Tập luyện chuyên sâu: Sự vô dụng của bài tập (Kỳ 2: Bản chất của nghề VĐV và case study cơ bản về việc lên chế độ tập)

Khôi Nguyên , 18:51 15/12/2020 | Võ thuật

Chia sẻ

Nếu các bạn đã đọc qua kỳ 1 và đã nắm được phần nào về các vấn đề quá tải trong tập luyện thì bây giờ chúng ta có thể đến với kỳ 2 của bài "Sự vô dụng của bài tập".

Tại kỳ 2, bài viết sẽ đi sâu hơn vào tính chất của nghề vận động viên và một case study điển hình về việc lên một giáo án đơn giản.

Xem lại Kỳ 1 của series Tập luyện chuyên sâu: Sự vô dụng của bài tập: Vấn đề quá tải và bản chất của tập luyện.

Tính chất của nghề vận động viên thể thao

Lại nói về những vận động viên, vốn là những con người biểu tượng cho thể chất, nhưng nếu xét về sức khỏe, họ chẳng khỏe hơn chúng ta là bao. Các võ sĩ chuyên nghiệp luôn xuất hiện với thể hình to lớn và thể chất tuyệt vời, nhưng đằng sau lớp cơ bắp cuồn cuộn ấy là một cơ thể đang yếu dần theo năm tháng. Theo những khảo sát gần đây, tuổi thọ trung bình của vận động viên là thấp nhất so với các ngành nghề khác. Dù cho, các vận động viên chính là những biểu tượng sống của thể chất và thể lực.

Tập luyện chuyên sâu: Sự vô dụng của bài tập (Kỳ 2: Bản chất của nghề vđv và case study cơ bản về việc lên chế độ tập) - Ảnh 1.

Bảng thống kê tuổi thọ trung bình của các nhóm nghề nghiệp khác nhau

Theo Lương y Tô Ấn Trà – thầy thuốc đã có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề cũng như tham gia chia sẻ, tư vấn về Đông Y trên các diễn đàn mạng đã giải thích.

"Bởi vì sự nghiệp thi đấu đỉnh cao chính là một sự đột phá giới hạn chịu đựng của cơ thể một cách liên tục. Cơ thể vận động viên luôn trong trạng thái bị đốt cháy, bị thúc đẩy phát triển trong một thời gian ngắn nhất định, mà sự chịu đựng của cơ thể là có giới hạn".

"Tế bào cơ thể chỉ phân chia tối đa 50 lần rồi kết thúc vòng đời của nó. Như tất cả mọi thứ trên đời, khi đến đỉnh cao thì sẽ đến lúc xuống dốc. 'Lúc cực thịnh cũng là lúc khởi suy', khi cơ thể của vận động viên đạt đến đỉnh cao của họ, thì cũng chính là lúc họ bắt đầu thời kỳ suy tàn của chính mình. 

Vì vậy, các vận động viên sau thời kỳ đỉnh cao, vật lộn với chấn thương, đau đớn về thể xác, nội tạng bị kém chức năng, hay tàn tật lúc trở về già là điều không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đó là chưa kể đến việc các võ sĩ phải sử dụng các loại thuốc, thực phẩm hỗ trợ chức năng trong thời gian thi đấu đỉnh cao".

Tập luyện chuyên sâu: Sự vô dụng của bài tập (Kỳ 2: Bản chất của nghề vđv và case study cơ bản về việc lên chế độ tập) - Ảnh 2.

"Thi đấu đỉnh cao là phải đột phá giới hạn chịu đựng của cơ thể liên tục"

"Có thể hiểu cơ thể của vận động viên như việc đốt lửa rơm vậy. Rơm được châm lửa thì bùng lên rất nhanh, nhưng cũng nhanh lụi. Cơ thể của vận động viên cũng đi theo quy luật đó, họ đốt hết mọi dự trữ trong cơ thể để leo lên đỉnh cao một cách nhanh nhất. Nên khi về già, lượng dự trữ trong cơ thể đã cạn kiệt", ông Tô Ấn Trà nhấn mạnh.

Chế độ tập là chân ái

Nếu đã vượt qua được ải "bài nào tập hay nhất?" bạn đã có thể tiến đến cửa ải tiếp theo: "Chế độ tập nào là hiệu quả nhất?"

