Vào trận với tâm thế buộc phải thắng, HLV Park Hang-seo đã sắp xếp sơ đồ có cả là Đức Chinh và Tiến Linh trong đội hình xuất phát. Rõ ràng với hai tiền đạo có mặt trên sân, những áp lực chúng ta tạo lên hàng phòng ngự đối phương là có.
Điều chúng ta nhìn thấy rõ nét nhất chính là cả Kritsada hay Manuel Bihr đã không còn được rảnh chân để phát triển bóng từ phần sân nhà. Từ đó áp lực lên hàng tiền vệ cũng giảm đi đáng kể, trong suốt cả hiệp 1, Việt Nam gần như không gặp phải quá nhiều khó khăn trước các tình huống triển khai bóng của đối phương.
Một thay đổi khác của thầy Park so với trận lượt đi là Tấn Tài, hậu vệ cánh 23 tuổi được xếp đá thay Văn Thanh. Chính sự năng nổ và hiện đại trong lối chơi của cầu thủ này đã mang đến rất nhiều khó khăn cho Bunmathan.
Hầu hết những tình huống tấn công đáng chú ý nhất của ĐT Việt Nam trong hiệp thi đấu đầu tiên đều đến từ cánh phải. Thậm chí nếu may mắn hơn, Tấn Tài đã có thể ghi tên mình lên bảng tỉ số nếu như cú đánh đầu của anh cuối hiệp một có sự chính xác cần thiết.
Cũng phải nói thêm rằng, ĐT Việt Nam duy trì được thế trận tốt là do cự ly các tuyến của chúng ta luôn được duy trì tốt. Nhờ đó, những tình huống tổ chức vây ráp cũng được thực hiện rất đúng thời điểm. Cách mà hàng tiền vệ phòng ngự sớm ở khu vực giữa sân, cũng khiến sợi dây kết nối giữa Chanathip và các vệ tinh xung quanh gần như là con số 0.
Rõ ràng dù học trò thầy Park không có bàn thắng, nhưng cách chơi bóng ở 45 phút đầu tiên mang đến nhiều hy vọng. Chúng ta cho thấy khả năng áp đặt, dù có những thay đổi nhân sự và cách vận hành lối chơi.
Có được thế trận tốt trong hiệp 1, những tưởng 45 phút còn lại sẽ mang ĐT Việt Nam đến với những niềm hy vọng mới. Thực tế lại không phải vậy, đã có sự nôn nóng nhất định trong cách triển khai lối chơi của ĐT Việt Nam.
Các cầu thủ quá lạm dụng những đường chuyền dài và với những đội bóng sử dụng lối chơi phòng ngự khu vực chủ động như Thái Lan, việc hoá giải không phải khó khăn. Chính ông Mano Polking đã thừa nhận sau trận, Việt Nam chơi bóng dài trong hiệp 2 khiến cho các cầu thủ của ông dễ thở hơn.
Có thể chúng ta chủ động sử dụng những đường chuyền dài để rút ngắn khoảng cách tiếp cận khung thành của Thái Lan, nhưng những nhân sự có mặt trên sân lại không đáp ứng được hiệu quả lối chơi đó. Chất lượng đường chuyền trong hiệp thi đấu thứ 2 cũng là vấn đề đáng ngại.
ĐT Việt Nam kiểm soát bóng ít hơn đối thủ (43% so với 57%), vì thế mà sự chính xác ở những đường chuyền cũng thấp đáng kinh ngạc. Theo thống kê từ BTC, sự chuẩn chỉ trong các pha chuyền bóng của chúng ta chỉ đạt 59%, Thái Lan là 70%. Nói thế để thấy, khi chúng ta nôn nóng, chất lượng trong cách chơi bóng vì thế cũng giảm đi đáng kể.
Không chỉ gặp vấn đề trong các đường chuyền, cách vận hành lối chơi cũng không mang đến nhiều hy vọng. Văn Toàn và Công Phượng được thay vào trong hiệp 2 với kì vọng sẽ tiếp tục mang đến sát thương từ các pha tấn công biên.
Nhưng rồi sự nôn nóng đã khiến hai cầu thủ này chơi bó vào trong quá nhiều, dĩ nhiên ở một khu vực vô cùng chật hẹp như thế, nhưng điểm mạnh của Toàn hay Phượng chắc chắn không được phát huy tối đa. Và rồi chúng ta có một thế trận tấn công bế tắc và vô hại.
Vấn đề của ĐT Việt Nam không chỉ tồn tại ở trận đấu này mà đã kéo dài suốt kể từ khi chiến dịch AFF Cup bắt đầu. Rõ ràng đá để vô địch và tâm thế của những người bảo vệ chiếc cúp đang nắm giữ là hai tâm thế hoàn toàn khác nhau, thẳng thắn nhìn nhận chúng ta đã có một giải đấu không thành công.
Nhưng thất bại lại cần thiết, vì nó giúp các cầu thủ, ban huấn luyện nhìn nhận một cách trực quan hơn về chặng đường đã qua. Có những bài học kinh nghiệm thế này, ít nhiều sẽ giúp "những chiến binh sao vàng" vững bước hơn trong những giải đấu quan trọng trong tương lai.
Bạn nên quan tâm