1. Bóng đá thế giới đang bước sang thời đại của những con số thống kê. Khi những phép tính và con số lên ngôi, khán giả có cơ sở để nhận định và phân tích trận đấu trên góc độ đậm đặc chuyên môn.
Những con số không biết nói dối. Ngược lại, đó là công cụ tuyệt vời để nhìn nhận vấn đề, nhưng những con số chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và không phản ánh đúng sử thật, nếu ta không đặt nó dưới lăng kính đa chiều. Thậm chí, quá tin vào những con số sẽ gây ảo tưởng, dẫn đến hậu quả khó lường.
2. Một trong những ảo tưởng phổ biến gần đây là trường hợp của Manchester United ở Premier League. Rạng sáng hôm qua (28/8), ít giờ sau chiến thắng lịch sử của Olympic Việt Nam, MU thảm bại 0-3 trước Tottenham Hotspur trên sân nhà Old Trafford. Thất bại ấy, liệu liên quan gì đến Olympic Việt Nam?
Thất bại khó tin của MU trước Tottenham Hotspur là liều cảnh tỉnh tới Olympic Việt Nam.
Câu trả lời nằm ở ảo tưởng phòng ngự của MU từ mùa giải trước, khi đội chủ sân Old Trafford chỉ thủng lưới 28 bàn/ 38 trận - tốt thứ hai ở Premier League. "Quỷ đỏ" cũng là đội giữ sạch lưới 18 trận, hơn cả Chelsea, Manchester City, Arsenal hay Liverpool. Thông số đẹp như mơ khiến nhiều người lầm tưởng về khả năng phòng thủ của MU dưới thời Mourinho, rằng nửa đỏ thành Manchester đang từng bước trở lại thời kỳ hoàng kim bằng sự thực dụng đã trở thành thương hiệu của "Người đặc biệt".
Thực tế là gì? "Quỷ đỏ" đang sở hữu hàng thủ bất ổn và rất kém khoa học. MU có thành tích phòng ngự ấn tượng bởi họ sở hữu David de Gea đẳng cấp trong khung thành. Bên cạnh đó, lối chơi đề cao sự chắc chắn và ưu tiên lùi sâu khi có lợi thế của Mourinho cũng giúp hậu vệ MU giảm bớt áp lực.
Chỉ đến đầu mùa giải năm nay, khi tuyến trên chơi thiếu mạch lạc, người ta mới ngỡ ngàng nhận ra: MU không đẹp đẽ như những con số. Nếu không gặp trục trặc đầu mùa và tuyến trên vẫn giữ được sự ổn định, sự yếu ớt của hàng thủ MU còn được thống kê "che chắn" đến khi nào.
3. Barcelona cầm bóng tới 64%, song vẫn thua tới 0-4 trước Bayern Munich, hay Chelsea kiểm soát 81% thời lượng trước Newcastle, mà chẳng thể nào ghi được bàn thắng từ những tình huống "mở". Việc con số thống kê không phản ánh sự thật trong bóng đá là chuyện rất phổ biến.
Olympic Việt Nam ở ASIAD năm nay cũng rất dễ gây ảo tưởng, nếu nhìn vào thống kê: 0 bàn thua sau 5 trận. Trong lịch sử ASIAD, chỉ 3 đội tuyển có được 5 trận sạch lưới đến trước bán kết như Olympic Việt Nam. Tất cả đều lên ngôi vô địch.
Không thể phủ nhận điểm tựa ở ASIAD 2018 của Olympic Việt Nam chính là hàng phòng ngự. Nhưng đừng quên, Olympic Hàn Quốc đang sở hữu hàng tấn công rất khủng khiếp. Ảnh: Tiến Tuấn
Chẳng có đội bóng nào may mắn mãi. Không thủng lưới từ đầu giải, không thể nói Olympic Việt Nam "ăn may". Tuyến phòng ngự đã chơi cố gắng và thể hiện được sự ổn định, song công bằng mà nói, Olympic Việt Nam đang phòng ngự không tốt bằng U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á.
