Thủ môn trong bóng đá là một vị trí khó bị thay đổi nhất. Nếu bạn chơi ở bất kỳ vị trí nào khác, chỉ cần đá không đúng phong độ, ngay trận sau HLV có thể tống thẳng cổ bạn lên ghế dự bị để nhường chỗ cho người xứng đáng hơn.
Nhưng với những người gác đền, tính ổn định luôn được đề cao. Bởi vậy, thủ môn đã bắt chính thì gần như sẽ bắt chính từ đầu đến cuối. Cơ hội không n được trao cho các thủ môn thứ hai. Họ thường chỉ được ra sân khi thủ môn thứ nhất gặp chấn thương hoặc thi đấu ở các giải không quan trọng.
Vậy, số phận của những thủ môn thứ ba thì thế nào?
Tony Warner vẫn chưa quên được cảm giác bị cho ra rìa trong thời gian còn chơi cho Hull City. Đó là vào tháng 12 năm 2008, Warner, thủ môn thứ ba của Bầy hổ đang thể hiện màn "bay lượn" trong quãng thời gian khởi động trước trận. Bỗng một nhân viên tiến tới hỏi anh đang chơi bóng à. Đáp lại bằng tất cả sự dồn nén bên trong, Warner xả ra một tràng: "Cái mẹ gì thế? Trông tôi giống người đang chơi bóng lắm à?".
Anh đùng đùng đi thẳng vào phòng thay đồ, khuôn mặt như thể sẵn sàng lao vào đấm bất kỳ người nào dám mở lời trước mặt anh ta lúc ấy. Ngày hôm sau, ban lãnh đạo triệu tập thủ thành này lên và bắt anh giải trình về sự cố vừa rồi. Sau khi lắng nghe hết những tâm tư chất chứa trong lòng Warner, HLV quyết định ném anh lên ghế dự bị ở trận sau đó - trận gặp Liverpool, đội bóng cũ của Warner. Mà nói đội cũ nghe cũng hơi "sang" bởi Warner đã ngồi dự bị 120 lần trong thời gian khoác áo Lữ đoàn đỏ nhưng chưa một lần được ra sân.
Warner không chấp nhận cảnh phải ngồi ngoài nhìn các đồng đội thi đấu. Dù là thủ môn thứ ba nhưng anh có niềm tin rất lớn vào khả năng của mình.
"Tôi đã chạy tới trước mặt Phil Brown, HLV của Hull, và nói rằng 'Mẹ nó, cái gì đang diễn ra thế, vì sao tôi lại phải dự bị'. Đáp lại tôi, ông ta chỉ thản nhiên 'Cậu khởi nghiệp ở Anfield mà, thế nên chúng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu xếp cậu trên ghế dự bị", Warner vẫn còn tức tối khi kể lại câu chuyện với ESPN.
"Tôi đã hét vào mặt ông ta 'nghiêm túc đấy à? Nghe cho rõ này. Ở cả cái đội này không ai hiểu rõ Anfield hơn tôi. Không một ai ông rõ chưa. Đủ rồi, tôi đếch muốn nhìn cái câu lạc bộ này thêm một lần nào nữa'. Và Brown đáp lại 'OK, tạm biệt'.
Brown, vị chiến lược gia ngày ấy của Hull giờ đang dẫn dắt Swindon Town vẫn không thể nhịn cười khi nhắc lại vụ lùm xùm với Warner.
"Thủ môn thứ ba là một trải nghiệm không dễ dàng gì tại Premier League", Brown thừa nhận. "Tôi biết Tony thực sự tự tin vào khả năng của cậu ấy. Nhưng điều đó cũng chẳng nói lên điều gì nếu bạn không thể giữ sạch lưới hay cản phá vài quả ra hồn".
Đó chỉ là một mẩu chuyện nhỏ trong vô vàn những câu chuyện khác về số phận của những thủ môn thứ ba. Nhưng nhìn chung, cuộc sống của họ thường diễn ra theo mô tuýp này. Về cơ bản thủ môn thứ ba cũng như các cầu thủ dự bị khác. Họ ăn tập với đội một, ngồi ghế dự bị nhìn các cầu thủ khác thi đấu và... gần như họ biết chắc cơ hội sẽ không đến với mình bởi trên họ vẫn còn một thủ môn khác có khả năng ra sân cao hơn chút đỉnh.
Ngồi dự bị, ngồi dự bị từ tuần này sang tháng khác. Tương lai của họ sẽ đi về đâu? Đôi khi, một vài trận đấu với đội trẻ có khi còn là... đặc ân với những thủ môn này.
Robert Green có thể sẽ không được bắt chính ở Chelsea nhưng anh chắc chắn không phải một người thừa và nhận những đồng lương "bố thí" từ câu lạc bộ.
Mùa hè năm nay, các câu lạc bộ Premier League đã chi tổng cộng 209 triệu bảng cho vị trí thủ môn. Họ sở hữu đồng thời hai kỷ lục thế giới là Alisson (66.8 triệu bảng) và Kepa (71.6 triệu bảng). Nhưng trong con số 209 triệu bảng khổng lồ ấy, có lẽ ít người biết rằng Robert Green (38 tuổi, tới Chelsea) và Lee Grant (35 tuổi, tới MU) cũng đã đóng góp 1.5 triệu bảng vào "thành tích" này.
