Trường hợp của Oscar Valdez cho thấy hệ thống xét nghiệm doping tại làng boxing cần thay đổi nhưng bằng cách nào?

AB , 21:58 04/09/2021 | Võ thuật

Chia sẻ

Các tay đấm quyền Anh phần lớn chỉ được xét nghiệm khi bước vào trại tập.

Nếu Oscar Valdez thi đấu ở UFC, tay đấm này sẽ không phải lo về việc dương tính với phentermine. Anh này vẫn thoải mái thượng đài với lịch đã được lên sẵn. Nhưng với boxing thì không.

Đó là bởi chất này chỉ bị Cơ quan Chống doping quốc tế (WADA) cấm trong ngày thi đấu. Cụm từ "ngày thi đấu" được hiểu là từ 23h59 phút của ngày trước ngày thượng đài.

Nhưng tiếc rằng Valdez đang ở boxing và mọi thứ trở nên rắc rối hơn. Có một lỗ hổng lớn trong hệ thống phòng chống doping tại làng quyền Anh khiến các tay đấm dễ "nhúng chàm" hơn so với những võ sĩ đang chơi tại UFC.

Trường hợp của Oscar Valdez cho thấy hệ thống xét nghiệm doping tại làng boxing cần thay đổi nhưng bằng cách nào? - Ảnh 1.

Valdez dương tính với chất cấm nhưng vẫn được "đặc cách" thi đấu trận tới. Tuy nhiên, tay đấm này sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng. Nếu tái phạm trong tương lai sẽ bị cấm thi đấu

Không có hệ thống nào hoàn hảo, nhưng tại UFC, các VĐV phải kiểm tra liên tục. Như trường hợp của Khabib, "Đại bàng" tiết lộ đã bị lấy mẫu thứ 47 lần trong vòng 5 năm, từ 2015 đến 2020. Trong khi đó, Conor McGregor từng bị nhân viên lấy mẫu "đánh úp" trong lúc đang nghỉ dưỡng trên siêu du thuyền. Còn tại làng quyền Anh, mọi thứ không được thường xuyên như vậy.

Jeff Novitzky, Phó Chủ tịch về sức khỏe của các võ sĩ tại UFC, từng chỉ đạo điều tra trong vụ Balco, phát hiện hàng loạt VĐV bóng chày, bóng bầu dục, boxing, điền kinh... dùng chất cấm.

Theo đó, Victor Conte, người đứng đầu của Balco, đã tạo ra một chất không thể phát hiện trong hệ thống kiểm tra thông thường. VĐV nổi tiếng nhất sử dụng chất này là Marion Jones, người từng có 3 HCV tại Olympic 2000.

Quyền Anh không có hệ thống kiếm tra doping đồng nhất. Một số Ủy ban thể thao tự mình xét nghiệm. WBC có "Clean Boxer Program" nhưng nhiều tay đấm thừa nhận chưa từng được kiểm tra. Một số VĐV tự đăng ký để được kiểm tra bởi VADA (Cơ quan phòng chống doping tự nguyện). Phần này không nhiều. Phần lớn các tay đấm chỉ được kiểm tra khi bước vào trại tập.

Mẫu máu và nước tiểu của các võ sĩ UFC thông qua USADA (Cơ quan chống doping Hoa Kỳ) và mẫu thử boxer của VADA được gửi về cùng một phòng xét nghiệm.

Tuy nhiên, xuất hiện 2 điểm khác biệt chính: VADA kiểm tra thêm 70 chất mà WADA chỉ không cho phép trong lúc thi đấu. Còn USADA không xét nghiệm các chất này. Tuy nhiên, USADA xét nghiệm thường xuyên hơn.

"Đó là một lỗ hổng lớn", Conte thừa nhận khi nói về xét nghiệm thiếu thường xuyên của VADA. Tuy nhiên, Conte cho rằng việc VADA kiểm tra thêm 70 chất cấm là hợp lý. 

Trường hợp của Oscar Valdez cho thấy hệ thống xét nghiệm doping tại làng boxing cần thay đổi nhưng bằng cách nào? - Ảnh 2.

McGregor được kiếm tra khi đang ở trên du thuyền

Trong khi đó, Novitzky cho rằng việc xét nghiệm các chất này khi các võ sĩ không thi đấu là điều thừa thãi. Ông cho rằng WADA đã nghiên cứu rất kỹ trước lúc đưa ra quyết định của mình.

"WADA có những nhà khoa học giỏi nhất thế giới về vấn đề này. Tôi chỉ không hài lòng khi WADA cho vào danh sách cấm quá nhiều thứ. Tôi thấy nhiều thứ cần phải loại bỏ khỏi danh mục đó".