Trên đất Thường Châu cách đây 7 tháng, U23 Việt Nam lọt lưới tới 7 lần/ 3 trận ở vòng knock-out, gần gấp 4 lần U23 Uzbekistan và nhiều hơn U23 Hàn Quốc - đội chỉ về đích ở vị trí thứ tư. Tuy nhiên, con số ấy không cho thấy U23 Việt Nam phòng ngự lỏng lẻo. Ngược lại là đằng khác. Đội bóng của HLV Park Hang Seo đã có một trong những giải đấu phòng ngự hay nhất trong lịch sử. 2 bàn thua trước U23 Qatar đến từ 2 cơ hội sáng rõ nhất từ phía đối thủ. 3 bàn thua trước U23 Iraq đến từ số ít tình huống lơi lỏng và cả sai lầm của các trọng tài.
Ở ASIAD, dù thành tích phòng ngự được nâng tầm rõ rệt, nhưng con số 0 bàn thua đang không phản ánh đúng khả năng tổ chức phòng thủ của Olympic Việt Nam. Sự thật là gì? Cách vận hành lối chơi của toàn đội đang gặp nhiều vấn đề. Olympic Việt Nam vẫn chưa thủng lưới nhờ có 2 yếu tố: nỗ lực của các hậu vệ và sự vô duyên của các chân sút đối phương.
Trong trận gặp Olympic Bahrain, tuyến giữa của Olympic Việt Nam nhiều lần đổ vỡ trước áp lực và bị đối thủ làm chao đảo từ các pha đánh biên. 2 lần bóng chạm xà ngang, 2 lần đối phương đưa được bóng vào lưới (bị thổi phạt việt vị trong những tình huống... "hú vía") và 1 lần cái chân của Tiến Dũng cứu nguy trong gang tấc, dẫu đội bóng của HLV Park Hang Seo được chơi hơn người trong cả hiệp 2.
Trận gặp Olympic Syria còn chứng kiến Olympic Việt Nam để lộ nhiều khoảng trống hơn với nhiều lần thủ thành Tiến Dũng phải đối diện với nguy hiểm. Pha đập nhả mẫu mực của Olympic Syria suýt nữa mang lại bàn thắng ở cuối hiệp 1, nếu chân sút Marhoon không dứt điểm chệch cột trong tư thế trống trải. Phút 120+3, hàng thủ Olympic Việt Nam cũng bỏ người theo bóng, dẫn đến phải đối mặt với pha xuống bóng nguy hiểm. Không dưới 7 lần trong trận này, khoảng trống tuyến hai lộ ra rất rõ ràng. Vấn đề chỉ là Olympic Syria không đủ cầu thủ chất lượng để tận dụng.
Giờ là lúc Olympic Việt Nam bỏ lại sau lưng để hướng đến trận đấu lịch sử trước Olympic Hàn Quốc. Động lực ở đây chính là sự quyết tâm và tinh thần sẵn sàng làm nên bất ngờ trước đội bóng mạnh hơn.
4. Không thể phủ nhận được sự tiến bộ của Olympic Việt Nam, nhưng vui thôi, đừng... vui quá. Kỷ lục trắng lưới đẹp như mơ cùng chiến thắng kịch tính khiến khán giả tạm quên đi những mặt hạn chế của các cầu thủ. Dĩ nhiên, đây không phải việc của người hâm mộ. Đây là việc của ban huấn luyện, phải nỗ lực để "vá víu" khoảng trống, bởi Olympic Hàn Quốc mạnh mẽ và nhiều cầu thủ đẳng cấp hơn 2 đối thủ trước rất nhiều.
Khi ấy, nếu không cẩn thận, thành tích phòng ngự còn có thể trở thành... chướng ngại với Olympic Việt Nam. Vì chưa quen với cảm giác thủng lưới ở ASIAD, Olympic Việt Nam sẽ rất dễ bị dao động nếu rơi vào tình cảnh bị dẫn trước. Dẫu sao, đã vào đến đây, các học trò của HLV Park Hang Seo không còn gì phải ngán ngại. "Tại sao phải sợ, khi họ có điểm mạnh của họ, ta cũng có điểm mạnh của ta?" - thầy Park nói thế.
Quên con số 0 bàn thua sau 5 trận đấu đi, ngay và luôn. Olympic Việt Nam cần vào trận với tâm lý thoải mái và cởi bỏ mọi áp lực. Có như thế, toàn đội mới hy vọng tạo được bất ngờ!