Tam sư đã không thể có mặt ở trận chung kết World Cup đầu tiên kể từ năm 1966. Thay vào đó, họ sẽ chơi trận tranh giải 3 với Bỉ. Mặc dù vậy, tâm lý phổ biến ở xứ sương mù trong những ngày này là sự tự hào. Tuyển Anh không thất bại. Họ đã vượt quá sự mong đợi và thắp lên những hy vọng cho tương lai.
Trong sự lạc quan đó, riêng Daily Mail giữ được cái nhìn nghiêm khắc. Họ thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khiến Anh không thể tiến xa hơn. Đó là các cầu thủ Tam sư đã "quá lịch thiệp", và "trong một cuộc chiến đường phố, bạn không chơi violin, mà phải dùng gậy gộc".
Tạm cắt nghĩa, theo Daily Mail, tuyển Anh thiếu tính chiến đấu, sự tinh ranh để chiến thắng bằng mọi giá và bản lĩnh để vượt qua chướng ngại. Một lần nữa, họ để cảm xúc lấn át quá nhiều và không giữ được cái đầu lạnh.
Các học trò trẻ tuổi của Gareth Southgate không thể tiến xa hơn bán kết.
Ví dụ như trước Croatia, một đối thủ kinh nghiệm lão luyện, các hạn chế đã lộ rõ. Các học trò trẻ tuổi của Gareth Southgate dễ sa vào tự mãn khi dẫn trước, sau đó đánh giá thấp đối phương. Sau khi không có được sự tàn nhẫn để kết liễu trận đấu, họ cũng không đủ tỉnh táo và để mình rơi vào trạng thái sụp đổ khi Croatia hồi sinh. Sau đó, đã không thể gượng dậy.
Xứ sương mù luôn đề cao tinh thần hiệp sỹ, nhưng họ cũng yếu đuối, bi lụy và dễ đổ vỡ.
Tất cả hẳn vẫn còn nhớ những giọt nước mắt của Paul Gascoigne khi Anh dừng bước ở bán kết World Cup 1990, một hình ảnh mang tính biểu tượng. Mà Gascoigne là ai kia chứ? Một gã ngang tàng và bất chấp. Sau này khi giải nghệ, Gazza cũng chứng minh anh không hề mạnh mẽ, khi chìm đắm trong rượu chè và bất lực để thoát ra.
World Cup 2006, David Beckham, đội trưởng Tam sư khi ấy cũng khóc. Đó là khi anh buộc phải rời sân vì chấn thương ở trận đấu với Bồ Đào Nha, mà sau đó Anh thua trên chấm phạt đền. Rồi đến năm 2014 đến lượt Steven Gerrard, một đội trưởng khác, khóc sau hành trình thảm họa trên đất Brazil.
Những giọt nước mắt của Paul Gascoigne là biểu tượng của cả thế hệ thất bại.
Vì một trái tim dễ tổn thương, nước Anh đã luôn giữ thói quen thất bại, và theo cùng một cách, hoặc sau những sai lầm hoặc sau loạt đá luân lưu.
World Cup 2018 là một Tam sư khác. Họ trẻ, không sợ hãi, dám dấn thân vào thử thách và cho thấy bản lĩnh. Lần đầu tiên sau nhiều năm, đội bóng này mới biết chiến thắng trên chấm phạt đền và vào đến bán kết. Thế nhưng đó là tất cả những gì họ làm được.
Đồng ý rằng giải đấu trên đất Nga là một thành công, nhưng Tam sư hoàn toàn có thể làm tốt hơn ở trận đấu với Croatia để có mặt tại bán kết. Trong sự tiếc nuối, giá như đội bóng này được bổ sung thêm chất đường phố, với một chút ma mãnh và sự lỳ lợm, mọi thứ có thể đá khác.
Đó là lúc để người ta nhớ đến Wayne Rooney. Tất nhiên ở đây chúng ta không đề cập đến vấn đề chuyên môn, bởi không phải đợi đến tuổi 32, thời đỉnh cao của Wazza đã qua từ trước đó rất lâu rồi. Nhưng anh ta có một thứ mà Tam sư còn thiếu: chất đường phố.
Với Rooney, mỗi trận đấu đều là một cuộc chiến.
Trong thời đại ngày nay, khi mà các cầu thủ Anh hầu hết là những công tử, thì Rooney được biết đến là cầu thủ đường phố cuối cùng còn sót lại. Cựu tiền đạo MU lớn lên cùng quả bóng trên các con phố ở Croxteth. Ở nơi đó, bên cạnh rèn luyện các kỹ năng, Wazza còn hình thành tính cách dữ dội, bất cần và bùng nổ.
Với Rooney, mỗi trận đấu đều là một cuộc chiến. Anh sẽ đắm mình trong đó như một chiến binh điên cuồng. Anh không sợ nghịch cảnh và không bao giờ từ bỏ khi vẫn còn cơ hội. Anh cũng nói không với những giọt nước mắt. Còn nhớ không, World Cup 2010, Rooney thậm chí còn lăng mạ người hâm mộ trước ống kính truyền hình.
Thời gian không thể quay ngược và Rooney sẽ không trở lại. Nhưng nếu tuyển Anh không tìm ra một nhân vật đầy nam tính, và cá tính như Rooney để làm chỗ dựa tinh thần, họ rất khó tiến xa. Dù thế hệ cầu thủ mới là rất hứa hẹn.