Hà Nội FC - Nhà vô địch tuyệt đối
Thành công của lứa trẻ CLB Hà Nội
Nhìn đội hình thi đấu của CLB Hà Nội trong phần lớn mùa giải 2018, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự kết hợp giữa kinh nghiệm và sức trẻ. Những tuyển thủ U23 như Duy Mạnh, Đình Trọng sẽ được sát cánh với những người đàn anh dày dặn kinh nghiệm. Điều này cho thấy được tầm quan trọng của những cựu binh lên những người đồng đội trẻ. Họ không chỉ dìu dắt mà còn giúp đỡ, nâng cao trình độ, kỹ năng.
So với các đồng đội bên phía Hoàng Anh Gia Lai, những tuyển thủ lứa U23 của Hà Nội không có gì nổi trội so với các đồng nghiệp. Nếu như Công Phượng hay Xuân Trường đều đã từng ra nước ngoài thi đấu (Công Phượng thi đấu ở J2 League trong khi Xuân Trường có 2 năm thử sức ở K-League Classsic) thì các cầu thủ như Quang Hải, Duy Mạnh đều trưởng thành từ lứa trẻ của Hà Nội đi lên.
Thế nhưng, vì sao yếu tố thành công luôn song hành với các tuyển thủ U23 của CLB Hà Nội? Câu trả lời khá rõ ràng, Hà Nội thành công với tập thể đồng đều, dàn cựu binh chất lượng. Ngoài ra, HLV Chu Đình Nghiêm là một trong những người am hiểu và gắn bó với học trò từ khi chân ướt, chân ráo thi đấu ở V-League. Chính những điều này góp phần làm nên chức cúp vô địch V-League lần thứ 4 trong lịch sử đội bóng.
Sự kết hợp giữa cựu binh và sức trẻ tạo nên một CLB Hà Nội hoàn hảo theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Ảnh: Tiến Tuấn
Có một yếu tố khác cũng được xem là nguyên nhân làm nên thành công của lứa cầu thủ trẻ của Hà Nội. Ngoài chuyện Quang Hải quảng cáo đồ uống có cồn, họ gần như miễn nhiễm với scandal, miễn nhiễm với cuộc sống ồn ào, thị phi của showbiz. Về phía HAGL, dường như các cầu thủ trẻ của đội bóng này luôn bị giới truyền thông săm soi quá mức.
Từ chuyện tình Công Phượng, phát ngôn gây xôn xao của Xuân Trường cho đến mái tóc bạch kim của Văn Toàn. Tất cả đều "gây bão" dư luận. Có lẽ, sự chú ý thái quá của người hâm mộ đã khiến HAGL đánh mất đi bản sắc vốn có của mình. 4 mùa bóng đã qua, thành tích trồi sụt của đội bóng phố núi là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Lứa cầu thủ U23 của Hà Nội đã vô địch V-League còn HAGL phải chờ tới bao giờ?
Kể từ khi đôn Công Phượng, Xuân Trường lên đội một, bầu Đức hứa hẹn HAGL sẽ vô địch V-League và trở thành một trong những đội bóng đáng xem nhất. Câu trả lời 4 năm qua là một "cái kết buồn" dành cho những người hâm mộ đội bóng phố Núi.
Mùa bóng 2015, HAGL suýt phải xuống hạng, thành tích lẹt đẹt của đoàn quân HLV Graechen khiến HAGL từng nhận rất nhiều chỉ trích. V-League 2016, 2017 và rồi 2018, thành tích của họ vẫn chẳng khá hơn là bao. Tuy mùa giải 2018 được xem là mùa bóng tốt nhất của HLV Dương Minh Ninh và các học trò khi họ đã chơi một thứ bóng đá tuyệt vời. Thế nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để giúp HAGL có thể khẳng định được thương hiệu, cũng như đền đáp niềm tin của người hâm mộ.
Sự tăng cường khi Xuân Trường, Công Phượng khi trở về từ Nhật Bản hay Hàn Quốc vẫn không thể giúp cho đội bóng phố Núi có thành tích tốt như mong đợi. Họ vẫn thi đấu "trận hay, trận dở". Có lẽ vấn đề không phải nằm ở chỗ Công Phượng, Văn Thanh kém xuất sắc mà nằm ở "hướng đi" của BHL đội chủ sân Pleiku.
Hà Nội vẫn gắn bó với HLV Chu Đình Nghiêm sau sự ra đi của HLV Phan Thanh Hùng. Hoàng Anh Gia Lai không được như thế. 3 năm 3 đời HLV, từ người thầy đầu tiên HLV Graechen đến HLV thủ môn Nguyễn Quốc Tuấn và sự trở lại của cựu tuyển thủ Dương Minh Ninh thay nhau trên băng ghế huấn luyện. HAGL vẫn không thể khởi sắc.
