Memphis Grizzlies dẫn trước với cách biệt lớn trước Milwaukee Bucks, Phoenix Suns cũng có một kết quả tương tự trong cuộc đối đầu với Dallas Mavericks. Cả hai trận đấu đều ở những phút cuối cùng của hiệp 4, và mọi hy vọng để kết quả bị lật ngược gần như là không thể. San Antoni Spurs không còn quyền tự quyết và họ đã chính thức bị loại ngay cả khi có những điểm số đầu tiên trong cuộc đối đầu với Utah Jazz.
Với niềm tin đã mất, hy vọng nhỏ nhoi cũng không còn, các học trò của HLV Gregg Popovich đã không thể phô diễn hết tất cả sức mạnh của mình. Thất bại chung cuộc 112-118 cũng không còn quá nhiều ý nghĩa, số mùa giải liên tiếp tham dự vòng Playoffs của San Antonio Spurs chính thức dừng lại ở con số 22.
22 năm là một cuộc hành trình dài, tất cả bắt đầu ở mùa hè năm 1998 ấy. Năm đó, Michael Jordan vừa hoàn tất "Cú ăn Ba" thứ hai cùng Chicago Bulls, Kobe Bryant vẫn đang miệt mài tìm kiếm sự công nhận ở mùa giải thứ hai tại NBA, cũng như LeBron James mới chỉ là một đứa trẻ 14 tuổi ở Arkon, Ohio và bắt đầu có được sự chú ý nhỏ nhoi từ giới truyền thông nước Mỹ.
22 mùa giải tham dự vòng Playoffs ấy, San Antonio Spurs thi đấu tổng cộng 248 trận ở giai đoạn loại trực tiếp và giành chiến thắng 170 trận. Chỉ có 7 đội bóng trong lịch sử NBA có nhiều số trận thắng Playoffs hơn Spurs, và HLV Gregg Popovich có số trận thắng tại Playoffs nhiều hơn tổng số của hai HLV bất kỳ tại NBA ở thời điểm hiện tại.
Đối với nhiều người, bóng rổ chỉ đơn giản là những con số thống kê, nhưng với một số những nhân vật đặc biệt, những con số thống kê ấy chính là thước đo của một sự vĩ đại, cũng như để lưu truyền cho thế hệ mai sau.
"Tôi biết điều này có ý nghĩa đối với rất nhiều người, nhưng tôi không muốn bám víu vào sự thành công trong quá khứ. Những thứ đó không hề quan trọng, điều cần thiết là bạn đang làm những gì mình phải làm và bước tiếp vào tương lai. Những thành công mà chúng tôi có được trong quãng thời gian vừa qua là bởi Spurs đã có những con người tuyệt vời song hành cùng đội bóng", HLV Gregg Popovich với những lời nói sau cùng trước khi lên đường rời khỏi khu cách ly.
Mùa hè năm 1994, doanh nhân Peter Holt chính thức mua lại quyền sở hữu đội bóng San Antonio Spurs. Ông quyết định bổ nhiệm Gregg Popovich làm Tổng Giám đốc kiêm Phó chủ tịch mảng bóng rổ của đội, đồng thời đưa HLV Bob Hill vào chiếc ghế nóng sau những gì mà vị thuyền trưởng này làm được ở Indiana Pacers.
Sau 2 mùa giải 1994-1995 (62 thắng – 20 thua) và 1995-1996 (59 thắng – 23 thua) tương đối thành công dù rằng không thể tiến vào loạt trận NBA Finals, niềm tin của Gregg Popovich dành cho HLV Bob Hill vẫn còn đủ để họ cộng tác cùng nhau ở mùa giải tiếp theo. Tuy nhiên, chấn thương của trung phong chủ lực David Robinson, xạ thủ Chuck Person cùng ngôi sao Sean Elliott đã khiến mọi kế hoạch của Spurs bị xáo trộn hoàn toàn.