Dù vậy, Conte phản bác luận điểm này. "Novitzky, ông ta đang cố giấu mà thôi. Hãy hỏi ông ta xem có báo cáo nào chỉ ra rằng chất kích thích không giúp cải thiện thành tích". Lấy ví dụ về phentermine, chất có trong mẫu thử của Valdez, Conte cho rằng chất này giúp VĐV cắt cân, tăng nhịp tim, tăng lượng máu tới cơ bắp... Với các tay đấm, Conte khẳng định sẽ rất có lợi vào thời điểm cuối trận.

Vậy đâu là hệ thống phòng chống doping hoàn hảo?

Vấn đề tại làng quyền Anh hiện tại thì rất rõ. Giữa trận đấu, các tay đấm có thể sử dụng những chất kích thích. Sau đó, họ chờ cho chất này bị đào thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể trước khi đăng ký kiểm tra bởi VADA. Như vậy, họ vừa có thể được hưởng lợi ích của doping nhưng vẫn "trong sạch".

Các võ sĩ UFC thì không có điều này. Nhà cựu vô địch hạng dưới nặng Jon Jones đã không thi đấu kể từ chiến thắng trước Dominick Reyes từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, theo lịch sử xét nghiệm của UFC, Jones đã được lấy mẫu một lần vào quý 2 năm ngoái, 7 lần vào quý 3 và 8 lần vào quý 4. Từ năm 2021, Jones xét nghiệm tới 10 lần.

Như vậy, Jones đã xét nghiệm ít nhất 26 lần kể từ lần cuối thượng đài, sát sao hơn nhiều so với các tay đấm, chủ yếu được kiểm tra từ 6-8 tuần trước khi thượng đài.

Trường hợp của Oscar Valdez cho thấy hệ thống xét nghiệm doping tại làng boxing cần thay đổi nhưng bằng cách nào? - Ảnh 3.

"Nói rằng VADA có chương trình kiểm tra doping hoàn hảo vì họ ném tất cả các chất vào danh mục cấm thì thật nực cười. Hệ thống hoàn hảo là bạn phải xét nghiệm liên tục, có chương trình phổ cập thông tin tốt, viện nghiên cứu chất lượng hàng đầu thế giới để phân tích kết quả, hộ chiếu sinh và quan trọng là sở hữu một cơ quan điều tra", Novitzky cho hay.

VADA thì tất nhiên không có điều này.

Mike Mazzulli, Chủ tịch của Hiệp hội Hoa hồng quyền Anh (ABC), lý giải về thực trạng trên. Ông cho rằng việc xét nghiệm liên tục sẽ rất tốn kém, nhiều giải đấu không thể chi trả. Trong 40 sự kiện gần nhất bản thân đứng ra tổ chức, Mazzulli cho biết chỉ có 3 mẫu dương tính.

"Tôi cũng muốn sở hữu một hệ thống như UFC. Nhưng kinh tế không cho phép. Nó rất đắt và boxing cũng khác với UFC. Cách làm của họ đúng là rất tốt. Chúng tôi đang cố gắng, có xét nghiệm thì vẫn tốt hơn không".

Todd duBoef, Chủ tịch của Top Rank, thừa nhận các đơn vị quảng bá quyền Anh rất khó làm được như UFC. DuBoef hiện là đại diện cho Valdez.

Ông cho biết có rất nhiều trở ngại để làm điều đó. Một số tay đấm, như Nolito Donaire, tự bỏ tiền để VADA liên tục xét nghiệm. Dù vậy, không phải ai cũng muốn và có đủ điều kiện để làm điều này.

"Đây là một chủ đề thú vị. Nhưng phải nhớ rằng, thế giới có rất nhiều võ sĩ quyền Anh và không có rào cản nào ngăn các võ sĩ đến với môn này. Luôn có những sự kiện diễn ra mỗi này trên khắp thế giới. Vậy tìm đâu một cơ quan kiểm soát? Rất khó".

Novitzky lấy ví dụ ở môn điều kinh để lý giải vì sao việc xét nghiệm thường xuyên là hợp lý nhất. Theo đó, các VĐV sẽ không biết khi nào bị "sờ gáy". Vì thế, họ không dám dùng chất cấm, đặc biệt trong bối cảnh các bộ thử hiện tại đã nhạy hơn rất nhiều.

"Nhiều VĐV nói với tôi rằng họ đạt thành tích tốt nhất nhiều tuần sau khi ngừng dùng doping. Một số báo cáo cũng cho thấy điều này. Chúng ta phải có một hệ thống ngăn chặn điều này. Nếu bạn biết rõ thời điểm bị kiểm tra, thật dễ để điều chỉnh việc sử dụng chất cấm".

Theo: Sport Yahoo.