Hà Nội có những cầu thủ biết cách tỏa sáng đúng lúc và sở hữu hàng tiền đạo chất lượng. Còn HAGL họ đang loay hoay với những ngoại binh không biết cách ghi bản. Ảnh: Tiến Tuấn
CLB Hà Nội đã vô địch 2 lần trong 3 năm qua. Còn đội bóng phố Núi? Họ vẫn theo đuổi triết lý bóng đá đẹp nhưng đẹp thôi chưa đủ. Hậu quả là 4 mùa giải vừa qua, các cầu thủ trẻ của bầu Đức chưa bao giờ vượt quá Top 5 trên BXH. Chức vô địch V-League dường như còn khá xa vời.
Không thể phủ nhận sự xuất sắc của Xuân Trường, Văn Thanh, Công Phượng và các học viên Học viện HAGL-JMG trong màu áo tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Tuy nhiên, trở về CLB, có một sự thật chỉ ra rằng, HAGL là một trong những đội bóng phòng ngự tệ nhất V-League, trung bình mỗi trận họ thủng lưới xấp xỉ 2 bàn thua. Một con số báo động.
Sự ổn định và thành công của CLB Hà Nội là bài học không chỉ riêng cho Hoàng Anh Gia Lai mà cho tất cả các đội bóng khác ở V-League. Chất lượng cầu thủ trẻ, HAGL không thua kém bất kỳ đội bóng nào nhưng sự ổn định và tiến bộ họ lại đặt ra rất nhiều dấu hỏi.
Thống kê về khả năng phòng ngự của HAGL - một con số báo động.
Muốn thành công, HAGL phải thay đổi
Quang Hải gây ấn tượng mạnh với 9 bàn thắng và 6 kiến tạo, Duy Mạnh tạo được niềm tin với số lần phá bóng giải nguy cao Top đầu ở vị trí trung vệ. Văn Hậu có được sự điềm tĩnh mặc dù anh mới 19 tuổi. Đình Trọng trở thành lá chắn thép trước khung thành đội bóng thủ đô.
HAGL có những gì? Có thể nói, hạn chế về khâu tấn công, dứt điểm là điểm yếu của HAGL. Họ là đội bóng của những cầu thủ trẻ được xem là tốt nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, việc thiếu những cầu thủ tấn công tốt khiến cho đội bóng phố Núi luôn loay hoay với việc ghi bàn.
Ngoài ra, một điểm trừ nữa của HAGL là sự kết nối của thủ môn và hậu vệ. Họ từng thay tới 6 trung vệ ngoại binh (tính từ năm 2015) chỉ để vá lỗ hổng phòng ngự. Vị trí thủ môn cũng được xem là "tử huyệt" của đội bóng phố Núi khi những Văn Tiến hay Văn Trường không tạo được sự chắc chắn nơi khung gỗ.
Bảng thông số về hiệu quả và hiệu suất của Quang Hải và Xuân Trường. Rõ ràng, tiền vệ thuộc biên chế CLB Hà Nội tỏ ra nhỉnh hơn người đàn anh Xuân Trường khá nhiều. Đồ họa: Anh Dũng
Hà Nội có chức vô địch V-League mang dấu ấn lịch sử. HAGL trồi sụt trên BXH và thật khó chen chân vào những đội có huy chương. Sự tương phản của 2 thế hệ cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Việt được thể hiện qua những danh hiệu, thống kê mà họ có được.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, CLB Hà Nội có lực lượng ngoại binh chất lượng bậc nhất V-League, trong khi HAGL không được như vậy. 4 mùa bóng vừa qua, 12 ngoại binh đến và đi ở sân Pleiku. Người gắn bó lâu nhất là tiền vệ Ideguchi (1 mùa rưỡi), ngược lại, có những tiền đạo chỉ...thi đấu đúng 2 trận rồi biến mất.
Không phải HAGL không đầu tư cầu thủ ngoại mà BHL đội bóng phố Núi muốn định hướng và phát triển cầu thủ nội. Trong bối cảnh ấy, những Văn Toàn, Văn Thanh có cơ hội để khẳng định mình nhưng bù lại, họ phải chấp nhận và làm quen với sự khắc nghiệt của V-League. Thật khó để vô địch V-League khi trong tay HAGL chỉ là những cầu thu trẻ - họ có khát khao, quyết tâm nhưng lại thiếu kinh nghiệm và sự già dơ.
Hà Nội mạnh và có bản sắc. HAGL cũng có bản sắc và chất lượng nội binh. Nhưng khi đặt lên bàn cân, mọi yếu tố thuận lợi đều hướng về Hà Nội. Bởi đội bóng thủ đô có một cái gì đó tổng hợp giữa "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để thành công điều mà HAGL luôn thiếu.
Sau tất cả, có thể không nên so sánh với bất kỳ ai, nhưng các cầu thủ HAGL cần phải biết vượt qua khó khăn và áp lực. Họ sẽ phải trưởng thành và cố gắng quyết tâm hơn nữa.
HAGL có những lứa cầu thủ được đánh giá xuất sắc nhất trong thế hệ U23 nhưng thành công vẫn đang lảng tránh Công Phượng, Xuân Trường. Có lẽ BHL đội bóng phố Núi cần nghiêm túc hơn trong việc xác định mục tiêu cũng như thi đấu ở V-League bởi HAGL "không thể vô địch với những đứa trẻ".
BXH V-League sau vòng 21