Một chàng trai 17 tuổi vô danh mang tên Pele năm 1958 đưa Brazil lên ngôi vô địch. “Cậu nhóc” nhỏ thó chưa đủ 19 tuổi Michael Owen độc diễn ghi bàn trước những “phù thủy” Argentina năm 1998. “Răng hô” Ronaldinho làm sững sờ người Anh năm 2002… Tất cả những huyền thoại bóng đá kể trên đều là “số không” trước khi dự World Cup lần đầu tiên. Sau đó, câu chuyện của họ đã trở thành lịch sử.
Nhiều người có thể không biết đến cái tên Goncalo Ramos khi lướt qua danh sách tuyển thủ 32 đội tham gia World Cup ở Qatar. Nhưng sau khi đá chính thay Cristiano Ronaldo tại vòng 1/8, anh là cái tên ai cũng phải nhắc đến, thậm chí còn được đặt biệt danh “truyền nhân của Ronaldo”.
Chỉ mất 17 phút để Ramos ghi bàn đầu tiên, với cú sút căng ở góc hẹp, đưa bóng găm thẳng vào lưới với tốc độ 106 km/h. Đến phút 67, anh toàn tất hat-trick. Đây là hat-trick (3 bàn thắng do một cầu thủ ghi được) đầu tiên tại World Cup 2022. Ramos cũng là chủ nhân cú hat-trick duy nhất tại vòng loại trực tiếp World Cup 32 năm qua.
Khoảnh khắc Ramos lao ra đường biên, dang rộng vòng tay để ăn mừng đầy phấn khích khiến người hâm mộ liên tưởng ngay đến một cầu thủ tuổi teen khác, Michael Owen. Mùa hè nước Pháp 1998, cũng ở vòng 1/8, Owen bùng nổ trong trận Anh - Argentina. Đây là cuộc đọ sức đi vào lịch sử, quy tụ đủ những yếu tố hấp dẫn nhất của bóng đá.
Phút 16, nhận bóng ở giữa sân từ đường chuyền của Beckham, Owen đẩy bóng tinh tế bằng pha đánh gót, rê dắt nửa sân, vượt qua 2 hậu vệ Argentina và bình tĩnh sút bóng ghi bàn. "Tác phẩm nghệ thuật" tuyệt đẹp này đã theo Owen suốt cuộc đời cầu thủ. Qua nhiều năm, nó vẫn được phát đi phát lại trong vô số đoạn phim quảng cáo.
Từ vô danh đến nổi danh, từ những cầu thủ bình thường đến thế hệ siêu sao, World Cup xứng đáng là nơi “sản sinh Quả bóng vàng tương lai”. Có quá nhiều cầu thủ được nhớ đến nhờ sân khấu này.
Tại World Cup 2002, mũi đinh ba trên hàng công của Brazil (3R, gồm Ronaldo, Ronaldinho, Rivaldo) làm khuấy đảo các sân vận động Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, so với “người ngoài hành tinh” Ronaldo và “phù thủy bóng đá” Rivaldo đã quá nổi danh, chàng trai trẻ 22 tuổi Ronaldinho lúc bấy giờ thua kém rất nhiều. Nhưng Ronaldinho, nổi tiếng với những bước nhảy samba ngay cả khi cầm bóng, vẫn biết cách biến mình thành tâm điểm chú ý.
Trong cuộc đối đầu giữa Brazil và Anh ở tứ kết, thủ môn lão làng Seaman không may làm nền để Ronaldinho đưa tên tuổi mình bay ra thế giới. Từ quả đá phạt cách khung thành gần 40m, thay vì chuyền bóng theo lẽ thường, Ronaldinho quyết định treo bóng thẳng vào góc xa, khi phát hiện Seaman lên quá cao. Trái bóng rơi vào lưới sau khi được vẽ một đường vòng cung đẹp mắt trên không.
Brazil đã loại Anh bằng pha bóng này, và Ronaldinho bắt đầu con đường trở thành siêu sao cũng nhờ pha bóng này. Sau khi ghi bàn, Ronaldinho chạy ra đường pitch trước khán đài CĐV Brazil, cùng những người đồng bào nhảy samba ăn mừng. Hình ảnh này một lần nữa đang tái hiện trong các trận đấu của Brazil ở Qatar năm nay.
Nói đến khoảnh khắc bất hủ trong lịch sử World Cup, không thể thiếu cú volley của Pele. Ở trận chung kết World Cup 1958, “cậu nhóc” 17 tuổi Pele, trước sức ép tâm lý của hàng chục nghìn cổ động viên chủ nhà Thụy Điển, vẫn điềm tĩnh khống chế bóng bằng ngực trong vòng cấm sau đường chuyền của đồng đội, loại một hậu vệ, tâng bóng qua đầu một hậu vệ khác rồi tung cú volley cháy lưới. Brazil thắng chung cuộc 5-2, lần đầu vô địch World Cup, mở ra một chương vĩ đại trong sự nghiệp của “Vua bóng đá” Pele.
Vẫn còn quá sớm để khẳng định Goncalo sẽ vụt sáng trở thành ngôi sao số top đầu bóng đá thế giới, tiếp nối đàn anh Messi, Ronaldo… nhưng anh vẫn còn những cơ hội để biến World Cup thành bàn đạp sự nghiệp. Chỉ cần một bàn thắng mang tính biểu tượng, anh thậm chí có đủ tự tin để vượt qua các đàn anh, nhờ minh chứng lịch sử World Cup.
[Những ‘cận vệ già’ tỏa sáng tại World Cup 2022: Cháy hết mình lần cuối]