Dù bị truất ngôi, nhưng Thái Lan vẫn là "ông vua" của khu vực
Theo tuyên bố mới nhất của chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT), ông Somyos Pumpanmuang cho biết sẵn lòng không cử đội tham dự AFF Cup 2020 để dành sự ưu tiên cho giải vô địch quốc gia.
Lý do được vị chủ tịch đưa ra là vì Covid-19 đã gây xáo trộn nghiêm trọng đến hệ thống thi đấu các giải bóng đá quốc nội. Đứng giữa việc cử đội tuyển nước nhà đi chinh phục tấm HCV bóng đá khu vực lần thứ 6, và việc kết thúc "êm xuôi" Thai League 2020, FAT dường như "ưu ái" lựa chọn sau hơn.
Thái Lan cân nhắc việc không tham dự AFF Cup 2020. Ảnh: Sport55.net
Tuy vậy, có 1 sự thật cần được nhìn nhận: cho dù Covid-19 có xuất hiện và làm ảnh hưởng đến hoạt động bóng đá trong khu vực, đó cũng chỉ là lý do bề nổi. Bởi từ lâu, đối thủ của ĐTVN đã không còn thiết tha với việc tham dự AFF Cup nữa.
Kể từ khoảnh khắc Kiatisuk nâng cao chiếc cup vô địch vào năm 1996, cho đến lần gần nhất Quang Hải và các đồng đội làm được điều tương tự vào năm 2018, giải đấu đã tổng cộng diễn ra 12 lần. Mặc dù đã nhiều lúc để cho các đối thủ khác lên ngôi, song Thái Lan vẫn được thừa nhận là ông vua đích thực về "số lượng" khi có tới 5 lần cầm về tấm HCV AFF Cup.
Thái Lan đang giữ kỉ lục về số lần vô địch giải đấu. Ảnh: Lilian Suwanrumpha/Getty Images
"Mọi thứ chỉ đẹp khi bạn chưa sở hữu nó". Với Thái Lan, họ cảm thấy như vậy là đủ. Sự tự tôn của họ có thể bị tổn thương sau khi chứng kiến "những ngôi sao vàng" làm mưa làm gió trong suốt 2 năm qua, nhưng tựu chung, ánh mắt của người Thái lúc này đang hướng đến những mục tiêu khác.
"Thái Lan muốn tham dự World Cup". Sau 5 năm, dường như họ vẫn đang loay hoay và mắc kẹt với tham vọng của mình. Nhưng không thể phủ nhận rằng họ mới là những người đầu tiên của ĐNÁ, chứ không phải chúng ta, đặt mục tiêu khẳng định mình ở sân chơi châu lục và thế giới.
Nếu thay AFF Cup bằng Asian Cup hay vòng loại World Cup, tự hỏi liệu người Thái có còn muốn ưu tiên hơn cho giải đấu trong nước của họ nữa hay không?
Việt Nam "độc cô cầu bại" Đông Nam Á trong suốt 2 năm
Kể từ ngày HLV Park Hang Seo đến với dải đất hình chữ S, ngoài việc khẳng định mình ở sân chơi châu lục, thì ĐTVN (và cả U23) còn tạo nên được 1 kỉ lục khác, đó là bất bại trong tất cả các cuộc đối đầu với các đội bóng Đông Nam Á khác ở những trận cầu mà vị HLV người Hàn này tham dự.
Việt Nam "khoanh tay lừng lững" trong Đông Nam Á suốt 2 năm. Ảnh: Chụp màn hình
Đứng trước tình hình dịch bệnh phức tạp đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức các giải đấu, kỉ lục bất bại đó có thể sẽ kéo dài đến hết năm 2020. Chừng đó là đã là "gần đủ" để khẳng định sự thống trị tuyệt đối của "binh đoàn áo đỏ" trong khu vực Đông Nam Á.
Và để "đủ", NHM Việt Nam muốn sự thừa nhận đến từ đối thủ lớn nhất của mình. Chúng ta muốn đánh bại họ tâm phục khẩu phục khi 2 đội đối đầu lại với nhau – điều mà Việt Nam chưa thể làm được kể từ khi HLV người Nhật Nishino đến làm thuyền trưởng của Thái Lan.