Lúc này, bạn đã hỏi đúng câu hỏi, nhưng vấn đề là bạn không đưa ra dữ kiện cho người tư vấn có thể tổng hợp thông tin mà tư vấn cho bạn. Và quan trọng nhất, những câu hỏi này, cũng chỉ có thể được giải đáp nếu người hỏi có một lượng kiến thức nhất định về việc tập luyện đúng đắn.

Về vấn đề nhanh, mạnh, bền, võ sĩ nào cũng cần. Tuy nhiên, để phù hợp với các tay đấm khác nhau, những yếu tố kể trên phải được căn chỉnh khác nhau. Có người cần sức bền và sức nhanh hơn so với sức mạnh, có người cần bổ trợ sức mạnh hơn cả…

Tập luyện chuyên sâu: Sự vô dụng của bài tập (Kỳ 2: Bản chất của nghề vđv và case study cơ bản về việc lên chế độ tập) - Ảnh 3.

Muhammad Ali thì không thể đánh phủ đầu như Mike Tyson và Mike Tyson không thể bay bướm như Ali

Case study: Một võ sĩ A bẩm sinh có dây chằng gối yếu. Vì thế, A không thể tập di chuyển tốc độ quá nhanh và bật nhảy quá nhiều vì nguy cơ chấn thương khá cao. Một vấn đề khác, A cũng đồng thời là một võ sĩ có nền tảng thể chất không mạnh và chịu đòn kém. Vì thế, vấn đề đặt ra hiện tại là làm sao để A có thể thi đấu tốc độ, nhưng vẫn đảm bảo hạn chế chấn thương.

Giải pháp: Tập thể hình chú trọng phát triển các cơ bắp ở chân trước nhất, sau đó tập phát triển sức mạnh cho những nhóm cơ hỗ trợ này. Từ đó áp lực lên dây chằng được giảm tải bớt do có cơ bắp vào hỗ trợ. Khi đó, có tập footwork nặng hơn nữa vẫn có thể đảm bảo được khả năng chịu đựng của dây chằng.

Tập luyện chuyên sâu: Sự vô dụng của bài tập (Kỳ 2: Bản chất của nghề vđv và case study cơ bản về việc lên chế độ tập) - Ảnh 4.

Giả sử sau một loạt kiểm tra, ta xác nhận được võ sĩ A có dây chằng gối yếu bẩm sinh? Dưới tư cách một HLV, bạn sẽ làm gì?

Nếu kết hợp được với một chế độ dinh dưỡng, massage recovery đúng đắn, võ sĩ A hoàn toàn có thể tập luyện như một tay đấm bình thường mà không còn phải lo sợ nguy cơ chấn thương về dây chằng.

Lưu ý: Vấn đề này vẫn có thể xảy ra sau một thời gian dài tập luyện và thi đấu. Chẳng hạn như Lomachenko có nền tảng thể chất khá yếu, đó là lý do vì sao khi đã ngoài 30, mỗi lần thi đấu xong Loma đều gặp chấn thương dù cho anh đang được tập luyện dưới chế độ khoa học bậc nhất thế giới (tập luyện phát triển thể chất trong trung tâm Olympic Ukraine).

Điều này trái với những tay đấm có nền tảng thể chất tốt như Foreman, Pacquiao, Kovalev, Golovkin... họ vẫn có thể đấu tốt dù đã gần 40 hoặc 40. Canelo cũng là một trường hợp có thể thi đấu lâu dài được (nếu anh không quyết định giải nghệ sớm trong tương lai).

Tập luyện chuyên sâu: Sự vô dụng của bài tập (Kỳ 2: Bản chất của nghề vđv và case study cơ bản về việc lên chế độ tập) - Ảnh 5.

Dù tập luyện rất khoa học, nền tảng thể chất của Lomachenko vẫn không "tải" nổi chế độ tập của anh.Điều này khiến cho từ tuổi 31 trở đi, Lomachenko gần như phải phẫu thuật trước và sau mỗi trận đấu

Kết

Việc tư vấn tập và nhờ tư vấn là một việc hoàn toàn rất khó. Đòi hỏi bạn phải thật sự hiểu rõ bản thân mình cần gì, thiếu sót gì. Ở phía đối diện, người tư vấn cũng cần có đủ dữ kiện để đưa ra được lời tư vấn chuẩn xác nhất. Tất cả những lời tư vấn "ăn xổi" chỉ cho thấy 2 điều: Một là người tư vấn lười tư vấn, hai là họ chẳng có một cái gì trong đầu cả.