Cả thế giới đều biết Maurizio Sarri đã giận dữ như thế nào ở Wembley, khi gã học trò bướng bỉnh Kepa Arrizabalaga không chịu rời sân dù được yêu cầu. Đó là cảnh tượng hiếm thấy trong thế giới bóng đá, và thủ môn trẻ người Tây Ban Nha xứng đáng bị trừng phạt.
Thế nhưng thật ngạc nhiên, trong buổi họp báo sau đó, HLV người Italia lại nói rằng "động cơ của Kepa là đúng, nhưng sai về cách hành xử". Và tất cả chỉ là sự hiểu nhầm. Ban đầu Sarri nghĩ rằng Kepa bị chuột rút và không thể bước vào loạt luân lưu trong tình trạng đó, nhưng hóa ra anh ta vẫn ổn, và 4 phút sau khi được đội ngũ y tế thông báo lại, ông biết rằng thay người là không cần thiết.
Tuy nhiên, những gì xảy ra lại không đơn giản như vậy. Thực tế là Sarri đã gần như phát điên trước hành động thách thức của Kepa. Ông nói rằng "chỉ 4 phút sau đã biết Kepa đúng" nhưng trước loạt đá phạt đền, lại tính lao vào làm cho ra nhẽ với cậu học trò. Và khi hết trận, trong đường hầm, tiếp tục hét lên đầy bực bội, rằng tại sao Kepa có thể làm thế với ông.
Sarri đã gần như phát điên trước hành động thách thức của Kepa.
Có thể hiểu những tuyên bố của Sarri, sau khi bình tĩnh lại, nhằm mục đích giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng và không muốn câu chuyện đi quá xa. Đồng thời tạo ấn tượng rằng chiến lược gia người Italia vẫn đang kiểm soát mọi thứ ở Chelsea, và câu nói "bất kỳ HLV nào một khi mất khả năng kiểm soát đội bóng sẽ sớm phải ra đường" của Sir Alex Ferguson không ứng với trường hợp của ông.
Có lẽ Sarri đáng thương hiểu quá rõ Chelsea. Ở CLB này, HLV không bao giờ có quyền lực tối thượng và sẽ sớm thất bại trong cuộc chiến với các cầu thủ nếu nó nổ ra. Trong triều đại của mình, tỷ phú Roman Abramovich luôn coi cầu thủ là trung tâm đội bóng, o bế và đứng về phía họ. Theo thời gian, những vụ lật thầy trở thành cái gì đó quen thuộc ở Stamford Bridge.
Chỉ mới khoác áo Chelsea chưa đầy 7 tháng, nhưng Kepa đã hành xử thiếu tôn trọng HLV.
Hãy nhớ lại câu chuyện của Didier Drogba mùa 2008/09. Thời điểm đó, HLV Luiz Felipe Scolari rất muốn bán tiền đạo Bờ Biển Ngà để lấy chỗ cho ngôi sao đồng hương Adriano. Trong một cuộc họp nội bộ, Scolari công khai ý định này với Drogba. Bước ra khỏi phòng, anh ta lập tức gọi điện cho Abramovich để thông báo tình hình.
"Ai nói cậu sẽ bị bán? Không, cậu cứ ở đó cho tôi", tỷ phú người Nga nói. Sau đó thì ai cũng biết, người ra đi chính là Scolari, còn Drogba gắn bó với Stamford Bridge đến năm 2012, trở lại một lần nữa vào năm 2014.
Những gì đã xảy ra với Antonio Conte cũng là lời cảnh báo sâu sắc cho Sarri. Mối hiềm khích giữa ông này với Diego Costa đã hủy hoại Chelsea, dẫn tới kết cục tồi tệ cho tất cả. Riêng Ban lãnh đạo The Blues, họ rất không hài lòng bởi nó gây thiệt hại trên khía cạnh kinh tế. Nếu không có vụ lùm xùm đó, Costa có thể mang về nhiều hơn con số 57 triệu bảng mà Atletico đã trả.
Nếu phát động cuộc chiến với thủ môn 24 tuổi, Sarri thua ngay từ khi nó còn chưa bắt đầu.
Bây giờ, Kepa là vụ đầu tư đắt đỏ bậc nhất CLB với mức giá 72 triệu. Anh ta phải được ra sân, và ra sân thường xuyên. Sẽ không bao giờ có chuyện Abramovich hay Giám đốc Marina Granovskaia chấp nhận nhìn Kepa ngồi dự bị, sau đó bị bán rẻ. Nghĩa là nếu phát động cuộc chiến với thủ môn 24 tuổi, Sarri thua ngay từ khi nó còn chưa bắt đầu.
Vì vậy, cách tốt nhất để cứu vãn tình hình, của cả Chelsea và chiếc ghế của chính mình, chiến lược gia người Italia buộc phải xuống nước, đấu dịu tất cả. Nhưng phương án này không phải tối ưu. Bởi một khi đánh mất vị thế và cái uy của người thầy, không ai dám chắc sẽ không có Kepa thứ 2.