Vào buổi chiều tháng 8 ở Indonesia, các cầu thủ Olympic Việt Nam ủ rũ rời sân sau thất bại trước Hàn Quốc. Trên khán đài Pakansari, người hâm mộ cũng bỏ ra về, bỏ lại những gì họ đã mang đến. Trên một chiếc ghế là ảnh HLV Park Hang-seo, rúm ró nhàu nát một cách đáng thương.
90 phút trước đó, nó đã được nâng niu. Và sẽ được nâng niu nếu Việt Nam giành chiến thắng. Tiếc là không. Vì vậy, tấm ảnh bị vứt bỏ không thương tiếc, như người ta vứt bỏ thứ gì ghê tởm.
Bất chấp Olympic Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể trước một Hàn Quốc hùng mạnh - và sau đó giành Huy chương Vàng ASIAD, cơn bão chỉ trích vẫn giáng xuống. Họ chỉ trích chiến thuật, cách sắp xếp đội hình của HLV Park Hang-seo. Thậm chí cáo buộc ông đã tư vị khi đối đầu với đội bóng quê hương. Chưa hả giận, những anh hùng bàn phím không tiếc lời thóa mạ bằng những từ ngữ vô văn hóa.
Thầy Park cũng từng trở thành mục tiêu công kích của một bộ phận fan Việt.
Thật kỳ lạ, chính những con người này từng tung hô HLV Park Hang-seo, gọi ông là người hùng, là “Sir”, là “Thánh”. Họ cũng ca ngợi ông với chiến thuật khôn ngoan cùng khả năng dụng nhân bậc thầy.
Ngay cả chiến lược gia ở tuổi lục tuần đã nâng tầm bóng đá Việt Nam và tạo nên kỳ tích vô tiền khoáng hậu ở Thường Châu còn bị ném đá, không ngạc nhiên khi chị Thúy, tác giả của câu hát “Bay lên trời là em bay ra ngoài. Bay ra ngoài là em bay lên trời” bị chê bai, chế nhạo.
Mới đây thôi, tại SEA Games 30, người ta không tiếc lời ca ngợi chị cùng câu thần chú nổi tiếng. Họ nói đó là nguồn động viên với các cầu thủ, gây phấn khích với người hâm mộ nước nhà và “ám quẻ” đối phương.
Chị Thúy bị dân mạng Việt tấn cong trang cá nhân.
Và bây giờ, họ lại nói rằng “Bay lên trời…” chỉ mang đến sự khó chịu, khiến cầu thủ mất tập trung, vô hiệu với đối thủ. Tóm lại, là nguyên nhân khiến đội nhà không thắng. Tương tự như đã làm với những người từng bị gán biệt danh tội đồ, họ ùa vào facebook cá nhân và buông lời thóa mạ.
Sự thay đổi thái độ của người hâm mộ nhanh hơn cả “người yêu cũ lật mặt”. Đôi khi chúng ta tự hỏi, tại sao một bộ phận CĐV lại có thể tráo trở đến như vậy? Họ có thực sự đam mê bóng đá và yêu đội tuyển?
Có lẽ là không. Khi phong trào bóng đá lên cao, họ lao vào cổ vũ như một cách để nâng tầm bản thân. Họ không đến sân để tận hưởng, để cảm được cái đẹp của trò chơi và đắm mình trong niềm tự hào. Họ chỉ quan tâm đến chiến thắng để có thể đi bão, check-in và tô vẽ cho facebook cá nhân. Khi đòi hỏi đó không được thỏa mãn, tất cả chuyển sang nhiếc móc, lăng mạ và đổ lỗi.
Nhiều năm qua, rất nhiều con người tâm huyết đã nỗ lực hết mình để nâng tầm bóng đá Việt, đưa đội tuyển vươn xa. Nhưng người hâm mộ thì sao? Đã đến lúc chúng ta cũng nên tự nâng mình để phù hợp với tầm vóc đội tuyển.
Đừng vì một trận đấu không vừa ý mà chỉ trích những con người đã hết mình vì màu cờ sắc áo. Ảnh: Sport5.
Jose Mourinho hay Sir Alex Ferguson từng ca thán về việc sân nhà, Stamford Bridge và Old Trafford, buồn như có đám. Họ kêu gọi CĐV gia tăng tiếng ồn, tạo nên bầu không khí hùng vỹ và điên cuồng ở mọi trận đấu.
Sân vận động không phải rạp chiếu phim. Nó đặc trưng bởi sự ồn ào, điên loạn và mỗi người cố gắng gây ồn ào ở mức cao nhất có thể. Và sự ồn ào này kéo dài suốt cả trận, bất kể thắng thua. Vào thời điểm M.U đang chơi bết bát dưới thời Van Gaal, Old Trafford vẫn tự hào là sân có tiếng ồn lớn nhất, lên đến 167 decibel.
Tất nhiên, cần thiết phải hình thành văn hóa cổ vũ, với những tràng pháo tay khích lệ khi cần, những bài hát để tất cả cùng tạo nền dàn hợp xướng hào hùng. Điều quan trọng nhất là sự kiên định. Cho dù bất cứ điều gì xảy ra, HLV và các cầu thủ phải nhận được sự tôn trọng và khích lệ. Họ phải được chung vui khi chiến thắng và không bao giờ bị bỏ rơi lúc thất bại.
“Bóng đá chẳng là gì nếu không có người hâm mộ”, HLV vĩ đại Jock Stein nói. Đội tuyển cần người hâm mộ, nhưng đó là những người hâm mộ đúng nghĩa, cuồng nhiệt một cách văn minh.
Bạn nên quan tâm