"Mọi tuyển thủ xung quanh tôi là rác rưởi, là đồ bỏ đi", Doubelift từng khiến cộng đồng LMHT dậy sóng bằng phát biểu như thế.
Theo tuyển thủ người Mỹ, phát biểu gây sốc trên vừa mang tính chất "gáy" vui vẻ, vừa là lời khẳng định tài năng bản thân, rằng anh nắm giữ ngôi vị độc tôn trong làng LMHT thế giới. Nhưng đã từ rất lâu rồi, người ta chỉ nhắc lại câu nói của Doubelift để mạt sát chính anh mỗi khi Team Liquid, giờ là Team Solomid, bị loại sớm khỏi các sân chơi tầm cỡ thế giới.
Trên thực tế, đây chẳng phải câu chuyện của riêng Doubelift, Team Liquid hay TSM, mà của cả khu vực LCS. Kể từ năm 2016, khi Riot Games ra luật phân chia các đội tuyển theo seed, các đại diện số một của Bắc Mỹ chưa một lần vượt qua nổi vòng bảng CKTG. Khi seed 1 đã như thế, các seed khác đương nhiên chẳng thể làm nên trò trống gì. Họa chăng có một vài lần Cloud9 làm nên bất ngờ bằng lối chơi hổ báo theo kiểu "chẳng còn gì để mất".
Năm nay, viễn cảnh "mèo lại hoàn mèo" đã được dự đoán trước. TSM dường như đã chắc suất cuối bảng, Team Liquid sau 3 trận mới có được thắng lợi vớt vát nhưng phải vượt qua Suning và G2 Esports. Còn FlyQuest, họ chắc chắn "no hope" trong bảng đấu có sự xuất hiện của cả Top Esports lẫn DragonX.
Vậy tại sao Bắc Mỹ, khu vực được Riot Games đánh giá là "major" trên bản đồ LMHT thế giới lại thi đấu tệ đến vậy?
Câu trả lời đã được Isaac Cummings Bentley, hay Azael, một BLV của Riot Games rất nổi tiếng ở khu vực Bắc Mỹ chỉ ra cách đây đúng một năm.
Thời điểm đó khi chứng kiến đội hình mạnh nhất lịch sử của Team Liquid, bao gồm Impact, Xmithie, Jensen, Doubelift và CoreJJ bị loại ngay từ vòng bảng, Azael đã phải lên Twitter thốt lên rằng: "Với LCS, cách duy nhất để cải thiện thành tích quốc tế là phải làm cách nào đó thúc đẩy cộng đồng LMHT bán chuyên".
"Nếu cứ thiếu hụt tài năng trẻ như thế này thì chúng ta không thể nào xây dựng một sân chơi có đủ yếu tố cạnh tranh để sản sinh ra những đội tuyển sánh ngang với các khu vực khác được".
Không phải ngẫu nhiên suy nghĩ của Azael được chia sẻ vô cùng rộng rãi sau đó. Khi nhìn vào LEC (châu Âu), LCK (Hàn Quốc) và LPL (Trung Quốc), chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy ngoài giải đấu cao nhất, các khu vực này luôn có một sân chơi thứ 2 cho các tuyển thủ trẻ.
Hàng năm, những tuyển thủ ấy được đôn lên đội một, hoặc mua về để cạnh tranh ở giải đấu chính. Đó là nền tảng đơn giản nhất để Liên Minh Huyền Thoại "sống khỏe" ở châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm ngoái, LEC chào hàng Nemesis và Humanoid từ EU Masters. Cả 2 đều góp mặt ở CKTG năm nay. Ở Hàn Quốc, sau thế hệ Faker thì Chovy, Bdd, Showmaker đã thay nhau tỏa sáng.
Còn ở Bắc Mỹ, sau Doublelift và Bjergsen, ai sẽ đứng ra lãnh trọng trách gánh vác cả một khu vực tại các giải đấu lớn?
LCS cũng có một hệ thống giải đấu Academy. Nhưng chất lượng của nó vẫn luôn bị đặt dấu hỏi vì các tuyển thủ trẻ rất hiếm có cơ hội được chơi ở LCS.
Và cũng chỉ mới đây thôi, một bí mật động trời được BLV LS tiết lộ trên Twitter, rằng các tuyển thủ ở đội hình chính luôn từ chối luyện tập với chính đồng nghiệp ở đội Academy vì... lo sợ sẽ mất suất đánh, mất việc. Đây là lối suy nghĩ vô cùng nguy hiểm, tư duy thụt lùi, có thể khiến khu vực LCS tiếp tục trượt dài trong tương lai gần.
Nhức nhối ở Bắc Mỹ không chỉ xảy ra ở hệ thống giải đấu chuyên nghiệp của họ. Ngay cả những điều buộc phải có như đường truyền, lượng người chơi LMHT cũng đang dần trở thành vấn đề vô cùng nan giải.
Có thể bạn chưa biết, ở Bắc Mỹ chỉ duy nhất một máy chủ Liên Minh Huyền Thoại được thiết lập, đặt ở Chicago. Điều này dẫn đến hiện tượng người chơi ở khu vực phía Tây luôn phải "vượt khó" với ping cao. Ngay cả những đội tuyển LMHT chuyên nghiệp có trụ sở ở Los Angeles cũng gặp vấn đề về đường truyền.
Chơi xếp hạng không bằng scrim, đúng vậy. Nhưng đó là cách duy nhất để các tuyển thủ rèn luyện kỹ năng chơi của mình.
Các trận đấu xếp hạng ở Bắc Mỹ cũng không được đánh giá cao bằng EU. Trên các diễn đàn LMHT, người chơi than phiền rằng cứ 4 trận xếp hạng họ lại gặp smurfs, phá game và sử dụng phần mềm thứ 3. Điều này tạo nên trải nghiệm cực không tốt, khiến lượng người chơi đi xuống. Không có người chơi mới, người chơi cũ thì từ bỏ, đó là dấu hiệu của một game đang chết dần.
Tất cả những khó khăn trên khiến những đội tuyển hàng đầu như Team Liquid phải nghĩ đến việc tuyển những tay chơi xuất sắc từ khu vực khác về để phục vụ cho việc săn danh hiệu của họ. CoreJJ, Impact và Broxah là những ví dụ điển hình. Nhưng có vẻ như đây chỉ là biện pháp nhất thời, đem đến những thành công ngắn hạn cho các đội tuyển.
Cách chuyển nhượng này cũng rất giống với bóng đá, khi một CLB bỏ ra hàng tấn tiều đưa về những ngôi sao. Nó là một hình thức mua danh hiệu, mua hào nhoáng. Tuy nhiên, chẳng đội bóng nào có thể xây dựng một đế chế vững mạnh bằng cách giải quyết nhất thời đó. Câu chuyện của các đội tuyển Esports cũng tương tự như vậy.
Vì thế cách duy nhất để giúp LCS vượt qua khỏi cơn bĩ cực, gạt bỏ những chỉ trích là đập đi xây lại. Đây là lối đi cần rất nhiều thời gian, công sức, nhưng ít nhất nó đảm bảo cho một sự phát triển bền vững và thành công trong tương lai.
Bạn nên quan tâm