Đến với trận đấu cuối tại Euro 1988, người Hà Lan đứng trước sứ mệnh phải thay đổi lịch sử. Ở cấp độ CLB, họ với lá cờ đầu mang tên Ajax đã 3 lần lên ngôi tại European Cup (tiền thân của Champions League) ở thập niên 70 ở thế kỷ trước. Nhưng tại cấp độ tuyển quốc gia, họ chưa một lần chạm đỉnh.
Kỳ World Cup 1974, Hà Lan với lối đá tấn công tổng lực để thua cay đắng trước người Đức trong trận chung kết. 4 năm sau, họ lại tiến đến trận đấu cuối tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và một lần nữa gục ngã trước Argentina của huyền thoại Mario Kempes.
Trận chung kết năm 1974, "Những người Hà Lan bay" đã phải ôm hận trên sân Olympiastadion ở thành phố Munich nhưng tại nơi này 14 năm sau, cơn ác mộng đã không trở lại. Hà Lan năm đó với thế hệ vàng của những Frank Rijkaard, Ronald Koeman, Ruud Gullit và đặc biệt là Quả bóng vàng Marco Van Basten đã tạo ra lịch sử cho bóng đá nước nhà.
Lo lắng xuất hiện khi Liên Xô chơi ấn tượng trong nửa đầu hiệp 1 nhưng rồi, Gullit đã giúp Hà Lan vươn lên dẫn trước nhờ cú đánh đầu trái phá. Bàn thắng quyết định của Van Basten mới là điều đáng nói. Phút 54, nhận đường chuyền bổng của đồng đội, ông tung cú volley không thể cản phá từ góc cực hẹp, không cho thủ môn Rinat Dasayev bất kỳ cơ hội nào để cản phá.
Đến nay, đây vẫn là một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử Euro.
Hà Lan đánh bại Liên Xô để lên ngôi tại Euro 1988
Năm 1960, kỳ Euro đầu tiên được tổ chức và ngay trận mở màn, các khán giả đã có cơ hội chứng kiến một trong những cuộc rượt đuổi tỷ số hấp dẫn nhất lịch sử.
Với lợi thế sân nhà, Pháp tràn lên tấn công ngay khi tiếng còi bắt đầu vang lên. Tuy nhiên, đội bóng xứ lục lăng sớm bị dội gáo nước lạnh bởi bàn thắng của Milan Galic. Khoảng thời gian còn lại của hiệp 1 chứng kiến sức ép nghẹt thở của Pháp. Cuối cùng, họ bước vào giờ nghỉ với lợi thế dẫn 3-1 nhờ các bàn thắng của Jean Vincent, Francois Huette và Maryan Wisniewski.
Đầu hiệp 2, Ante Zanetic kéo lại thế trận cho Nam Tư bằng bàn gỡ ở phút 55 nhưng Huette hoàn tất cú đúp không lâu sau đó để tái lập cách biệt 2 bàn cho Pháp.
Nhưng mọi thứ chưa kết thúc tại đây, chỉ trong vòng 5 phút, Nam Tư có liền 3 bàn thắng do công của Tominlav Kenz và Drazan Jerkovic (2 bàn). Tỷ số 5-4 cũng là kết quả cuối cùng của màn so tài.
Euro 1960 đã trôi qua được hơn 6 thập kỷ. Ngày ấy, chỉ có vỏn vẹn 4 đội bóng tham dự và 4 màn so tài diễn ra. Dù vậy, với màn rượt đuổi lịch sử của Pháp và Nam Tư, giải đấu năm đó sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Năm đó, Tây Đức là ứng viên số 1 cho ngôi vương. Họ bước vào giải đấu với tư cách nhà đương kim vô địch. Họ cũng vừa lên ngôi tại World Cup 1974. Ở cấp độ CLB, Bayern thống trị với 3 lần liên tiếp lên ngôi tại European Cup trong giai đoạn từ 1974 đến 1976. Tuy nhiên, Tiệp Khắc đã cho thấy họ không phải một đối thủ dễ chịu.
Ngay phút thứ 8, Jan Svehlik trừng phạt tình huống phòng ngự lóng ngóng của đối thủ bằng bàn thắng đệm bóng dễ dàng. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, Karol Dobias nhân đôi cách biệt cho Tiệp Khắc không lâu sau đó.