Sau khởi đầu tệ hại với thành tích 3 thắng – 15 thua, Gregg Popovich đã có một quyết định mang tính bước ngoặt trong lịch sử của San Antonio Spurs, khi sa thải HLV trưởng Bob Hill và tự mình đảm nhận chiếc ghế nóng của đội bóng trong giai đoạn khó khăn đó.
David Robinson trở lại trong 5 trận đấu tiếp theo, giúp Spurs giành được 3 chiến thắng nhưng nhanh chóng nghỉ đến hết mùa giải sau một chấn thương gãy chân ở trận đấu với Miami Heat. Mất đi con bài chủ lực, San Antonio Spurs kết thúc một năm thi đấu tệ hại với thành tích 20 thắng – 62 thua và xếp áp chót BXH miền Tây ở mùa giải năm ấy.
Nhưng hóa ra, đó mới chỉ là sự khởi đầu của một giai đoạn thành công nhất trong lịch sử San Antonio Spurs.
"Trước khi mọi người ca tụng và ghi công cho bất kỳ ai khác trong đội bóng này, hoặc tán dương những gì mà chúng tôi đã làm được trong những năm vừa qua. Hãy nhớ rằng, tất cả đều bắt nguồn từ một người, đó là Tim Duncan". Những lời nói của HLV Gregg Popovich trong ngày Tim Duncan giải nghệ là quá đủ để tán dương công trạng của huyền thoại này đối với thành công của San Antonio Spurs trong những năm vừa qua.
Lật ngược lại quá khứ hơn 23 năm về trước, mặc dù không có cho mình thành tích tệ nhất ở mùa bóng 1996-1997, San Antonio Spurs vẫn may mắn sở hữu cho mình quyền lựa chọn cầu thủ đầu tiên trong kỳ NBA Draft 1997 và họ đã không ngần ngại đem về tài năng xuất sắc nhất năm ấy là Tim Duncan.
Nhanh chóng thể hiện bản thân ngay mùa giải tân binh, Tim Duncan ngay lập tức trở thành một trong những cầu thủ chủ lực trong đội hình của San Antonio Spurs. Cầu thủ này thi đấu trọn vẹn 82 trận đấu trong đội hình xuất phát, ghi trung bình 21,1 điểm, 11,9 rebounds, 2,5 blocks và thống trị tuyệt đối mọi con số thống kê cho danh hiệu "Tân binh xuất sắc nhất" ở mùa giải năm ấy.
HLV Gregg Popovich đã không tiếc lời ca ngợi tài năng của Tim Duncan: "Cậu ấy là một cầu thủ có phong thái cực kỳ đáng chú ý. Duncan luôn đặt mọi thứ vào trong tầm nhìn của chính mình và không bao giờ quá lạc quan hay tự mãn vào bản thân".
"Tim là một cầu thủ tài giỏi. Tôi thật sự ấn tượng và tự hào về thái độ tập luyện và nỗ lực vươn lên của cậu ấy. Tim luôn phấn đấu để trở thành một trong những cầu thủ giỏi nhất tại NBA", trung phong David Robinson, một trong những ngôi sao ở NBA vào thời điểm ấy, cũng dành những lời có cánh cho người đồng đội trẻ của mình.
Bộ đôi Tim Duncan và David Robinson nhanh chóng trở thành cặp bigman hàng đầu ở NBA với biệt danh "Twin Towers – Tòa tháp đôi". Spurs trở lại với sức mạnh vốn có của họ, đạt thành tích 56 thắng – 26 thua ở mùa giải 1997-1998, đánh dấu việc lọt vào Playoffs lần đầu tiên dưới triều đại của HLV Gregg Popovich cùng ngôi sao Tim Duncan.
Lên ngôi vô địch lần đầu tiên trong lịch sử CLB ở mùa giải kế tiếp sau khi đế chế Chicago Bulls tan rã, San Antonio Spurs liên tiếp duy trì sức mạnh của mình như là một trong những đội bóng hàng đầu ở miền Tây, bất chấp sự vươn lên mạnh mẽ của Los Angeles Lakers. "Tòa tháp đôi" cùng nhau có thêm một chức vô địch vào mùa giải 2002-2003.
