Chen lấn, ngất xỉu, nước mắt và có cả máu,… Một buổi sáng nồng nặc hơi người, lời phàn nàn, tiếng la hét, tiếng còi xe cứu thương, xe cảnh sát trộn lẫn vào nhau phía ngoài SVĐ Bukit Jalil tạo nên một cảnh tượng khiến chính những người Việt Nam cũng phải chọn cách tránh xa.
Đó không phải cuộc hành hương về thánh địa Mecca của người đạo Hồi, cũng không phải một lễ hội ở thủ đô Kuala Lumpur, càng không phải cuộc biểu tình nào đó vốn đã là "chuyện thường ngày" ở xứ sở này, họ đứng đợi để có một tấm giấy thông hành vào tối 11/12 – tấm vé trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018.
Những CĐV ngất xỉu, tiếng la ó, chửi rủa biến khuôn viên SVĐ QG Bukit Jalil trông chẳng khác gì bãi chiến trường. Ảnh: Hiếu Lương.
Hơn 6.000 người xếp hàng từ 22h00 tối 8/12 và đến sáng 9/12, gần 30.000 đã tới để xếp hàng mua vé. Họ xếp hàng, chấp nhận sự dàn xếp của BTC, của cảnh sát và những người đứng đầu các Hội CĐV. Những dấu hiệu tốt trước một cuộc bán vé.
10h00, vé bắt đầu được mở bán, sau gần nửa ngày chờ đợi, nhiều người đã có thể dọn chiếu và lều để đi về với tấm vé trên tay. Gần 20 cổng bán vé được mở và chẳng mất nhiều thời gian, 30 phút sau, BTC bắt đầu phát loa thông báo: "Vé trận chung kết đã được bán hết, chúng tôi rất mong mọi người thông cảm". Nhưng không hề có sự cảm thông ở đây.
Một vài người quá khích bắt đầu lên tiếng, một vài người Malaysia đứng ngoài nói đó là "lời chửi rủa" và chai lọ bắt đầu được ném về phía khu vực bán vé. Hành động, lời nói ấy tác động mạnh vào cả chục ngàn người đã xếp hàng gần nửa ngày với hy vọng sở hữu tấm vé trận chung kết. Mệt mỏi và buồn bực, dòng người bắt đầu nhao lên tạo nên cảnh tượng như lễ hội cướp phết ở Việt Nam. Ngất xỉu và nước mắt chỉ là hệ quả cuối cùng của câu chuyện sáng nay.
Gần 30.000 CĐV Malaysia đã xếp hàng chờ mua vé vào sáng 9/12, con số này gần bằng sức chứa của SVĐ QG Mỹ Đình. Ảnh: Hiếu Lương.
Cảnh tượng mua vé ở Việt Nam tưởng chừng đã khủng khiếp nhưng với Malaysia, mọi thứ còn đáng sợ hơn nhiều. Ảnh: Hiếu Lương.
87.000 chỗ ngồi là sức chứa sau khi được tu sửa của SVĐ Bukit Jalil. Trong đó, 40.000 là số vé online đã được bán hết vào ngày 7 và 8/12 chỉ sau chưa đầy 1 giờ đồng hồ. 7.000 là số lượng vé mời. Đến sáng nay (9/12), số vé còn lại (khoảng 40.000 vé) cũng đã được bán hết. Với nhiều CĐV Malaysia, 12 tiếng xếp hàng của họ vẫn chỉ nhận lại là hai bàn tay trắng.
87.000 chỗ ngồi tại Bukit Jalil, con số ấy ở SVĐ Mỹ Đình là 40.000. Tổng cộng 127.000 chỗ ngồi tương ứng với ngần ấy con người được trực tiếp theo dõi 1 trong 2 trận chung kết AFF Cup năm nay. Thế nhưng, ai cũng hiểu, cung không đủ cầu khi cả triệu người có khao khát sở hữu tấm vé. Và đôi khi việc sở hữu được tấm vé vẫn phải phó mặc cho vận may.
Từ Việt Nam cho đến Malaysia, từ những hàng rào đổ tại SVĐ Mỹ Đình cho đến cả chục nghìn người xếp hàng tại Bukit Jalil, từ chiếc xe chở cán bộ bán vé bị quây chặt cho đến hàng loạt người ngất xỉu khi mua vé, bóng đá ở hai quốc gia này không chỉ dừng lại ở một trò chơi, một môn thể thao.
Những hình ảnh đó dù xấu xí, dù lộ ra nhiều hạn chế trong công tác tổ chức của LĐBĐ Malaysia và Việt Nam nhưng không thể phủ nhận sức hút khó cưỡng của bóng đá tại hai quốc gia này.
Còn rất nhiều CĐV không có vé nhưng đó là chuyện bình thường. Khi sức chứa của Bukit Jalil và Mỹ Đình chỉ hơn 10 vạn người, cả triệu người hâm mộ vẫn sẽ không có vé vào sân. Ảnh: Hiếu Lương.
Nhìn lại toàn cảnh bóng đá Đông Nam Á, những hình ảnh ngày bán vé tại Việt Nam hay Malaysia cho thấy LĐBĐ hai nước còn nhiều việc phải làm dù đã có những đổi thay. Những hàng rào bị đổ, những cửa bán vé bị bủa vây, những CĐV ngất xỉu có thể khiến nhiều người hoảng sợ nhưng đó cũng là biểu hiện của hai quốc gia vẫn đang cuồng say với bóng đá.
Không phải 10 vạn mà 80 vạn vé cho trận chung kết AFF Cup 2018 lúc này đây có lẽ vẫn còn chưa đủ với khao khát từ những người dân Việt Nam và Malaysia. Nhìn lại cảnh tượng tại Bukit Jalil sáng 9/12, nhiều người có lẽ sẽ nghĩ thật may Việt Nam không mở bán trực tiếp vé trận chung kết lượt về!