Việt Nam hòa cả 3 trận khi đối đầu với Thái Lan của Nishino. Ảnh: Sport55.net
Vì vậy, khi nghe tin đội bóng láng giềng muốn từ bỏ giải đấu cấp độ khu vực, chính cổ động viên Việt Nam mới là những người cảm thấy hụt hẫng nhất. Bởi cho dù bất kì giải đấu nào, bất kì 1 cuộc hành trình nào, chúng ta sẽ chỉ cảm thấy thực sự ý nghĩa nếu như Thái Lan là 1 phần trong "cuộc chơi bất bại" của ĐTVN.
Cả chúng ta và đối thủ đều muốn hướng tới những mục tiêu cao hơn ở châu lục, liệu chúng ta có nên nghĩ tới việc không tham dự giải đấu khu vực này nữa?
Câu trả lời rõ ràng là…
"KHÔNG!" – đó là lời khẳng định của Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn. "Tới thời điểm này chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức nào từ AFF hay Thái Lan về việc họ không cử ĐTQG tham dự AFF Cup. Đó là vấn đề của Thái Lan, riêng Việt Nam, chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ cho giải đấu. Việt Nam đang là đương kim vô địch nên phải hướng tới bảo vệ thành công ngôi vị".
Việt Nam đang là ĐKVĐ của Đông Nam Á. Ảnh: Sport55.net
Bóng đá Việt Nam cần AFF Cup, bởi hiện giờ, lực lượng của chúng ta chưa đủ sức để tập trung hoàn toàn cho việc chinh phục danh hiệu ở Châu Á. Ngoại trừ lứa cầu thủ Thường Châu, thì những thế hệ sau vẫn đang bị đặt dầu hỏi về năng lực của mình, nhất là khi U23 Việt nam đã không thể vượt qua vòng bảng của U23 Châu Á đầu năm nay.
Hơn hết, sân chơi AFF Cup là nơi duy nhất mà Việt Nam có thể chắc chắn tham dự thường xuyên (bởi U23 Châu Á hay Asian Cup đều phải vượt qua vòng loại). Giải đấu khu vực này là bước đệm cần thiết để tôi luyện kĩ năng và tinh thần chiến đấu cho các cầu thủ nước nhà.
Ở chiều ngược lại, AFF Cup cũng cần những đội bóng như Việt Nam để nâng tầm chất lượng và tạo tiếng vang trên toàn châu Á. Chính Việt Nam – chứ không phải Thái Lan – mới là đội bóng đã khiến cho "thành viên thứ 12 của AFF", tức Australia, suy nghĩ nghiêm túc về chuyện cử đội tham dự giải đấu sau nhiều năm nhìn bóng đá Đông Nam Á bằng ánh mắt "coi thường".
Autralia - thử thách mới của AFF Cup trong tương lai? Ảnh: Daniel Kalisz/Getty Images
"Ta đã dấn thân vào cuộc chơi mạo hiểm
Và cảm nhận được nỗi sợ hãi trong ánh mắt của kẻ thù
Để rồi đây, hãy cùng nghe tiếng đám đông ca hát
Vị vua cũ đã chết – vị vua mới khai sinh"
Những câu ca trong bài hát "Viva la vida" của Coldplay được vang lên khi U22 Việt Nam nhận chiếc HCV SEA Games 30 - cũng đồng thời là sự thừa nhận mà cả Đông Nam Á dành cho vị vua mới của mình. Có thể giải đấu năm nay sẽ không có Thái Lan, nhưng vậy thì đã sao? Vẫn còn đó 10 cái tên khác, thậm chí là cả Australia, sẵn sàng đứng ra cản đường "kẻ thống trị" hiện tại của khu vực.
Và Việt Nam – nếu đã là 1 vị quân vương đích thực - sẽ không chạy trốn trước bất kì sự thách thức nào.
Highlights Việt Nam 2-2 Thái Lan | Tiến Linh lập cú đúp siêu đẳng-U22 VN tiễn Thái Lan về nước sớm
Bạn nên quan tâm