Trước khi hiệp 1 khép lại, người Đức gỡ được một bàn do công của Dieter Muller nhưng bế tắc trong khoảng thời gian còn lại. Tưởng chừng chiến thắng đã thuộc về Tiệp Khắc, Bernd Holzenbein bất ngờ lập công ở phút 89 để đưa màn so tài vào hiệp phụ rồi đến loạt penalty.
7 loạt đá đầu tiên đều thành công nhưng đến cú sút thứ 8, Uli Hoeness của Tây Đức đã sút bóng lên trời. Ở loạt đá quyết định, Antonin Panenka đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng với pha sục bóng trên chấm 11m để đánh bại thủ môn huyền thoại Sepp Maier. Tiệp Khắc lên ngôi vô địch và cú đá panenka cũng ra đời từ đây.
Tiệp Khắc đánh bại Tây Đức trong trận chung kết Euro 1976
Euro 1996 là một trong những kỳ Euro sôi động nhất lịch sử. Suốt nhiều tháng trời, câu chuyện về trái bóng len lỏi từng ngóc ngách tại xứ sương mù.
Giải đấu cuối cùng cũng bắt đầu. Trải qua 2 trận đầu tiên với 4 điểm, người Anh vẫn chưa chắc suất lọt vào vòng sau. Trận cuối cùng ở vòng bảng họ phải chạm trán một Hà Lan hùng mạnh. Cần nhớ, "Những người Hà Lan bay" đến giải đấu với nòng cốt là Edwin Van Der Sar, Michael Reiziger, Danny Blind, Clarence Seedorf và Patrick Kluivert - dàn sao vừa cùng Ajax vô địch Champions League trước đó một tháng.
Tuy nhiên, show diễn hôm đó hoàn toàn thuộc về Tam sư. Truyền thông đánh giá đây là trận đấu thăng hoa bạc nhất của "Tam sư" trong những lần tham dự Euro. Hai họng pháo Alan Shearer và Teddy Sheringham mỗi người có một cú đúp giúp người Anh nhấn chìm đối thủ với tỷ số 4-1.
Màn so tài khiến fan hâm mộ tại nước Anh lâng lâng và nghĩ về ngôi vô địch Euro đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, họ đã thất bại cay đắng trên loạt penalty trước người Đức ở bán kết.
"Những cỗ xe tăng Đức" sau đó cũng lên ngôi với chiến thắng nghẹt thở trước CH Séc ở trận đấu cuối.
Năm 1992, Đan Mạch tạo ra một trong những cú sốc lớn nhất lịch sử Euro. Đáng nói hơn, Peter Schmeichel và đồng đội không vượt qua vòng loại do chỉ đứng thứ 2 sau Nam Tư. Tuy nhiên, Nam Tư không thể tham dự giải đấu và cơ hội bất ngờ đến với người Đan Mạch.
Đội hình thiếu điểm nhấn cũng như việc không có nhiều thời gian chuẩn bị, Đan Mạch không được đánh giá cao trước khi giải đấu khởi tranh. Tuy nhiên, đoàn quân của HLV Richard Nielsen đã tạo nên một câu chuyện cổ tích thực sự.
Năm đó, giải đấu chỉ có 8 đội tham dự nhưng toàn những ông lớn và Đan Mạch vẫn đứng vững. Vòng bảng, họ hòa tuyển Anh và đánh bại cả người Pháp. Tới bán kết, họ trải qua một trận đấu nghẹt thở trước Hà Lan của Frank Rijkaard và Dennis Bergkamp nhưng sau cùng vẫn có được niềm vui trên chấm đấu súng.
Ở trận chung kết, Đan Mạch phải chạm trán tuyển Đức hùng mạnh. Bị đánh giá thấp hơn, Đan Mạch đã trình diễn lối đá phòng ngự phản công hợp lý để đi đến chiến thắng 2-0. Một chức vô địch được mô tả "không thể tin nổi".
Những Peter Schmichel, Michael Laudrup, Kim Vilfort sẽ mãi là huyền thoại trong lòng những người hâm mộ Đan Mạch.