Cuối tháng 11/2015, cử tạ đã đi vào lịch sử thể thao Việt Nam khi bộ môn này giành tới 3 vé tham dự Olimpic 2016. Trước đó 2 tháng, Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam được thành lập.
Cộng thêm các huy chương gặt hái ở giải vô địch thế giới những năm tiếp theo, tất cả buộc phải thừa nhận, kể từ khi tách khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam (LĐTDVN), các hoạt động của cử tạ và thể hình thực sự hiệu quả. Chính Chủ tịch LĐTDVN Trần Chiến Thắng trong lần chia sẻ với báo giới hồi đầu năm 2019 cũng cho rằng, khi một bộ môn "xây dựng lực lượng đủ mạnh, đủ đứng vững được thì việc thành lập liên đoàn riêng là rất tốt", và thành công của Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam là một minh chứng.
Thực tế cho thấy, trong sự phát triển chung của thể thao, việc thành lập Liên đoàn quốc gia của một bộ môn thể thao là một yêu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy tiến trình đi lên và hội nhập quốc tế, thay vì tiếp tục sống trong mái nhà chung với nhiều bộ môn khác.
Sau khi Cử tạ - Thể hình tách ra, hiện LĐTDVN vẫn đang quản lý Thể dục dụng cụ, Thể dục nghệ thuật, Thể dục dưỡng sinh, Sport Aerobic và Khiêu vũ thể thao (Dancesport), trong khi nguồn lực lại hạn chế.
Việc vận động tài trợ, tìm kiếm nguồn kinh phí gặp nhiều khó khăn để không thể hỗ trợ đầy đủ cho tất cả các bộ môn. Sự khác biệt về đặc điểm, cách thức vận hành, đào tạo, thi đấu trong từng lĩnh vực cũng dẫn đến những bất cập, đôi khi cản trở tiến trình phát triển. Đó là chưa kể LĐTDVN, tuy trên danh nghĩa tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng hoạt động theo mô hình kiểu nhà nước, trì trệ và thiếu hiệu quả.
Vậy nên mới có chuyện một số VĐV Khiêu vũ thể thao phải bỏ tiền túi khi thi đấu nước ngoài dù mang danh nghĩa VĐV đội tuyển quốc gia, hay cuối năm 2018, VĐV Nguyễn Đoàn Minh Trường (nghệ danh Phan Hiển) bị LĐTDVN… "quên" khen thưởng dù đạt thành tích cao.
Đó là lý do thời gian qua, những VĐV đi đầu của Khiêu vũ thể thao gồm Chí Anh, Khánh Thi, Hồng Việt, Thu Trang tích cực vận động thành lập Liên đoàn khiêu vũ thể thao VN, tách khỏi sự quản lý của LĐTDVN như hiện tại.
Theo kiện tướng khiêu vũ thể thao Chí Anh thì khiêu vũ thể thao là môn xã hội hóa gần như 100% và đang rất phát triển. Chỉ cần nhìn vào con số hàng ngàn VĐV tham dự hệ thống giải khiêu vũ thể thao quốc gia, các giải cấp tỉnh, thành mở rộng mỗi năm có thể thấy điều đó.
Ngoài ra, bộ môn này lại rất có tiềm năng để quảng bá, vận động tài trợ hay thu hút đầu tư từ bên ngoài nhờ hình ảnh hấp dẫn, thu hút, đúng với chủ trương tận dụng mọi nguồn lực xã hội và và tiết kiệm chi phí quản lý Nhà nước. Như ông Chí Anh cho biết, các giải sắp diễn ra gồm SEA Games 2019 và WDSF Hà Nội Open 2019 đều dựa trên kinh phí xã hội hóa, trong khi hứa hẹn từ LĐTDVN không có gì cụ thể. Vì vậy Khiêu vũ thể thao hoàn toàn có thể sống khỏe nếu hoạt động độc lập, chấm dứt nghịch lý thiếu thốn đủ điều bấy lâu.
Điều khá kỳ lạ là, mặc dù trong văn bản ngày 04/05, Tổng cục Thể dục Thể thao "thống nhất việc ủng hộ tách môn khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam và thành lập mới Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam theo quy định của pháp luật", nhưng cho đến nay, công tác này vẫn đang đình trệ.
Theo một lãnh đạo ngành thể thao, mọi tiến trình phải làm từng bước và đúng luật, không thể đốt cháy giai đoạn. Một trong những công việc đó là tổ chức lấy ý kiến Ban chấp hành Liên đoàn về việc tách, thành lập Liên đoàn Khiêu vũ Thể thao Việt Nam và có nghị quyết của Ban chấp hành về việc này trong một Đại hội bất thường. Thế nhưng Đại hội bất thường có diễn ra hay không lại là vấn đề, bởi nhiều Ủy viên BCH không đồng thuận.
Tại sao họ từ chối tổ chức Đại hội bất thường? Có hay không việc thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao đang bị gây khó dễ? Liệu có liên quan đến lợi ích nhóm ở đây?
Rất nhiều nghi vấn đang được đặt ra. Nhưng bất chấp, những người tâm huyết với bộ môn Khiêu vũ thể thao vẫn tiếp tục cuộc vận động. Và tin rằng một ngày nguyện vọng cấp thiết của cộng đồng Dancesport sẽ đạt thành, đưa bộ môn Khiêu vũ Thể thao lên tầm cao mới.
Bạn nên quan tâm