Yokohama FC là một đội bóng kỳ lạ, khi là tập hợp của vô số ông già đá bóng. Trong danh sách đăng ký ở J League 2020, họ có tới 11 cầu thủ ở độ tuổi 30, 2 người đã tứ tuần và "ông nội" Kazuyoshi Miura chỉ 3 tháng nữa sẽ đón sinh nhật thứ 54.
Vậy mà, chính những ông già này đã giúp Yokohama làm nên kỳ tích khi lên chơi ở J League 1 mùa này, chấm dứt 12 năm dài ngụp lặn ở J League 2. Hiện tại họ đang xếp thứ 15/18 đội với 28 điểm sau 30 trận, thành tích không hề tệ với một đội mới thăng hạng.
Đó là lý do để tin tưởng Daisuke Matsui. Thực tế là anh vẫn đang chơi bóng đỉnh cao bất chấp cái tuổi 39. Từ đầu mùa trước tới nay, Matsui ra sân 28 trận ở mọi đấu trường và ghi 3 bàn cho Yokohama. Những người dân thành phố cảng sẽ không thể quên cú đúp Matsui ghi được vào lưới JEF United hồi tháng 7/2019, bao gồm một bàn ghi theo kiểu "xe đạp chổng ngược" vô cùng ngoạn mục.
Và như các đồng đội xác nhận, những pha ghi bàn kiểu ấy quá dễ với Matsui. Cách đây 2 tháng, trong một clip được đăng trên Instagram, anh đã 3 lần tạo nên tuyệt phẩm ngả bàn đèn trong một buổi tập của Yokohama. Đó là lý do mà nhà báo kỳ cựu người Pháp, Jack Eberle từng thốt lên: "Matsui là cầu thủ phi thường nhất tôi từng gặp trong 30 năm theo nghiệp phóng viên thể thao, với kỹ thuật khác lạ chỉ thấy ở một nghệ sỹ lớn".
Những pha đi bóng biến ảo, nhãn quan sắc bén để có thể tung ra đường chuyền chết người, các phẩm chất ưu tú giúp Matsui gây ấn tượng mạnh trong 10 năm chơi bóng tại Pháp, trước khi tới Nga, Ba Lan và Bulgaria, nay vẫn không mất đi. Ngạc nhiên hơn, ngay cả nền tảng thể chất giúp anh cạnh tranh sòng phẳng với các cầu thủ ở châu Âu cũng vẫn còn hiện hữu bất chấp thời gian.
Đôi khi người ta tự hỏi, làm thế nào Matsui có thể kéo dài sự nghiệp đỉnh cao lâu đến vậy? Mùa giải năm ngoái tại J League 1, tất cả đã kinh ngạc khi tiền vệ 39 tuổi vẫn cho thấy những màn trình diễn bốc lửa, với nhiệt huyết tràn đầy. Anh thậm chí còn đá cả trung vệ, hậu vệ cánh và tiền vệ phòng ngự. Ảnh hưởng của Matsui thể hiện ở cả hai đầu sân, vừa chặn đứng các đợt tấn công bên phía đối phương, vừa mang đến cơ hội ăn bàn cho đội nhà.
Kazuyoshi Miura, huyền thoại của bóng đá Nhật Bản, người vẫn đang chơi bóng ở tuổi 53 và là đồng đội của Matsui tại Yokohama từng nói, "kể từ khi khởi nghiệp ở tuổi 18 đến nay, 35 năm đã trôi qua nhưng tình yêu với bóng đá của tôi không bao giờ cạn, thậm chí tăng lên theo thời gian". Matsui cũng có chung tình yêu bóng đá đó, cộng thêm mục tiêu theo kịp Miura.
Có một sự nghiệp rất dài, song Matsui nhớ nhất là quãng thời gian trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Suốt những năm cấp 1, cấp 2 rồi cấp 3, mỗi ngày, Matsui phải dậy từ 5 giờ sáng để chạy bộ cùng bố. Và mỗi ngày, hành trình càng kéo dài thêm, với độ khó cao hơn.
Ví dụ, anh phải hoàn thành những chặng 400m khoảng 5 lần, mỗi lần trong 1 phút 10 giây hoặc 1 phút 5 giây. Trong trường hợp không hoàn thành theo yêu cầu, anh sẽ phải chạy lại.
Nóng bức hay giá lạnh, mưa gió hay bão tuyết, Matsui không được phép nghỉ. Anh tách khỏi cuộc sống của một đứa trẻ bình thường và bắt đầu hành động như một cầu thủ bóng đá. Trở về từ trường học, Matsui lại bước vào chương trình đào tạo bóng đá lúc 4 giờ chiều và kết thúc vào 8 giờ tối.
"Từ niềm vui, bóng đá chỉ mang đến đau khổ. Một ký ức đáng sợ. Nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc", Matsui nói. Tuy nhiên, vào mỗi lần đến trường, nhìn vào bảng khẩu hiệu với dòng chữ "Ước mơ - Tổ quốc" treo trong phòng thể dục của trường, anh lại quyết tâm trở lại, và lao vào tập luyện.
Ý chí được hun đúc từ khi còn nhỏ, sau này tới châu Âu, nó được củng cố thêm lần nữa. Matsui nói rằng để thành công, điều cần nhất là mạnh mẽ, cả tinh thần lẫn thể chất. Tiếp đến là kỹ năng để có thể làm mọi thứ trên sân từranh chấp, giành lại bóng, rê dắt đến chuyền và dứt điểm. Cách duy nhất để thỏa mãn các yêu cầu này là tập luyện không ngừng, nỗ lực không ngừng.
Bây giờ ở tuổi 39, Matsui vẫn là cậu bé dậy từ 5 giờ sáng và tập lên 8 giờ tối. Ngay cả tròng thời gian nghỉ vì đại dịch Covid-19, anh cũng tập luyện chăm chỉ ở nhà, chạy quanh khu phố cùng khẩu trang. Bình thường Matsui không quan tâm tới YouTube. Nhưng anh đã làm quen với nó và "dành mỗi ngày để tìm kiếm mọi thứ với tư cách là một cầu thủ bóng đá" để cải thiện kỹ năng bản thân vốn đã ở mức bậc thầy.
Khi còn ở Le Mans những năm 2000, người Pháp gọi Matsui là Mặt trời. Sau ngần ấy năm, Mặt trời Matsui vẫn tỏa sáng. Lần này tại V League.