Sân King Power của Leicester City sau trận hòa 1-1 với West Ham đã trở thành hiện trường của một vụ tai nạn thảm khốc.
Chiếc trực thăng mà ông chủ Leicester thường sử dụng đã bốc cháy và lao xuống mặt đất gần bãi đậu xe của sân King Power vào lúc 8h30 thứ bảy (giờ địa phương), ngay sau trận hòa 1-1 của Bầy cáo với West Ham. Được biết, chiếc trực thăng cất cánh từ vòng tròn giao bóng như sở thích thường lệ của ngài chủ tịch Vichai Srivaddhanaprabha. Nó lơ lửng trên góc Đông Nam của sân vận động trước khi một ngọn lửa bùng lên và chiếc trực thăng lao thẳng xuống đất, bùng cháy dữ dội.
Phía cảnh sát vẫn chưa công bố danh tính nạn nhân cũng như thiệt hại của vụ tai nạn. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy khả năng cao ông chủ của nhà vô địch Premier League 2015/16 đã có mặt trên chiếc máy bay bị rơi. Và nếu đúng là sự thật, ngài Vichai Srivaddhanaprabha có lẽ "lành ít dữ nhiều".
Thống kê cho thấy tỷ lệ tai nạn do trực thăng cao hơn khá nhiều so với các phương tiện hàng không khác (1.02% trên 100.000 giờ bay so với 0.84% trên 100.000 giờ bay). Nguyên nhân vì đâu lại như vậy?
Như hầu hết chúng ta đã biết, trước khi cất cánh, máy bay đã được chuẩn bị sẵn đường bay, vị trí sân bay và được điều khiển bởi đài không lưu. Trong khi đó, trực thăng thường được sử dụng cho những nơi địa lý trắc trở, máy bay không thể bay vào. Người dùng trực thăng có thể hạ cánh ở nhiều địa hình khác nhau, vì vậy, nó phù hợp cho công tác cứu nạn, tiếp tế hay các hoạt động quân sự. Do tính chất đặc thù của nó nên trực thăng thường cất cánh và hạ cánh nhiều hơn máy bay thường. Phần lớn các vụ tai nạn trực thăng là trong các thời điểm hạ cánh và cất cánh.
Kết cấu của máy bay trực thăng yếu hơn máy bay thường nên dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết xấu. Ngoài ra, độ cao tối đa của trực thăng rơi vào khoảng hơn 12.000 feet nên dễ bị đâm vào các vật cản như núi, đồi, tòa cao ốc,...
Trực thăng có nhiều bộ phận chuyển động hơn máy bay thường nên khả năng trục trặc ắt sẽ cao hơn. Một chiếc trực thăng có một cánh quạt chính, một cánh quạt đuôi, một hộp số và một trục truyền động chạy theo chiều dài của máy bay. Chỉ cần một trong số chúng bị hỏng, tai nạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thêm nữa, do các bộ phận này thường chuyển động liên tục nên sẽ hao mòn nhanh hơn. Tất nhiên, đa phần đều được sửa chữa hoặc thay thế kịp thời trước mỗi chuyến bay. Dù vậy, khả năng nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến thảm kịch.
Việc điều khiển trực thăng trong thực tế cũng khó khăn hơn nhiều so với kiểm soát máy bay thường, kể cả bạn có là dân chuyên. Một thống kê đáng tham khảo vào năm 2009 cho thấy, tỷ lệ tai nạn trong các chuyến bay tập khi các phi công vừa học lái trực thăng cao gấp đôi máy bay thường (12.69 tai nạn/100.000 giờ bay so với 6.08 tai nạn/100.000 giờ bay).
Hiện chưa rõ máy bay của ngài chủ tịch Leicester City là loại gì nhưng thông thường, các trực thăng du lịch ít khi được trang bị ghế thoát hiểm như trực thăng quân sự. Vì vậy, tỷ lệ sống sót của những người có mặt trên chiếc trực thăng ở King Power thực sự rất thấp.
Vichai Srivaddhanaprabha mua lại Leicester City với giá 39 triệu bảng vào năm 2010 và được bổ nhiệm làm chủ tịch từ tháng 2/2011. Ông là người giúp Bầy cáo có chức vô địch Premier League lần đầu tiên trong lịch sử vào mùa giải 2015/16.
Hiện tại, phía Leicester lẫn cơ quan chức năng chưa đưa ra danh sách chính thức về các nạn nhân trong vụ việc. Bên cạnh sự an nguy của ngài chủ tịch, nhiều nguồn tin còn cho biết HLV Claude Puel dường như cũng có mặt trên chiếc trực thăng này. Cũng theo một vài thông tin chưa xác thực, trên chiếc trực thăng gặp tai nạn còn có 2 con của ông Vichai và 2 phi công.