương tôi. Tôi có thể bị rách mắt, vỡ mũi, gãy tay nhưng tôi chưa từng cảm thấy đau".
Trên võ đài, LaMotta có khả năng tung ra những cú đấm cực nặng và chính xác. Tuy nhiên, ông lại phòng thủ không tốt, dựa nhiều vào độ cứng của chiếc cằm để trụ vững. Trong khi đó, Robinson tỏ ra kỹ thuật và cân bằng hơn. Chính vì thế, Robinson áp đảo khi đối đầu với "The Raging Bull", khi thắng tới 5 và chỉ một lần phải nhận thất bại.
"Phong cách thi đấu của tôi là bước ra sàn và đánh đến chết. Tôi muốn cho đối thủ dính nhiều đòn nhất có thể. Sau cùng, tôi sẽ khiến họ phải đổ gục xuống võ đài", LaMotta chia sẻ trên tờ New York Times.
Ở lần so tài đầu tiên vào năm 1942, LaMotta dùng đúng chiến thuật của mình, lao lên tung nhiều đòn đánh nhất có thể. Trong khi đó, Robinson bình tĩnh và có nhiều đòn đánh chính xác hơn. Không bất ngờ khi chiến thắng bằng điểm số đồng thuận đã thuộc về Robinson.
Ngay sau đó, LaMotta yêu cầu một trận tái đấu. Dù để thua, "The Raging Bull" không mất niềm tin vào bản thân. Ông tập luyện để có thể cải thiện khả năng chịu đòn, với hy vọng trụ được lâu hơn để tấn công. Sự tự tin chính là phẩm chất đã làm nên tên tuổi cho LaMotta. Cũng từ đó biệt danh "The Raging Bull" (tạm dịch "Chú bò tót giận dữ") được ra đời.
"Tôi chưa từng lo lắng khi lên sàn. Tôi luôn luôn tin rằng bản thân có thể giành chiến thắng. Tôi luôn cho rằng là như thế", LaMotta chia sẻ.
Màn so tài thứ 2 diễn ra tại Bronx. Lần này, chiến thắng đã thuộc về "The Raging Bull", khiến Robinson phải nhận trận thua đầu tiên trong sự nghiệp. Đôi bên tiếp tục so tài với nhau thêm 3 lần vào những năm 40s và thắng lợi đều dành cho Robinson.
Ân oán của đôi bên kết thúc với lần lên đài cuối cùng vào năm 1951. Tại đây, sự can trường của LaMotta đã khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng.
Màn so tài diễn ra, Robinson là người thi đấu lấn lướt, và đặt mục tiêu sớm hạ đo ván đối thủ. Tuy nhiên, với tinh thần không biết đau, LaMotta kiên cường chống đỡ, sống sót qua hết hiệp này qua hiệp khác.
Tới cuối hiệp 6, LaMotta bắt đầu loạng choạng, đứng không vững. "Phải cố gắng để không gục ngã". "The Raging Bull" từ chối bỏ cuộc, quyết đấu đến cùng. "Anh bạn đánh rất hay, những không thể hạ được tôi đâu", LaMotta thều thào nói với đối thủ trên góc đài.
Nhưng tới cuối hiệp 13, máu đã dính đầy trên gương mặt của LaMotta lẫn trên đôi găng của Robinson. Trọng tài cuối cùng quyết định dừng cuộc đối đầu để bảo vệ sức khỏe cho "The Raging Bull".
Đến hôm nay, có thể người ta đã quên Robinson đã áp đảo thế nào ở màn so tài ấy. Thứ các fan nhớ hơn chính là tinh thần không bỏ cuộc của LaMotta. Sự dũng cảm của ông sau này đã được dựng thành phim và Di Nero đã có màn hóa thân để đời.
"Mọi người hỏi rằng tại sao tôi lại muốn kể về cuộc đời của một người, dù cuộc đời của anh ta có nhiều thứ không hoàn hảo, có tính cách kiêu ngạo. Tôi trả lời rằng tôi muốn làm một tác phẩm chính vì tính cách đó của anh ta", đạo diễn Martin Scorsese chia sẻ.