Trong suốt 22 năm lọt vào vòng Playoffs từ năm 1998 đến 2019 dưới sự dẫn dắt của HLV Gregg Popovich, San Antonio Spurs đã giành được tổng cộng 1.260 chiến thắng tại NBA, đứng trên đội bóng thứ 2 là Dallas Mavericks đến 211 trận đấu. Họ tiến vào loạt trận chung kết NBA đến 6 lần và chỉ một lần duy nhất chịu khuất phục trước sức mạnh của Big-3 Miami Heat ở mùa giải 2014-2015.
Suốt những năm tháng thành công ấy, Tim Duncan đã đóng góp sức mình đến 19 mùa giải cho đội. Anh luôn là hạt nhân chính trong mọi kế hoạch xây dựng đội bóng của HLV Gregg Popovich, kể cả sau thời đại của David Robinson và sự kế thừa của kỷ nguyên Big-3.
Là một đội bóng nằm ở một thành phố không mấy nổi tiếng, tách biệt với những bãi biển xinh đẹp ở Los Angeles, Miami hay những đô thị sầm uất nhất nước Mỹ như New York, San Antonio Spurs không có quá nhiều cơ hội để lôi kéo những cầu thủ hàng đầu đến với đội bóng với mức lương cao ngất ngưỡng.
Họ tạm hài lòng với những lượt pick thấp, những cầu thủ đến từ ngoài biên giới nước Mỹ như Tony Parker (Pháp), Manu Ginobili (Argentina) hay những viên ngọc thô đầy tiềm năng như Danny Green, Patty Mills.
Ở San Antono Spurs, ngôi sao lớn nhất chính là toàn đội bóng. HLV Gregg Popovich đã thành công trong việc để mỗi cầu thủ có thể phát huy tốt nhất những điểm mạnh của mình, hạn chế những điểm yếu của bản thân và kết hợp chúng trở thành một tập thể rất khó bị đánh bại. Đó là một triết lý cực kỳ quan trọng của Spurs, khi họ đặt những cầu thủ của mình vào một hệ thống để giúp họ vươn đến thành công.
Kawhi Leonard, một trong những tài năng được phát hiện và nhào nặn dưới bàn tay của HLG Gregg Popovich, đã từng nói: "Đến với Spurs, bạn sẽ tự động tìm ra cách để thi đấu đúng sức mình trong mỗi trận đấu".
Để nói về vẻ đẹp hoàn mỹ của tập thể San Antonio Spurs, thì màn trình diễn trong loạt trận NBA Finals năm 2014, khi họ đánh gục một Miami Heat toàn năng của LeBron James, Dwyane Wade và Chris Bosh chỉ sau 5 trận đấu, chính là minh chứng vĩ đại nhất cho triết lý của toàn đội.
Dù cũng sở hữu cho mình một "Big-3" riêng với Tim Duncan, Manu Ginobili và Tony Parker, nhưng cái cách mà Spurs triển khai bóng dựa trên sức mạnh tập thể đã làm mê hoặc những con người khó tính nhất vào thời điểm ấy.
Từng đường bóng, từng bước chạy, từng pha phối hợp và ghi điểm, tất cả được thực hiện như được lập trình sẵn với độ chính xác cao nhất. Họ không vội vàng nhưng cũng không quá chậm rãi, họ chơi bóng với một sự kiên nhẫn tối đa và luôn đưa bóng đến đúng vị trí cần thiết nhất để kết liễu đối thủ.
"Nhiều người cố gắng để trở thành một điều đặc biệt hơn cả trận đấu, tự đánh bóng thương hiệu cá nhân hoặc tạo ra những điều vĩ đại cho riêng mình, trong khi lại chờ đợi một sự may mắn với những người đồng đội tốt ở bên cạnh. Tôi không chọn lối chơi như thế", Tim Duncan trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm 2013.