Cả hai sẽ được đăng ký ở cả Premier League, Champions League hay Europa League như bao cầu thủ khác nhưng, cũng như con số chuyển nhượng ít ỏi 1.5 triệu bảng, cái tên của họ có thể còn bị chính người hâm mộ đội bóng lãng quên. Kepa và Willy Caballero là hai cái tên án ngữ trước mặt Green còn với Grant là De Gea và Sergio Romero.
Tất nhiên, cơ hội của họ ra sân trong màu áo đội một có lẽ còn thấp hơn 1%. Green hay Grant đều đã có tuổi và không thể thi đấu đỉnh cao như xưa. Nhưng đừng nghĩ thủ môn thứ ba chỉ đơn giản như một công việc từ thiện các đội bóng dành cho những người gác đền lớn tuổi. Các báo cáo cho thấy những thủ môn thứ ba như Green hay Grant có thể nhận mức lương khá cao, khoảng 20 nghìn bảng/tuần.
Có thể phân thủ môn thứ ba thành ba kiểu chính. Kiểu thứ nhất là những cầu thủ trẻ mới chập chững vào nghề. Họ sẵn sàng làm dự bị cho đàn anh để tích lũy kinh nghiệm, giống như Lenny Pidgeley ở Chelsea năm 2004 khi đứng sau hai cái bóng quá lớn là Petr Cech và Cudicini.
Kiểu thứ hai là những cầu thủ vẫn chưa bước sang bên kia sườn dốc. Họ không chịu được cảnh phải dự bị thêm và luôn tìm cách ra đi. Dẫn chứng như Warner của Hull như trên.
Còn kiểu cuối cùng là những cầu thủ hiểu rõ mình đã hết thời. Họ sẵn sàng thu mình khỏi ánh đèn sân khấu và làm các công việc khác như giúp đỡ những cầu thủ trẻ hoặc các thủ môn chính. Đôi khi, họ cũng có thể đeo găng ra sân thi đấu nếu đội bóng thực sự cần. Tiêu biểu như Green và Grant.
Mark Schwarzer đã nếm trải đủ thăng trầm với nghề thủ môn trong suốt 26 năm sự nghiệp. Anh chơi tổng cộng 539 trận cho Middlesbrough và Fulham trước khi kết thúc sự nghiệp đỉnh cao trong hai mùa giải cho Chelsea và nốt 1 năm cuối ở Leicester. Trong 3 năm cuối của đời cầu thủ, lão tướng người Australia 2 lần lên ngôi ở Premier League - nơi anh chỉ ra sân vỏn vẹn có 10 trận đấu.
"Sẽ khó chấp nhận hơn với những người trẻ luôn khao khát ra sân nhưng lại phải sống trong cảnh thủ môn thứ ba", Schwarzer trải lòng với ESPN. "Với những người ở đoạn cuối sự nghiệp như tôi ngày còn chơi cho Chelsea thì khác. Lúc ấy, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận rằng mình là một thủ môn dự bị. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn có thể lơ là tập luyện. Bạn phải nỗ lực, nỗ lực rất nhiều".
Có những người cả sự nghiệp cầu thủ cũng không giành nổi một danh hiệu, và có những người lại "may mắn" như Schwarzer.
Thủ thành người Australia cho rằng thủ môn thứ ba cũng có những trách nhiệm của riêng họ, giống như khi anh còn dự bị cho Petr Cech và Courtois tại Chelsea.
"Quãng thời gian ở Chelsea là một trải nghiệm đáng nhớ. Jose Mourinho hiểu rõ áp lực của những thủ môn thứ ba và ông ấy muốn tôi tập luyện tích cực hơn nữa. Bởi nếu bạn hành có những hành động tiêu cực, nó sẽ gây ảnh hưởng xấu lên cả đội".
Nếu Schwarzer đến Chelsea khi đã bỏ lại phía sau đỉnh cao sự nghiệp thì Pidgeley năm 2004 chỉ là chàng trai chập chững vào nghề. Giờ Pidgeley đã 34 tuổi và từ giã hẳn cuộc sống với trái bóng tròn để tiếp quản công việc kinh doanh mà người cha quá cố để lại. Anh vẫn nhớ như in quãng thời gian 3 năm khoác áo Chelsea, nơi mà Pidgeley chỉ ra sân đúng 2 lần tất cả. Dù vậy, mọi thứ trong mắt cựu thủ môn này vẫn thật tuyệt vời.
"Thời gian thì cứ trôi qua. Tôi khi ấy mới 20, rồi 21 tuổi và được chơi cho một câu lạc bộ lớn. Tôi không kỳ vọng quá nhiều về việc được ra sân. Tôi hạnh phúc với cuộc sống ấy. Nhưng khi bạn ngồi trên ghế dự bị tại sân White Hart Lane và cảm nhận được cái không khí thù địch của một trận derby. Với một cậu trai trẻ, bạn sẽ chỉ biết thầm ước rằng các thủ môn khác đừng gặp bất cứ chấn thương nào. Tốt hơn là vậy bởi tôi không muốn phải ra sân. Thứ áp lực nặng nề ấy tưởng chừng như đã nuốt chửng tôi rồi".
Thủ môn thứ ba là một điều gì đó rất đặc biệt. Đôi khi bạn thấy nó thật thừa thãi, nhưng có những thời điểm họ lại là cứu tinh của đội bóng. Nhiều người muốn được ra sân đến mức chửi thẳng mặt huấn luyện viên như Warner và cũng có những người mong được yên phận như chàng trai trẻ Pidgeley... Tất cả đã tạo nên một phần thú vị mà cũng nhàm chán nhất trong một đội bóng: thủ môn thứ ba!