Theo truyền hình quốc gia Saudi Arabia, vụ đánh bom là 8 người bị thương, 1 máy bay dân dụng bị hỏng. Đây là vụ đánh bom thứ hai vào sân bay Abha trong 24 giờ qua.
Vụ đánh bom xảy ra trong bối cảnh Saudi Arabia có chiến tranh với nước láng giềng Yemen. Chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công thứ hai.
Vụ tấn công thứ nhất do phiến quân Shiite Houthi nhận trách nhiệm. Theo các nhân chứng, các mảnh đạn rải khắp đường băng nhưng không gây thương vong.
Sân bay bị tấn công nằm cách thủ đô Riyadh, nơi đội tuyển Việt Nam đang sinh hoạt và tập luyện, khoảng 900km. Thủ đô của Saudi Arabia được đảm bảo an toàn dù cho các cuộc xung đột ở biên giới phía Nam diễn ra trong nhiều năm qua.
Đội tuyển Việt Nam có mặt tại Saudi Arabia từ ngày 28/8 và đã có 3 buổi tập luyện. Đội chủ nhà cũng tập trung từ ngày 28/8. Tuy nhiên, số lượng buổi tập giữa hai bên chênh lệch khi đội tuyển Việt Nam tập trung ở Hà Nội từ ngày 5/8, có hơn 3 tuần tập luyện.
Đội tuyển Saudi Arabia dưới thời HLV Herve Renard vẫn được đánh giá cao hơn nhiều thầy trò HLV Park Hang-seo. Saudi Arabia đặt mục tiêu chiến thắng và có lần thứ hai liên tiếp góp mặt ở World Cup.
Trận đấu giữa hai đội diễn ra vào lúc 1h00 (giờ Việt Nam) ngày 3/9 tại SVĐ Mrsool Park.
Về chiến tranh ở phía nam Saudi Arabia, theo tờ The Hindu, phiến quân Houthi của Yemen đã chiến đấu với liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu kể từ năm 2015. Các mục tiêu được nhắm đến là sân bay quốc tế, cơ sở quân sự, cơ sở hạ tầng dầu mỏ quan trọng ở Saudi Arabia.
Các cuộc tấn công thường tập trung ở thành phố Abha hiếm khi gây ra thiệt hại lớn nhưng đã làm hàng chục người bị thương, ít nhất 1 người thiệt mạng và từng làm chao đảo thị trường dầu mỏ thế giới.
Saudi Arabia bị chỉ trích vì các chiến dịch ném bom khiến dân thường thiệt mạng ở Yemen. Các mục tiêu được nhắm đến có cả bệnh viện, tiệc cưới, cơ sở hạ tầng ở quốc gia được đánh giá là nghèo nhất trong số các nước Ả Rập.
Trước đó, Yemen xảy ra nội chiến vào năm 2014. Quân nổi dậy chiếm thủ đô Sanaa và phần lớn miền bắc đất nước. Liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp nhiều tháng về sau để đánh bật phiến quân và khôi phục chính phủ được quốc tế công nhận.
Cuộc chiến khiến khoảng 130.000 người thiệt mạng, gây ra thảm hoạ nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.