Dù đặt nặng yếu tố tập thể lên hàng đầu, một đội bóng sẽ không bao giờ chạm đến được vinh quang nếu không có những ngôi sao thực thụ trong đội hình. Họ chính là những người mở lối, người đưa ra những quyết định sinh tử trong những thời điểm khó khăn nhất và cũng chính là đầu tàu cho thành công của mỗi đội bóng. Kỷ nguyên "Big-3" với Manu Ginobili, Tony Parker cùng hạt nhân cốt lõi Tim Duncan chính là những ngôi sao lớn nhất của Spurs trong 14 mùa giải gắn bó cùng nhau.
Mùa giải 2015-2016, người hâm mộ được chứng kiến Tim Duncan thi đấu những năm tháng cuối cùng trong sự nghiệp. Mặc dù đã gần 40 tuổi vào thời điểm ấy, "Big Fundamentals" vẫn xuất phát 70 trên tổng số 71 trận của Spurs trong toàn mùa giải, dẫn dắt đội đến với trận bán kết của miền Tây trước khi gục ngã trước Oklahoma City Thunder. Mùa hè năm ấy, Tim Duncan tuyên bố giải nghệ, chính thức khép lại một trang sử huy hoàng khi gắn bó với giai đoạn thành công nhất trong lịch sử CLB.
Tất nhiên, San Antonio Spurs cũng không quên xây dựng một lớp kế thừa xứng đáng và người được chọn chính là Kawhi Leonard. Cầu thủ có biệt danh "The Klaw" không ngần ngại chia sẻ những giá trị mà Spurs mang lại, khi đội bóng chưa bao giờ đặt giá trị của thương hiệu bằng những đồng tiền và vẻ ngạo nghễ của một kẻ mang danh hiệu vô địch.
Đối với quan điểm của HLV Gregg Popovich, đó không phải là những giá trị cốt lõi trong tập thể của Spurs, cũng như việc định hình phong cách và con người của Tim Duncan, thứ đã giúp họ duy trì thành công suốt cả chặng đường gần ¼ thế kỷ.
Thế nhưng, sự kế thừa nơi Kawhi Leonard bỗng chốc vỡ vụn sau chấn thương của cầu thủ này vào vòng Playoffs năm 2017. Tại thời điểm đó, những xích mích giữa ngôi sao cùng đội ngũ y tế của sân AT&T Center xung quanh quá trình điều trị là đề tài được giới truyền thông cũng như NHM quan tâm hàng đầu. Sau cùng, mọi việc đã kết thúc bằng việc Kawhi Leonard khăn gói lên đường đến với Toronto Raptors vào mùa hè năm 2018.
Không còn Tim Duncan, những lão tướng còn lại như Manu Ginobili và Tony Parker cũng nói lời từ biệt cùng Spurs sau đó không lâu.
Không chỉ có Kawhi Leonard ra đi, mùa hè năm ấy cũng chứng kiến sự mất mát quá nhiều của San Antonio Spurs, khi Manu Ginobili cũng tuyên bố giải nghệ, đồng thời Tony Parker, thành viên còn lại của "Big-3" năm nào cũng chính thức chuyển sang Charlotte Hornets trong mùa giải cuối cùng của sự nghiệp.
Mùa hè năm 2018, chắc hẳn cũng buồn không kém những gì mà NHM đội bóng này từng trải qua 2 năm về trước.
Mất đi những trụ cột nơi thành công của đội trong gần 2 thập kỷ vừa qua, thế nhưng San Antonio Spurs không hề sụp đổ nhanh chóng. Họ vẫn có một thành tích đáng nể ở các mùa giải tiếp theo, vẫn là một đội bóng khó chịu ở vòng Playoffs dưới bàn tay của HLV lão luyện Gregg Popovich.
Vốn trung thành với lối chơi bóng rổ truyền thống và không bao giờ đi theo trào lưu của thời đại, San Antonio Spurs dần trở thành một nàng thơ lạc lõng giữa một rừng các công chúa kiêu kỳ đi cùng với thời đại của những cú ném 3 điểm. Họ vẫn duy trì bản sắc của những pha phối hợp, những bài di chuyển đưa cầu thủ vào thế thuận lợi nhất có thể để dứt điểm đối thủ.
