ĐT Việt Nam không thể rời Yangon với chiến thắng, mặc dù đã một lần đưa bóng vào lưới. Đó là phút 77, khi Văn Toàn sút bồi sau cú dứt điểm của Quang Hải bị thủ môn Myanmar đẩy ra. Chúng ta nghĩ rằng đó là bàn thắng, nhưng trợ lý trọng tài người Thái Lan Lekhpha Phubes lại nói không với lá cờ giơ lên ra hiệu nó đã việt vị.
Rốt cuộc Văn Toàn đã việt vị hay chưa? Chỉ có thể nói rằng đó là một tình huống nhạy cảm và chúng ta chỉ có một góc quay để xem. Mặc dù dưới góc độ này, có cảm giác Văn Toàn vẫn đứng trên một hậu vệ Myanmar, song Lekhpha Phubes lại nhìn ở chiều ngược lại. Mà tại vị trí đó, do Văn Toàn đứng gần ông nhất, với chiếc áo trắng nổi bật, về mặt thị giác dễ dàng đưa đến quyết định phất cờ.
Các thống kê nói rằng, một trợ lý trọng tài chuyên nghiệp bình quân phải đưa ra 50 quyết định mỗi trận, tức 2 phút/lần, bao gồm 45 lần phán đoán khả năng việt vị. Có nghĩa là tần suất làm việc của họ rất khủng khiếp và thách thức thần kinh.
Tình huống trọng tài Lekhpha Phubes quyết định căng cờ báo việt vị phút 77.
Chưa hết, vì là trọng tài biên, Lekhpha Phubes đương nhiên đứng gần khán đài nhất. Do đó, chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông. Tuy các trọng tài ra quyết định dựa trên cơ sở khách quan, nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, đôi khi trong vô thức, họ bị định hướng bởi các tiếng ồn phía sau.
Vậy nên trong bóng đá, sân nhà luôn quan trọng. Và rất nhiều bằng chứng cho thấy, những đội chơi trước sự cổ vũ của khán giả nhà luôn chịu ít thẻ hơn, cũng như được lợi hơn trong một số tình huống. Những CĐV ở phe đối lập sẽ gọi đó là những sai lầm.
Trong một trận đấu kéo dài 90 phút, thứ mà các trọng tài theo đuổi là sự chính xác, đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc chơi. Nhưng họ cũng biết rõ, mỗi phán quyết chỉ mang lại sự hài lòng cho một bên, đồng thời gây ra sự bực bội cho bên còn lại. Tệ hơn, như trận đấu tại Yangon, từ HLV, cầu thủ đến người hâm mộ Việt Nam càng phẫn nộ hơn khi cho rằng đó là một bàn thắng.
Đoàn Văn Hậu bức xúc với trọng tài sau trận đấu.
Sau trận đấu, Văn Hậu và Duy Mạnh đều phản ứng quyết liệt với tổ trọng tài. HLV Park Hang-seo thì nói thẳng, ông không hài lòng với những người cầm cân nảy mực. Còn các CĐV, khỏi phải nói, rất nhanh chóng tìm ra Facebook của Lekhpha Phubes.
Vì vị trợ lý trọng tài người Thái Lan đã khóa chức năng bình luận, nên ông đã tránh được cơn mưa chửi bới từ người hâm mộ Việt. Trước đó, trọng tài người Hàn Quốc Kim Dae-Young (sau trận tranh huy chương Đồng ASIAD hồi tháng 9), trọng tài Australia, Christopher Beath (trận đấu với U23 Iraq) cùng trọng tài Singapore, Muhammad Taqi (trận bán kết U23 châu Á gặp Qatar) đã phải hứng chịu vô vàn lời bình luận khiếm nhã, đe dọa từ đất nước hình chữ S.
Thật ra không cần tới sự kiện tại Yangon, Lekhpha Phubes cũng đã chịu rất nhiều áp lực. Cách đây 8 năm, có một bài báo ở Thái Lan viết về các dấu hiệu nhận biết một trọng tài tốt và một trọng tài tồi. Thông qua facebook cá nhân, Lekhpha Phubes đã bình luận khá gay gắt, thậm chí cả chửi thề, rằng "quá nhiều quan tòa trong bóng đá, từ các cầu thủ, huấn luyện viên, các nhà quản lý đến khán giả đều thích phán xét", "các trọng tài dễ bị định kiến", và rằng "có lẽ sẽ tốt hơn nếu hành nghề ở một nơi khác ngoài Thái Lan".
Lekhpha Phubes đưa ra quyết định trong bối cảnh nhiều sức ép.
Khi bắt đầu trận đấu, các trọng tài bước ra trong tiếng cổ vũ của người hâm mộ, sau đó bắt tay từng cầu thủ. Họ nghĩ về một sự tôn trọng từ tất cả, và mọi lúc. Đó thật là một ý nghĩ điên rồ, bởi sẽ không bao giờ có.
Không ai chịu chấp nhận sự thật, sai lầm (có thể có, hoặc đơn giản là nhiều người nghĩ vậy) là một phần của bóng đá. Và một đội bóng, đôi khi có những ngày tuyệt vời nhưng đôi khi lại thiếu may mắn. Đêm thứ Ba, chúng ta có thể không cần tới tình huống phút 77 nếu cú sút phút 19 của Công Phượng không chệch khung thành hay pha volley nửa nảy phút 36 của Văn Đức không đi vào cột dọc.
Trách trọng tài, tại sao chúng ta không nhìn vào thực tế, rằng các học trò của Park Hang-seo đã có một trận đấu kém hiệu quả và lãng phí? Như Lekhpha Phubes nói, quá nhiều quan tòa trong bóng đá nhưng lại quá ít sự khoan dung.