Vì sao lãi gộp của MU không được phép xuống dưới 65 triệu bảng?
Trong tập tài liệu mang số hiệu 001-35627 được cất giữ tại Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mĩ chứa một điều khoản mà trong giai đoạn khó khăn này rất có thể sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến công tác chuyển nhượng của MU. Tài liệu này lý giải những nguyên tắc tài chính cơ bản của United, đồng thời giải thích những khoản bảo đảm dành cho chủ nợ của đội bóng.
MU đã vay 175 triệu bảng Anh từ Chứng khoán BofA (trước đây là Ngân hàng Merrill Lynch). Họ cũng chưa thanh toán 330,8 triệu bảng "trái phiếu bảo hiểm cấp cao" dành cho các nhà đầu tư của họ. Khoản nợ nửa tỉ bảng Anh này là hệ quả sau khi nhà Glazer (Mỹ) mua lại MU.
Để có thể vay được số tiền lớn với lãi suất khá thấp, MU phải chấp thuận một giao ước khá đặc biệt với chủ nợ của họ. Theo đó, lãi gộp (EBITDA) của CLB trong 1 năm tài chính không được dưới mức 65 triệu bảng và chủ nợ sẽ xem xét EBITDA của MU mỗi quý. EBITDA là viết tắt của Earning Before Interest, Taxes, Depreciation, and Amortization, tức là thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao.
Điều này có nghĩa rằng cứ mỗi 3 tháng, khi MU kê khai tài chính với chủ nợ, lãi gộp trong vòng 1 năm tài chính phải đạt ít nhất 65 triệu bảng, nếu không ngân hàng có toàn quyền xử lý CLB.
Kieran Maguire, giảng viên về tài chính bóng đá của Đại học Liverpool, tác giả blog "Định giá bóng đá" khẳng định những điều khoản như vậy là hết sức bình thường với các khoản vay thương mại: "Nếu bạn nhìn vào cách cho vay thông thường trên thị trường, sẽ luôn có những ràng buộc mang tính cảnh báo. Nhưng những điều khoản kiểu này thường hiếm gặp ở các CLB của Anh".
Hầu hết CLB Anh được đầu tư bởi các cá nhân, rất khó để họ tiếp cận các khoản vay truyền thống vì một nửa số đội có nguy cơ xuống hạng. Man Utd thì khác. Họ là một đội bóng lớn, một cái tên mang đến sự bảo đảm.
Thực chất, giao ước "lãi gộp phải đạt 65 triệu bảng" cũng chỉ để ngăn MU tiêu tiền phung phí mà thôi. Chúng như những hình phạt đối với việc sử dụng đồng tiền kém hiệu quả.
Câu hỏi là liệu những giao ước đó có ảnh hưởng đến công việc chuyển nhượng của MU? Nên nhớ rằng 65 triệu bảng ở đây không bao gồm các khoản chuyển nhượng, vì nó là số tiền không tính khấu hao, chính là các khoản mua bán được ghi chép trên sổ sách. Tuy nhiên, lương cầu thủ mua về lại được tính vào phần khấu hao này.
Quỹ lương của MU đang ở mức cao nhất ở Ngoại hạng Anh với trung bình 332 triệu bảng mỗi năm, nhưng phần trăm lương trên doanh thu của họ chỉ là 54%, xếp thứ 3 cả giải (Wolves là 53%, Tottenham là 39%), thậm chí quỹ lương ấy còn dư dả hơn khi Alexis Sanchez đã được cho mượn.
Cân bằng giữa thu nhập và tiền lương là phương thức mà nhà Glazer muốn United vận hành hơn là trở thành đối tượng nhòm ngó của các ngân hàng, nhưng không ai ở câu lạc bộ phủ nhận rằng con số 65 triệu bảng EBITDA rất đáng cân nhắc trong bối cảnh đại dịch này.
