Kobe Bryant, một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất lịch sử NBA đã không còn nữa. Sự ra đi bất ngờ của anh vào ngày 27/1/2020 vừa qua (giờ Việt Nam) là một cú sốc khó quên với những người hâm mộ thể thao nói chung và cộng đồng yêu mến bóng rổ nói riêng. Danh tiếng và tầm ảnh hưởng của Kobe Bryant không chỉ dừng lại ở trong giới bóng rổ mà nó còn vươn xa hơn thế nữa tới nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống.
Trước những giá trị to lớn về mặt tinh thần cũng như thành tích mà Kobe Bryant đã cống hiến cho đội bóng Los Angeles Lakers trong suốt 20 năm thi đấu, chính quyền thành phố Los Angeles từng đưa ra quyết định vào năm 2016 rằng ngày 24/8 hàng năm sẽ là ngày của Kobe Bryant. Và mới đây thôi, quận Cam, nơi gia đình của Kobe Bryant đang sinh sống cũng thống nhất rằng ngày 24/8 sẽ là ngày lễ tri ân tới cố huyền thoại này.
Khác với mọi năm, ngày 24/8 năm nay có phần trầm lắng hơn khi không còn đó hiện diện của Kobe Bryant. Đối với nhiều người, mặc dù sự việc đã qua được 7 tháng thế nhưng ở đâu đó, trong mỗi câu chuyện, trong mỗi ngách nhỏ của cuộc sống, người ta vẫn nhìn thấy hình ảnh đầy thân thiện của Kobe Bryant.
Và với Allen Iverson, một trong những bạn thân thiết, người anh em của Kobe Bryant, anh cũng có những cảm nhận như vậy. Trong ngày 24/8 năm nay, Allen Iverson đã viết một bức tâm thư rất dài và nhằm chia sẻ lại cảm xúc cá nhân cũng như những kỷ niệm của riêng anh về Kobe Bryant.
Bức tâm thư trên được đăng tải trên trang Theplayertribute và được Sport5 biên dịch sát nhất theo bản gốc với mong muốn lột tả chân thật nhất cảm xúc trong từng câu chữ của Allen Iverson.
"Gửi Kobe,
Điều này thật sự không dễ dàng, nhưng tôi cần phải xả hết nỗi lòng mình ra, vì tôi và vì Kobe. Để lần cuối cùng xoá tan hết mọi hiểu lầm giữa Chuck và Kobe.
Kobe Bean Bryant... Người em của tôi.
Lần đầu tiên anh thấy em đối đầu với "Vị Chúa da màu" (Michael Jordan), khi em mới 18 tuổi, anh biết em sẽ trở thành một sát thủ. Đó là lúc anh nhận ra em sẽ sớm thành một huyền thoại trong tương lai. Em đã không nhún nhường trước Mike tối hôm đó. Thật sự thì anh đã biết em là mẫu người không biết sợ khi thi thoảng anh lướt qua em trên đường. Nhưng anh không ngờ em sẽ 'cháy' như thế khi đối đầu với huyền thoại Jordan.
Đó cũng là lúc anh nhìn thấy trong em một năng lượng 'máu chiến'.
Từng trả lời báo chí vào ngày đầu tiên gặp Michael Jordan, chàng trai 18 tuổi năm đó luôn tự nhủ rằng mình có cơ hội đánh bại "Vị chúa" của bóng rổ khi đó. Ảnh: Andrew D. Bernstein.
Chúng ta sinh trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi thấy em trên sân đấu và cách em chơi bóng, anh biết anh em mình cùng được nuôi dưỡng và lớn lên trong cùng một bầu nhiệt huyết. Anh không được cao lắm, nhưng trong trí tưởng tượng của mình, anh lúc nào cũng như người khổng lồ khi thi đấu. Còn em, em cao 1m98 và nhắm mắt em cũng ghi điểm được. Nhưng vẫn chưa đủ, em vẫn phải trở nên giỏi nhất ở lĩnh vực của mình.
Mọi người đều nói họ muốn thành huyền thoại như em. Nhưng đâu phải ai cũng sẵn sàng hy sinh vì điều đó. Em có nhớ lúc ta đến Los Angeles vào năm NBA đầu tiên của chúng ta không? Em đón anh ở khách sạn rồi ta cùng đi ăn. Em đã hỏi anh rằng ăn xong thì anh định làm gì. Anh trả lời anh sẽ đi vũ trường. Chúng ta đang ở L.A mà Kobe, sao lại không đến vũ trường nhỉ?
