World Cup 1958 là lần đầu tiên Brazil vô địch thế giới. Nhưng vào giây phút tột đỉnh vinh quang, những người ở xứ samba vẫn chép miệng than thở, chúng tôi lẽ ra đã vô địch từ cách đây 8 năm, nếu như…
Dấu ba chấm ấy được dành để điền tên Moacir Barbosa. Ông bị coi là tội đồ ở World Cup 1950 khiến Brazil mất chức vô địch, để rồi sau này bị cả đất nước quay lưng, ghẻ lạnh và sỉ nhục.
Ngược về năm 1950, Brazil khi ấy khao khát thể hiện mình với thế giới. Trong 60 năm kể từ khi giành độc lập, họ chưa bao giờ có cơ hội làm điều đó. Và World Cup được tổ chức trên sân nhà để chọn ra đội bóng xuất sắc nhất hành tinh là một dịp may hiếm có. Thị trưởng Rio de Janeiro trong ngày khánh thành sân vận động siêu hoành tráng Maracana đã tuyên bố với các cầu thủ: "Tôi đã xong việc của mình, xây nó như đã hứa. Giờ là việc của các cậu, vô địch World Cup thôi".
ĐT Brazil tại World Cup 1950. Thủ môn Moacir Barbosa mặc áo xanh.
Cơ sở để Brazil tin vào chiến thắng là dàn cầu thủ tuyệt vời, bao gồm thủ môn được ca ngợi là xuất sắc nhất thế giới Moacir Barbosa. Quả thực họ đã chơi hay thật để dễ dàng vượt qua vòng bảng. Năm đó World Cup cũng thi đấu theo thể thức đặc biệt. 4 đội nhất 4 bảng sẽ đá vòng tròn và đội giành nhiều điểm nhất sẽ đăng quang. Sau khi đả bại Thụy Điển, Tây Ban Nha với tỷ số 7-1 và 6-1, chỉ cần hòa Uruguay ở trận cuối là Brazil sẽ giành Cúp.
Nhiệm vụ nghe thật dễ dàng. Và trước trận đấu, báo giới xứ samba không ngần ngại đăng các dòng tít: "Ngày mai Uruguay sẽ bị đánh bại" và "Chúng ta là nhà vô địch thế giới". Hàng triệu áo phông với dòng chữ nhà vô địch bán chạy như tôm tươi. Đồng thời, mỗi cầu thủ Brazil đều được thưởng trước một chiếc đồng hồ bằng vàng nguyên khối. Huy chương vàng với tên từng cầu thủ cũng được khắc sẵn, chỉ chờ được trao.
Ngày 16/07 định mệnh, 200.000 người chen kín sân Maracana. Đến phút 66, tỷ số là 1-1 và Brazil chỉ cần chờ thêm 24 phút để nâng cao chiếc Cúp Nữ thần Vàng.
Bàn thua tai hại, mở màn cho bi kịch cuộc đời của Moacir Barbosa.
Phút 79, Alcides Ghiggia của Uruguay băng xuống bên cánh trái và tung cú sút chìm vào góc gần. Barbosa, thoạt đầu tưởng rằng đối thủ sẽ tạt bóng, đã đổ người chậm 1 giây, đủ để bóng đi qua các kẽ tay rồi chui vào lưới.
Nhìn trái bóng nằm nép mình dưới vạt lưới, Barbosa chết lặng. Hàng triệu người dân Brazil cũng chết lặng. Không ai an ủi Barbosa. Các đồng đội quay lưng lên phía trên. Anh từ từ đứng dậy, buồn bã tiến lại và nhặt trái bóng lên. Bản thân Barbosa không hề biết, chính từ giây phút ấy, không chỉ đồng đội, cả đất nước chính thức quay lưng lại với anh.
Thất bại, người Brazil gọi đó là "Thảm họa quốc gia", "Hiroshima của Brazil", "Thảm kịch lớn nhất lịch sử đất nước" hay "Một Waterloo của vùng nhiệt đới". Và tất cả thống nhất rằng lỗi thuộc về Barbosa. Tấn bi kịch dành cho thủ môn tội nghiệp này bắt đầu.
Từ một thủ môn được ca ngợi là xuất sắc nhất thế giới, Barbosa trở thành kẻ bị nguyền rủa.
Barbosa không bao giờ được gọi vào ĐTQG thêm lần nữa. Mỗi khi ông ra đường, hoặc bị xa lánh, hoặc bị công kích không thương tiếc bằng những lời thóa mạ, chửi bới, thậm chí bị nhổ bọt và tấn công bằng bạo lực.
Sau này trong nước mắt, ông nói rằng khoảnh khắc buồn thảm nhất không phải khi nhận bàn thua ở Maracana, mà trong một lần đi chợ, ông chết đứng trước cảnh một bà mẹ nói với đứa con trai: "Nhìn kỹ đi con trai, kia là tên khốn khiến cả nước Brazil phải khóc".
Từ giã nghiệp bóng banh, Barbosa cũng không thể theo nghiệp huấn luyện vì năm lần bảy lượt bị các CLB từ chối. Cực chẳng đã, ông xin làm công việc dọn dẹp ở chính… Maracana. Trong nỗ lực chấm dứt sự ám ảnh, có lần Barbosa mời các đồng đội cũ đến nhà ăn thịt nướng, và củi chính là cột gôn lấy về từ Maracana.
Nhưng sự ghét bỏ trên toàn đất nước vẫn tiếp diễn. Tất cả coi Barbosa là kẻ bị nguyền rủa và tránh xa ông bằng mọi cách. Năm 1994, BBC mời ông tới nói chuyện với các cầu thủ ĐT Brazil. Nhưng HLV Mario Zagallo đã đuổi ông thẳng cổ, như thể với một người mắc bệnh truyền nhiễm.
Cho đến tận cuối đời, Barbosa vẫn phải trả giá cho sai lầm mắc phải.
Trong những năm cuối đời, Barbosa sống trong cảnh nghèo khổ và cô đơn. Một lần ông đã khóc trên vai người bạn thân, sau đó nói trong tiếng nấc nghẹn: "Tôi không có tội. Tại sao tôi lại bị biến thành vật tế thần trong khi trên sân còn 10 cầu thủ khác?".
Cho đến lúc chết, Barbosa vẫn đau khổ vì số phận của mình. Ông nói: "Ở Brazil, án phạt cao nhất là cầm tù 30 năm. Vậy mà tôi chịu án tới 50 năm".
Bóng đá, môn thể thao được kỳ vọng mang tới niềm vui, té ra lại quá tàn nhẫn. Khi người ta coi trọng chiến thắng hơn tất thảy, họ sẵn sàng trở nên độc ác. Thua một trận đấu, kể cả đó là trận chung kết, cũng đâu làm ai phải chết? Tại sao không thể tha thứ? Tại sao phải đẩy một con người đến bước đường cùng?
Barbosa, thủ môn khốn khổ nhất lịch sử bóng đá qua đời năm 2000 ở tuổi 79 vì cơn trụy tim. Theo cách nói của một số người, giết chết ông là một trái tim tan vỡ.
Bạn nên quan tâm