Kết thúc SEA Games 2019, thể thao Việt Nam đã gặt hái thành công rực rỡ, không chỉ thâu tóm 2 HCV ở môn thể thao Vua là bóng đá, mà còn xếp nhất toàn đoàn ở môn thể thao nữ hoàng là điền kinh - 16 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ, bỏ xa nước xếp thứ 2 là Thái Lan - 12 HCV, 11 HCB, 12 HCĐ.
Tấm HCV của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sau khi vượt qua Thái Lan trong một trận đấu rất cảm xúc. Ảnh: Tiến Tuấn
Ngoài ra, thể thao Việt Nam còn thành công ở một số nội dung có trong hệ thống thi đấu Olympic, như cử tạ (xếp nhất), đấu kiếm (xếp nhì),... Đặc biệt là bắn cung nội dung 1 dây đã giành 3/5 HCV với sự xuất sắc của cung thủ Lộc Thị Đào. Bắn cung Việt Nam cũng đã có 2 suất dự Olympic 2020 là Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt - nội dung 1 dây.
Ở môn bơi, tuy "tiểu tiên cá" Ánh Viên không hoàn thành chỉ tiêu 8 HCV, chỉ giành 6 HCV, 2 HCB, những nữ kình ngư đàn em là Nguyễn Diệp Phương Trâm, Vũ Thị Phương Anh hay Lê Thị Mỹ Thảo chưa đáp ứng kỳ vọng.
Nữ cung thủ Lộc Thị Đào đã giành HCV cá nhân cung 1 dây bên cạnh 2 HCV ở nội dung đồng đội nữ và đôi nam nữ. Ảnh: Hoàng Tùng
Tuy vậy, ở phía những nam kình ngư đã xuất hiện nhân tố trẻ Trần Hưng Nguyên - 2 HCV 200m và 400m hỗn hợp ngay lần đầu dự SEA Games, trong đó có nội dung 400m hỗn hợp phá kỷ lục SEA Games với thành tích 4 phút 20,65 giây.
Hai HCV còn lại của bơi Việt Nam thuộc về Nguyễn Huy Hoàng, người cũng đã phá 2 kỷ lục SEA Games 400m và 1500m tự do. Như vậy, Huy Hoàng đã đạt chuẩn A và giành suất dự Olympic 2020 ở 2 nội dung là 800m và 1500m tự do.
Kình ngư Trần Hưng Nguyên, sinh năm 2003 có kỳ SEA Games đầu tiên đáng nhớ. Ảnh: Thủ Khúc
Tất nhiên vẫn có một số môn mà thể thao Việt Nam đạt chỉ tiêu tối thiểu hoặc thất bại toàn tập, như ở muay (1 HCV), boxing (1 HCV), pencak silat (1 HCV) hay môn cờ vua và bắn súng - không đạt HCV nào dù chỉ tiêu từ 1 đến 2 HCV/môn.
Tuy vậy, những thất bại đó hoàn toàn có thể thông cảm vì sức ép từ các trọng tài, rồi lại đến nước chủ nhà Philippines, cũng đã cắt giảm và ra những quy định oái ăm hòng giảm thiểu tối đa số lượng HCV của các quốc gia có thế mạnh ở môn đó.
Đơn cử như ở môn pencak silat đã loại bỏ 2 hạng cân đối kháng là 90-95kg và 70-75kg. Hai nội dung mà Việt Nam đều đang có 2 nhà vô địch ASIAD 2018 là Nguyễn Văn Trí và Trần Đình Nam.
Cờ vua Việt Nam không giành được HCV nào tại SEA Games 2019. Ảnh: Hoàng Tùng
Hay như ở môn cờ vua, Philippines ra quy định "lần đầu mới thấy" là mỗi kỳ thủ chỉ được thi đấu một nội dung, khiến áp lực tăng cao bội phần dành cho những đại kiện tướng là Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Lê Quang Liêm.
Tổng kết lại, đoàn thể thao Việt Nam đã giành 98 HCV, 85 HCB, 104 HCĐ ở kỳ SEA Games 2019. Trong đó, số lượng HCV ở các môn Olympic là 71/98, chiếm tỉ lệ 72%.
Thành tích trên đã giúp thể thao Việt Nam có lần đầu tiên vượt mặt Thái Lan ở một kỳ SEA Games không tổ chức trên sân nhà của cả hai. Điều này đã đúng với nhận định trước SEA Games 2019 của chuyên gia Por trên tờ SIAM Sport, trong mục bình luận chuyên đề SEA Games.
"Việt Nam là kẻ bám đuôi Thái Lan?", tiêu đề bài bình luận trên SIAM Sport chuyên trang SEA Games. Ảnh: SIAM
Tiêu đề "Việt Nam có còn là kẻ bám đuôi Thái Lan?" và nội dung trích lược như sau: "SEA Games 201 có thể là nơi cho chúng ta thấy rằng, không thể đánh giá thấp thể thao Việt Nam. Dù cho họ đã có những thất bại trong cách phát triển nghiêm túc và sự thành công ở kỳ đại hội này không phải là bước nhảy vọt của họ".
"Thái Lan vẫn đi trước Việt Nam về chiều sâu và cách làm bài bản, nhưng tại thời điểm này, nếu xét kỹ về trình độ từng VĐV thì không quốc gia nào khác ở Đông Nam Á ngoài Việt Nam tạo ra được nhiều cột mốc để các VĐV Thái Lan hướng đến. Việt Nam đã không còn là kẻ bám đuôi Thái Lan nữa. Họ đã là một đối thủ mạnh ở khu vực".
Cuối cùng, trong một tin tức tổng kết SEA Games 2019, tờ Bola cũng đã thừa nhận rằng: "Với những môn Olympic, Việt Nam và Thái Lan đã chứng tỏ họ luôn là "ông trùm" khu vực".
Bạn nên quan tâm