Trực thăng chở Kobe Bryant không có hộp đen, phi công bay quá thấp cùng tốc độ cao là một phần nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc

HUY PHẠM , 13:37 28/01/2020 | Bóng rổ

Chia sẻ

Với việc không có hộp đen trên trực thăng cá nhân của cố huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant, công tác điều tra vụ tai nạn thảm khốc cướp đi 9 mạng người đang gặp nhiều khó khăn.

Theo chia sẻ từ phía Ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) , chiếc trực thăng Sikorsky S-76B của cố huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant không có hộp đen ghi lại dữ liệu chuyến bay cũng như thiết bị ghi âm (không bắt buộc). Tuy nhiên có một chiếc Ipad được sử dụng cho hành trình bay cũng như xem xét điều kiện thời tiết và các yếu tố chuyến bay khác. Điều này phần nào cũng ảnh hưởng tới quá trình điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc cướp đi 9 mạng người vào lúc 10h sáng ngày 26/1 vừa qua (giờ địa phương).

Theo đại diện phía cảnh sát, chiếc trực thăng cất cánh vào thời điểm điều kiện thời tiết không thuận lợi. Bầu trời Los Angeles khi đó có sương mù vô cùng dày đặc, thậm chí lực lượng hỗ trợ trên không của Sở cảnh sát LA cũng không thể cất cánh vào thời điểm đó. Đây được coi là nguyên nhân chính diễn ra tai nạn thảm khốc trên tính tới thời điểm hiện tại.

Theo The Times, danh tính phi công người đã lái chiếc trực thăng của Kobe Bryant hôm qua là Aza Zobayan, một phi công kỳ cựu với hơn 20 năm kinh nghiệm. Theo nguồn tin từ phía cảnh sát, phi công Ara Zobayan đã cố gắng liên lạc với Đài kiểm soát không lưu tại sân bay Burbank vào khoảng 9h30 phút trong cố gắng hủy bỏ chuyến đi và trở về nhà. Ở thời điểm đó, chiếc trực thăng đã bay vòng vòng trong 15 phút liên tục với tầm nhìn hạn chế.

 - Ảnh 2.

Chi tiết hành trình của trực thăng trở Kobe Bryant. Khu vực số 2 là nơi xảy ra tai nạn.

Được sự trợ giúp từ phía sân bay, chiếc trực thăng chuyển hướng đi lên phía Bắc, trước khi rẽ sang phía Tây theo hướng cao tốc 101 phía trên Woodland Hills. Khoảng 9h40, viên phi công này tiếp tục chuyển hướng về phía Nam, nơi có dãy núi cao vùng ngoại ô Calabasas.

Mặc dù với thời tiết khó khăn khi đó, viên phi công dày dặn kinh nghiệm vẫn bay với tốc độ gần 300km/h. Theo thiết bị di chuyển trên trực thăng, viên phi công đã có nhiều lần đột ngột nâng và hạ độ cao. Trước khi va chạm vào lúc 9h45, chiếc trực thăng được cho biết đang bay ở dưới độ cao 520m.

Theo một số chia sẻ từ các phi công khác, đáng lý với thời tiết khó khăn khi đó, viên phi công của cố huyền thoại Kobe Bryant nên bay với tốc độ chỉ ở 30km/h với khu vực địa hình không chắc chắn. Với tốc độ cao ở thời điểm đó, việc tránh dãy núi hiện ra trước mặt đột ngột là điều vô cùng khó khăn và đó cũng là thời điểm vụ tai nạn thương tâm trên diễn ra.

Ở thời điểm hiện tại, phía cảnh sát Los Angeles cũng như NTSB vẫn đang cố gắng điều tra thêm trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

 - Ảnh 3.

Hiện trường vụ nổ được cho biết là rất thảm khốc, các mảnh vụn trực thăng rơi rải rác trong vòng gần 200m