Và em đã nói gì? 'Em sẽ trở lại phòng gym'.
Em có lẽ là chàng trai duy nhất trong lịch sử giải đấu mà những câu chuyện xung quanh em không bị phóng đại lên. Câu chuyện về một gã có tên là "Black Mamba" không phải là cổ tích. Dù là một, hai hay ba giờ sáng, chúng ta đều biết em ở đó.
Anh và em, mỗi lần chúng ta bước lên sân, chúng ta đều chiến đấu. Nhưng chúng ta không phải kẻ thù mà là những võ sĩ hạng nặng "hành nhau ra bã". Và khi tiếng chuông kết thúc vang lên, không có gì khác ngoài tình anh em và sự tôn trọng. Người vĩ đại cần có bạn đồng hành và chúng ta thì có nhau. Giống như thể Mike và Prince, hay cặp đối đầu kinh điển của Evander Holyfield và Mike Tyson.
Ai cũng cần một người để nói với họ rằng: 'Ông không phải dạng vừa đâu. Thật ra thì tôi cũng vậy'.
Và em trai ạ, em đúng là không phải dạng vừa. Em là người đàn ông mạnh mẽ nhất trong cuộc chơi, là sát thủ trên rổ, là người cạnh tranh ác liệt nhất mà anh từng thấy. Anh nhớ đã từng nghe một câu chuyện về em.
Em đang đi trên đường thì xem được đoạn highlights anh thả 35 điểm vào rổ của New York Knicks trong năm đầu tiên của chúng ta và em đã tức đến nỗi đập phá tan tành phòng khách sạn và em bắt đầu nghiên cứu về anh như thể CIA. 'Tìm cho tôi tập tài liệu về Allen Inverson', anh cá là em đã nói câu đấy. Và em tìm cách để đánh bại anh, như đánh bại một con cá mập trắng chuyên săn mồi ở Thái Bình Dương.
Cùng tham gia Draft năm 1996, người hâm mộ cũng như giới chuyên môn đều đánh giá cao Kobe Bryant và Allen Iverson. Ảnh: GettyImages.
Anh thích câu chuyện đấy vì nó rất chân thật. Mối quan hệ của chúng ta như vậy đấy. Hai thằng đàn ông thúc đẩy nhau để trở nên vĩ đại hơn. Lần sau đó em đến Philly, em đã hiểu mọi nước đi của anh, anh không thể đưa bóng qua nổi người em được.
Mỗi động thái của mình, anh đều phải dùng toàn bộ nỗ lực. Em cao 1m98 vậy mà cảm giác như thể em muốn "khoá chặt" anh vậy. Em muốn thử thách chính mình, muốn chứng minh cho anh thấy em là thằng giỏi nhất từng bước vào cuộc chơi này. Và anh thì rất sợ nhìn thấy Kobe Bryant ở mặt trận tấn công!
Anh không cản nổi em. Không ai cản nổi em. Em là Kobe, và em sẽ làm mọi thứ em muốn làm vì em là lính bắn tỉa, là kẻ ám sát, là sát thủ máu lạnh... Và giờ khi kể lại những câu chuyện về em trong quá khứ, anh vẫn còn xúc động.
Mọi thứ như thể một giấc mơ, không có thực. Em trai của anh à.
Trong trận chung kết 2001, chúng ta đối đầu với nhau như võ sĩ. Không phải vì giữa chúng ta có mối thù ghét, điều đó không phải ai cũng hiểu được, mà là vì sự ngưỡng mộ chúng ta dành cho nhau. Giữa chúng ta có quá nhiều ân tình.
Anh không thể nói với em rằng anh đã luôn mỉm cười khi xem đi xem lại những tấm hình của chúng ta, trên vạch ném phạt hay những lúc nói chuyện phiếm. Này ông em, có ai lại mất một danh hiệu ghi điểm NBA với 33 điểm trung bình như anh không? Sao em có thể ghi trung bình một trận 35 điểm vậy? Tại sao em lại phải làm như thế?
Em phải làm thế vì em là chính em, em là Kobe Bryant. Bởi vì em là một gã đàn ông có cái tôi cực cao. Chắc hẳn em đã xem anh làm tốt ra sao trên SportsCenter mỗi tối với 41 điểm rồi nghĩ trong đầu rằng: 'Đợi tới ngày tôi ghi 43 điểm, xem ông anh sẽ yêu thích điều đó ra sao nhé. Chuck'.
