Tối thứ Ba tại Rizal Memorial, Bùi Tiến Dũng trầm ngâm trên băng ghế dự bị.
Từ khu kỹ thuật, anh có thể theo dõi toàn cảnh trận đấu với Singapore mà trong đó, thủ môn Văn Toản đã chơi chắc chắn. Không có nhiều pha cứu thua ngoạn mục, nhưng thủ thành của Hải Phòng mang lại cảm giác an tâm, đặc biệt là những pha bóng bổng.
Câu hỏi đặt ra là, liệu Tiến Dũng có thể làm điều tương tự, sau sai lầm sơ đẳng ở trận đấu với Indonesia khiến đội bóng suýt nữa phải trả giá đắt?
Phil Johnson, một nhà tâm lý học thể thao nổi tiếng từng làm việc với nhiều CLB hàng đầu châu Âu, nói rằng trong bóng đá, sai lầm là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên vì thủ môn là tuyến phòng thủ cuối cùng, khi các thủ môn mắc lỗi, nó trở nên nghiêm trọng và dễ trở thành đối tượng để đổ lỗi.
Vấn đề ở đây là phản ứng sau khi phạm sai lầm.
"Dĩ nhiên không ai muốn sai lầm lại tái diễn, vì vậy điều bạn tâm niệm trong tâm trí là 'đừng lặp lại điều đó, đừng lặp lại điều đó. Tai hại là mọi thứ không diễn ra như vậy.
Nói một cách hình ảnh, giống như khi bạn đứng trên đỉnh núi và chuẩn bị trượt tuyết xuống con dốc rộng thênh thang. Và bạn nhìn thấy một cái cây. Suy nghĩ của bạn sẽ là 'tôi sẽ không đâm vào cây'. Vậy mà bạn lại lao vào.
Thay vì tránh nó, bộ não của chúng ta tập trung quá mức vào thứ gì đó mà chúng ta không muốn làm. Cuối cùng sự chú ý lớn đến nỗi khiến chúng ta lại làm điều đó", Johnson nói.
Các thủ môn dễ rơi vào trạng thái này. Loris Karius là một ví dụ. Cả thế giới đều biết anh đã mắc 2 sai lầm không thể tha thứ trong trận chung kết Champions League 2018. Và đêm hôm đó đeo đẳng Karius đến mãi về sau. Càng cố gắng làm tốt, anh ta càng dễ mắc sai lầm. Trong 1 năm qua, thủ môn người Đức đã mắc 6 sai lầm ngớ ngẩn khác và khiến Besiktas có ý định hủy hợp đồng để trả anh ta lại Liverpool.
Trở lại với Tiến Dũng. Chúng ta thấy rằng sai lầm ngày càng trở nên quen thuộc với thủ môn gốc Thanh Hóa, bên cạnh sự sa sút phong độ thấy rõ ở một số trận được bắt chính trong áo CLB Hà Nội. Nguyên nhân chính đến từ việc Dũng phải ngồi dự bị quá lâu. Vào mỗi dịp hiếm hoi được đứng trong khung gỗ, điều đầu tiên là anh tự nhắc mình không được phạm sai lầm. Và như Johnson nói, càng nghĩ nhiều, càng dễ xảy ra tai họa.
Cách duy nhất để Dũng bứt khỏi nỗi ám ảnh này là quên nó đi. Đồng thời, phải được bắt chính thường xuyên nhằm tôi luyện sự chai lỳ cảm xúc.
Nhưng trong ngắn hạn, tức tại SEA Games lần này, Dũng phải ngồi dự bị. Theo nhà tâm lý học thể thao người Anh, muốn thôi bị sai lầm ám ảnh, tạm thời phải bứt khỏi nó. Giống như việc cựu trung vệ John Terry, sau cú đá phạt đền hỏng ăn ở chung kết Champions League 2008, đã không thực hiện bất kỳ quả phạt đền nào suốt 18 tháng kế tiếp. Hoặc như Karius, phải tạm biệt màu áo Liverpool, đồng thời cũng không quay lại dự khán trận chung kết năm 2019.
Tiến Dũng đã thất bại để đứng dậy, nói cách khác, không trưởng thành lên sau các sai lầm trong màu áo Thanh Hóa, Hà Nội và cả tuyển trẻ Việt Nam. Có nghĩa anh "vẫn suy nghĩ nhiều về cái cây để rồi lại đâm vào".
Có thể hơi tàn nhẫn, nhưng để giấc mơ Huy chương Vàng SEA Games không vỡ vụn một lần nữa, như năm 2017 vì 2 sai lầm đáng trách của Phí Minh Long, Tiến Dũng nên tiếp tục ngồi ngoài, chứng kiến đồng nghiệp Văn Toản bay lượn trong khung gỗ.
Về phần Tiến Dũng, đó không phải là sự trả giá, mà giúp cho chính sự nghiệp của anh.
Bạn nên quan tâm