"Tôi dám khẳng định, rằng Lampard sẽ vươn tới đẳng cấp thế giới. Cậu ấy khỏe, chơi bóng tốt, có thể chuyền hoặc ghi bàn. Cậu ta có đủ các phẩm chất tốt nhất cùng thái độ tập luyện chăm chỉ".
Đó là tuyên bố của Harry Redknapp. Vào bây giờ, tất cả đều thừa nhận ông đã đúng. Nhưng vào những năm 2000, hầu hết sẽ không tin. Nó là sự phóng đại quá mức, nhất là khi Redknapp lại là… chú của Lampard và nhiều người tin rằng nhờ vào mối quan hệ này, chứ không phải thực tài, mà anh ta có mặt trong đội hình West Ham.
Thoạt đầu, không ít các CĐV Chelsea cũng hoài nghi về bản hợp đồng 11 triệu bảng, mặc dù luôn tốt hơn sau mỗi mùa. Có thể chuyền bóng, nhưng Lampard không phải Paul Scholes. Có thể tắc bóng, rê dắt và vượt trội ở khu trung tuyến, nhưng anh cũng không phải Steven Gerrard.
Trong 13 năm, Frank Lampard đã biến mình thành một tượng đài ở Stamford Bridge.
Rồi Jose Mourinho xuất hiện ở Stamford Bridge. Vào một ngày nọ, khi Lampard đang tắm thì HLV người Bồ Đào Nha bước vào. "Cậu là cầu thủ hay nhất thế giới, thứ cậu cần chỉ là danh hiệu vô địch để xác tín điều đó", ông nói.
Lampard hoàn toàn bối rối, phần vì tình trạng không có gì trên người, phần vì những gì ông ta nói thật kinh ngạc. "Tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ là cầu thủ hay nhất thế giới, nhưng Mourinho, người vừa vô địch châu Âu lại tin như vậy. Một sự tự tin tràn ngập trong tôi và khi bước ra khỏi nhà tắm, tôi như một con người khác", cựu tiền vệ 40 tuổi kể lại.
Thực vậy, trong mùa đầu tiên cùng Mourinho, Lampard ghi tới 19 bàn thắng ở mọi đấu trường, trở thành chân sút tốt nhất của Chelsea, trên cả Didier Drogba và Eidur Gudjohnsen, qua đó giúp đội bóng vô địch Premier League còn bản thân giành Quả bóng Bạc.
Lampard trong khoảnh khắc vinh quang năm 2012, với chức vô địch Champions League.
Ở một đất nước cuồng bóng đá và có xu hướng thổi phồng mọi thứ, luôn có rất nhiều "thần đồng" được giới thiệu mỗi năm. Nhưng Lampard chưa bao giờ được gán với danh xưng ấy trong những năm tuổi trẻ. Thế nhưng khi treo giày, tầm vóc mà anh đạt được rất ít cầu thủ chạm tới.
Bí quyết của Lamps, không gì ngoài sự chăm chỉ.
"Hình ảnh tôi nhớ nhất về cậu là khi mọi người bước vào phòng thay đồ và chuẩn bị ra về, cậu lại lấy một túi bóng và bước ra sân. Cậu sẽ lấy 4 mốc hình nón và tập chạy nước rút. Và cậu cũng luyện dứt điểm, bởi 20 bàn thắng một mùa không làm cậu hài long. Cậu luôn muốn 25, hoặc 30", John Terry viết về người đồng đội cũ.
Chia tay Chelsea năm 2014 sau 13 năm cống hiến, Lampard khắc dấu ấn sâu đậm trong lịch sử CLB với 211 bàn thắng, nhiều hơn bất kỳ ai khác. Hơn thế, với tinh thần chiến đấu quên mình vì đội bóng, anh còn là biểu tượng của thời đại Abramovich, góp phần định nghĩa Chelsea.
Từ giã sân cỏ, Lampard dấn thân vào nghiệp HLV.
Đã có một số tiếng la ó trên khán đài Stamford Bridge vào thời điểm "Super Frankie" trở lại đây năm 2015 trong màu áo Man City, sau khi chọc thủng lưới đội bóng cũ ở trận lượt đi, song thời gian trôi đi, những thù ghét ấy cũng tan biến.
Bây giờ chỉ còn lại sự tôn kính, được dành để chào đón Lampard trong lần thứ hai anh trở lại mái nhà xưa với tư cách HLV Derby County. Đó là dịp để người ta nhớ về bàn thắng ngoạn mục ghi từ đường biên ngang vào lưới Barcelona năm 2006, hay pha lập công thứ 200 cho CLB năm 2013, pha kiến tạo tuyệt đỉnh cho Drogba ở chung kết FA Cup 2007 hoặc cú sút luân lưu quyết định giúp Chelsea vượt qua Bayern để có mặt ở chung kết Champions League 2012…
Môi trường bóng đá Anh khắc nghiệt là mồ chôn giấc mở trở thành HLV của rất nhiều huyền thoại, bao gồm những cựu cầu thủ Chelsea như Jimmy Floyd Hasselbaink, Gianfranco Zola, Dennis Wise và Gustavo Poyet. Tuy nhiên tài năng, phẩm chất lãnh đạo và thái độ làm việc chăm chỉ từng biến một cầu thủ bình thường thành vĩ đại chắc chắn giúp anh một lần nữa trên cương vị HLV. Như các CĐV Chelsea từng nói, với "Super Frankie", mọi thứ đều có thể.