Suốt thập kỷ vừa qua, MU rất ít có nguy cơ để lãi gộp xuống dưới 65 triệu bảng. EBITDA thấp nhất mà CLB công bố là 92 triệu bảng vào năm 2012. Con số này của mùa trước là 186 triệu bảng.
Nhưng ở đầu giai đoạn giãn cách xã hội, ước tính Quỷ Đỏ đã thiệt hại tới 115 triệu bảng. Chỉ tính riêng doanh thu từ các trận đấu, MU đã mất 4 triệu bảng với mỗi trận không khán giả, đó là còn chưa kể chuyện bản quyền truyền hình bị giảm giá.
Thật may, việc góp mặt tại Champions League sẽ giúp MU kiếm được khoản tiền 100 triệu bảng. Chưa thể biết đến khi nào khán giả mới có thể trở lại sân. Do đó, việc dự phòng là rất quan trọng.
Nếu không được dự Champions League, MU vẫn còn một lối thoát, nhưng nó chỉ có thể được áp dụng ở 2 năm cách nhau trước khoảng thời gian mà khoản nợ cần được tất toán.
Kịch bản xấu nhất khi United phạm luật? Ngân hàng có quyền thu hồi tiền của họ và hệ quả có thể là phá sản. Tuy nhiên, thực tế thì lại khác. Với lãi suất từ 2 đến 4%, United vẫn đang giúp ngân hàng kiếm ra tiền nên việc thu hồi vốn cũng không có ý nghĩa lắm. MU cũng có quan hệ tốt với các chủ nợ và chắc chắn họ sẽ tìm ra giải pháp.
Khi United phá bỏ giao ước về một khoản thanh toán của họ vào năm 2010, phản ứng ngay tức khắc là việc lãi suất tăng từ 14,25% lên 16,25%. United cũng có cùng một giao ước trị giá 65 triệu bảng khác cho khoản tín dụng 150 triệu bảng từ BofA khi đại dịch bùng phát. Họ đã rút 140 triệu bảng để đưa vào dòng tiền thay vì dùng cho chuyển nhượng.
Có một số nguồn tin tiết lộ rằng các đối thủ của MU ở Ngoại hạng Anh đang hoạt động theo cách khác. Tottenham và Liverpool tận dụng việc cắt giảm nhân lực để gây quỹ và họ đều đã có những bản hợp đồng vô cùng giá trị.
Tottenham thì còn tiến xa hơn, họ thông qua gói giải cứu doanh nghiệp của Chính phủ để vay 175 triệu bảng Anh. Mặc dù tiền không trực tiếp đổ vào chuyển nhượng, nhưng cũng không thể phủ nhận nó đã giúp nâng cấp đội hình của HLV Mourinho.
Có thể có những sự xâm lấn đến khoản tiền đóng thuế, nhưng người hâm mộ sẽ không khỏi hoài nghi trước sự thận trọng của United trong bối cảnh giao ước 65 triệu bảng và những hình phạt của nó vẫn còn cách quá xa hoàn cảnh của họ.
"Cấu trúc tài chính giúp chúng tôi đầu tư vững mạnh và nhất quán vào đội bóng, chúng tôi vẫn sẽ trung thành với cách tiếp cận này", người phát ngôn của MU cho biết, "Chúng tôi có thể tiếp tục khám phá các khả năng để củng cố đội hình nhưng như vậy sẽ là vô trách nhiệm khi bỏ qua các tác động kinh tế to lớn và những bất ổn hiện tại do đại dịch gây ra".
United sẽ cán mốc 175 triệu euro khoản chi chuyển nhượng ròng kể từ mùa hè năm ngoái - mức cao nhất châu Âu. Đây là bằng chứng cho thấy các giao ước không có ảnh hưởng đáng kể đối với việc mua sắm của họ. Và chỉ thời gian mới có thể trả lời liệu điều đó có thay đổi khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn hay không.
Bạn nên quan tâm