Scorsese không xây dựng cốt truyện kể về hành trình vươn lên đỉnh cao của LaMotta. Ông muốn khắc họa nhiều hơn cuộc sống nội tâm bên trong của tay đấm nổi tiếng một thời này. Ông biết "The Raging Bull" từng làm nhiều việc sai trái nhưng trong thâm tâm của tay đấm này, vẫn có những đấu tranh âm ỉ. Và LaMotta muốn thượng đài để làm trong sạch tâm hồn.
Và vai chính được Scorsese trao cho De Niro, diễn viên mà ông từng làm việc chung trong bộ phim "Taxi Driver". Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng chính De Niro đã có đóng góp quan trọng cho kịch bản tác phẩm.
"Tôi gặp Jake LaMotta tại một CLB ở Broadway. Ông ấy chào mọi người và tôi thấy ông ấy thừa cân khá nhiều. Tôi thắc mắc làm sao ông ấy có thể vô địch thế giới với ngoại hình như thế? Tôi bắt đầu đọc cuốn tiểu sử do ông ấy phát hành. Từ đó, tôi hiểu được thêm khá nhiều về ông ấy. Ngay lập tức, tôi gọi cho Scorsese và yêu cầu ông ấy cần làm phim dựa theo cuốn sách này".
"Đó không phải một cuốn sách hay nhưng lại lột tả được con người của ông ấy. Tôi muốn Scorsese đọc và cả hai cùng đưa ra ý kiến" De Niro chia sẻ.
Khi nhập vai vào "The Raging Bull", De Niro đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Năm 1975, ông giành tượng vàng Oscar cho vai diễn trong phim "Bố già". Từ năm 1977 đến 1979, ông còn 2 lần được đề cử khác.
Nhưng nhiều người vẫn cho rằng tác phẩm "Raging Bull" mới là đỉnh cao diễn xuất của nam tài tử này. Không chỉ khắc họa hình ảnh mạnh mẽ của một võ sĩ trên góc đài, ông còn lột tả được nội tâm của LaMotta, những điều mà nhiều người vốn không nhận ra.
Để vai diễn được hoàn hảo hơn, Di Nero còn tới nước Ý để luyện chất giọng giống với nhân vật chính. Ông cũng dành nhiều thời gian tập quyền Anh, cố gắng tăng 70 lbs (31kg) để lên được hạng trung, phù hợp cho trận đấu cuối sự nghiệp của LaMotta. Việc tăng cân đột ngột khiến ông khó thở, và suýt mất mạng. De Niro làm tất cả để giống như LaMotta.
Việc Di Nero vội vàng cũng bởi tuổi tác của ông khi đó. "Tôi không thể để bản thân già thêm nữa. Vào năm 1980, tôi đã 34-35 tuổi rồi, đây là cơ hội duy nhất", ông chia sẻ.
Jake LaMotta cũng đóng vai trò cố vấn cho De Niro cho bộ phim. Ông thừa nhận bất ngờ với sự tận tâm cho vai diễn của Di Nero. Thậm chí, ông đã khóc khi xem tác phẩm này.
"Đó là bộ phim khiến tôi hồi tưởng lại con người của mình. Tôi xem từng cảnh và nghĩ xem mình có từng làm vậy không. Thật lòng mà nói, tôi không thích bộ phim này chút nào, bởi khiến tôi nhận ra bản thân thật tệ. Tôi xem bộ phim với vợ tôi. Một cảnh, tôi quay sang hỏi, 'Anh tệ đến thế này hả?' Cô ấy nói, 'Không anh yêu còn tệ hơn nhiều'", LaMotta nhớ lại.
Sự cống hiến và nỗ lực của mình đã giúp Robert De Niro giành được giải Oscar cho danh hiệu Nam chính xuất sắc nhất. Bộ phim cũng đi vào huyền thoại và giúp các fan vẫn nhớ tới LaMotta dù ông đã qua đời từ năm 2017.