Anh lúc nào cũng tự tin, anh biết anh có thể làm được những gì. Anh là một tay ghi điểm, một người chiến thắng. Và anh làm điều đó theo cách của anh. Anh thắng vài trận đấu, nhưng em mới là nhà vô địch. Em giành được những chiếc nhẫn. Em được yêu mến bởi NHM khắp thế giới.
Em còn chiếm được tình yêu trong chính ngôi nhà của anh. Con gái lớn nhà anh rất hâm mộ Kobe Bryant. Con bé luôn muốn bố nó giành chiến thắng nhưng cũng muốn thấy Kobe toả sáng trên sân. Bọn trẻ con nhà anh từng đòi mua đôi Kobe Adidases khi mới được phát hành. Chúng chọn số 8 và 24 vì em là người hùng của lũ trẻ. Thật ra, em cũng là người hùng của anh. Dù em trẻ hơn, nhưng anh ngưỡng mộ em vì những gì em đã dám hy sinh cho bóng rổ.
Mỗi lần ai đó hỏi anh: 'Ai là người vĩ đại nhất mọi thời đại?'. Anh sẽ không nói dối, Michael Jordan luôn là số 1. Anh biết rằng em cũng sẽ đồng tình với anh về điều đó, Black Jesus, anh ta thực sự là G.O.A.T.
Nhưng số 2 thì sao? Số 2 sẽ luôn là Kobe Bryant. Không ai có máu chiến hơn em. Không ai khiến anh phải vất vả như vậy trừ em. Chúng ta kết nối với nhau trong trò chơi này và trong cả cuộc sống.
Anh chỉ ước chúng ta còn thêm thời gian gắn bó với nhau.
Điều này thật thú vị, không biết anh đã kể với em chưa nhưng một trong những kỷ niệm yêu thích của anh là khi gặp em ở L.A, vào cái ngày mà họ treo cùng lúc 2 số áo 8 và 24 của em. Ai lại nghĩ rằng họ có thể treo cùng lúc 2 số áo như vậy chứ? Anh sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc đó.
Nhưng em biết điều gì mới thật sự điên rồ vào lúc đó không? Mọi người tại Staples Center đối đãi với anh như thể đội bóng của anh đã giành chiếc nhẫn của tụi em vào năm 2001 vậy. Khi anh lao xuống sân để chúc mừng em, bảo vệ của sân nhìn anh như thể người bị điên vậy.
Cuối cùng anh cũng gặp được em và tặng em một cái ôm, khi em đang bế con gái trong tay, Khoảnh khắc ấy anh sẽ không bao giờ quên được. Anh thật hạnh phúc vì là một phần của di sản Kobe Bean Bryant để lại.
Thời gian trôi qua nhanh quá. Chuyến đi đầu tiên của chúng ta tới LA cứ như vừa diễn ra ngày hôm qua. Chúng ta lúc ấy chỉ là những đứa trẻ, tương lai vẫn còn phía trước.
'Anh định làm gì tiếp theo?'. 'Anh sẽ đi vũ trường'. 'Em sẽ trở lại phòng gym', anh sẽ chẳng bao giờ quên câu nói ấy của em.
Em giờ đã không còn nữa, nhưng em cũng không hề mất đi. Chỉ cần nhắc đến Kobe Bryant và mọi kỉ niệm sẽ ùa về trong giây lát. Anh vẫn nhớ việc em chỉ tay lên trời, rời khỏi sân bóng như cái ngày em thả 81 điểm vào rổ Toronto Raptors.
Anh vẫn nhớ hình ảnh em nhảy lên vui sướng y hệt M.J trong cái ngày em vô địch. Anh vẫn nhớ cách em đứng ở vạch ném phạt, mỉm cười. Em không nói câu gì, chỉ nhìn anh như thế: 'Chiến thôi, Chuck'. Những kí ức đó sẽ không mất đi đâu.
Và bọn anh sẽ khóc. Gia đình anh đôi khi vẫn bỗng giác khóc khi nhớ ra rằng em đã thật sự ra đi. Nhưng bọn anh cũng sẽ cười thật to khi kể về những kỉ niệm đó. Anh không biết phải kết lại bức thư này thế nào nữa. Anh không biết phải làm sao để nói chia tay với một huyền thoại NBA, một người cha, người chồng, người bạn. Anh thật sự không còn từ ngữ nào nữa.
Anh chỉ biết là... Anh yêu em, em trai của anh.
Thân mến, Chuck".
Bạn nên quan tâm