Tuy nhiên, với những con người như LaMarcus Aldridge, DeMar DeRozan hay Rudy Gay, bản sắc của Spurs đang dần bị mai một. Aldridge có thiên hướng ghi điểm nhiều hơn là hỗ trợ, DeRozan là cầu thủ top đầu của NBA về những tình huống thi đấu 1-1, trong khi Rudy Gay cũng thường xuyên có những động tác ghi điểm solo ở khu vực hình thang.
Bản sắc của San Antonio Spurs vẫn còn đó và không hề mất đi, chỉ là những con người làm nên bản sắc đặc biệt ấy đã không còn hiện diện trong màu áo của đội bóng nữa. Đối với những người trót yêu mến Spurs, những ngôi sao mang dòng máu thực thụ của đội bóng đã chết cùng với quyết định giải nghệ của Tim Duncan.
Không thể phủ nhận những đóng góp của các cầu thủ mới cho đội bóng, nhưng như một quy luật tất yếu của cuộc sống, bất kỳ sự thành công nào cũng sẽ phải đối mặt với thử thách nghiệt ngã của thời gian.
San Antonio Spurs vẫn thi đấu rất tốt trong 2 mùa bóng gần nhất, cũng như luôn đào tạo ra những cầu thủ giỏi kế cận như Dejounte Murray, Derrick White và Keldon Johnson. Thế nhưng, San Antonio Spurs đã và đang trên đường trở thành một đội bóng bình thường như bao đội bóng nhỏ khác ở NBA, khi thị trường không cho phép họ thu hút quá nhiều tên tuổi lớn.
Không có gì phải xấu hổ khi cố gắng tỏa sáng ở một đế chế buổi hoàng hôn như San Antonio Spurs, bởi lẽ thành công sẽ khó mà duy trì trong một khoảng thời gian dài. Đối với Spurs, 22 năm cùng triều đại của HLV Gregg Popovich đã là quá đủ cho họ trở nên vĩ đại trong toàn lịch sử NBA.
Đế chế San Antonio Spurs dần lụi tàn, nhưng không có nghĩa họ sẽ chết. Dù không có một lứa cầu thủ kế cận đủ tài năng, nhưng di sản trên băng ghế huấn luyện của họ đang lan dần ra mọi ngóc ngách trong toàn NBA.
Những đội bóng như Milwaukee Bucks, Brooklyn Nets, Golden State Warriors, Oklahoma City Thunder, Philadelphia 76ers, Utah Jazz, Charlotte Hornets, Memphis Grizzlies và Phoenix Suns vẫn mang đâu đó dòng dõi của một San Antonio Spurs kiêu hùng trong quá khứ.
Sự thất bại trong chiến dịch giành vé vào vòng Playoffs năm 2020 không chỉ đánh dấu việc San Antonio Spurs bị cắt đứt chuỗi tham dự vòng Playoffs dài nhất trong lich sử NBA, mà còn có thể là một hồi cáo chung cho cả một triều đại.
LaMarcus Aldridge, DeMar DeRozan và Rudy Gay chỉ còn hạn hợp đồng đến hết mùa hè năm 2021, cũng như việc họ đều đã quá 30 tuổi. HLV Gregg Popovich vẫn đang làm tốt công việc hiện tại của bản thân, nhưng "Bố già" cũng đã 71 tuổi và không chắc sẽ còn đủ sức khỏe để lèo lái con tàu San Antonio Spurs trong tương lai.
Dù muốn hay không, Spurs cũng sẽ phải đối mặt với dòng xoáy của thời gian. Ngày "Bố già" Gregg Popovich giải nghệ, mọi bản sắc của họ có thể sẽ không còn, khi một triều đại mới, một HLV mới cùng lứa cầu thủ mới lên kế thừa.
Thế nhưng, những di sản của một San Antonio Spurs huyền thoại 1998-2019 vẫn sẽ tồn tại rất lâu nữa trong lòng những người yêu mến NBA. Đôi khi, sự kết thúc có lẽ là một chương mới cho quá trình tái sinh của đội bóng này trong tương lai không xa.
Bạn nên quan tâm