Đây là một mùa hè kỷ lục đối với đoàn quân Italy của HLV Roberto Mancini. Azzurri chưa bao giờ ghi đến 3 bàn trong một trận đấu Euro trước trận mở màn với Thổ Nhĩ Kỳ tại Rome. Bây giờ, họ đã làm được điều đó đến tận hai lần, chi trong trong hai trận đấu cùng thành tích giữ sạch lưới trong cả 3 trận vòng bảng.
Nếu cố tìm kiếm công thức ma thuật bí ẩn gì về sự trỗi dậy của tuyển Italy, hẳn bạn sẽ thất vọng khi nhận được câu trả lời từ các tuyển thủ. "Đội bóng này chả có bí mật gì. Chúng tôi chỉ có sự nhiệt tình trong và ngoài sân cỏ. Đây là một tập thể rất quyết tâm", tiền vệ Nicolo Barella khẳng định như thế sau trận thắng Thụy Sĩ.
Thực tế Barella không nói sai. Cách người Italy chơi bóng cũng chẳng phải cách tân gì, khi tuyển Pháp, Bồ Đào Nha hay Đức đều đã thống trị thế giới và châu Âu theo những triết lý tương tự. Chỉ là NHM thấy lạ, khi nhìn hình ảnh một Azzurri chơi bóng phóng khoáng, quyến rũ và cuốn hút đến vậy.
Nhắc về tuyển Italy, NHM Việt Nam hay toàn thế giới sẽ nghĩ ngay đến điều gì ? Rất nhiều trong số đó sẽ là hình ảnh về chiến thuật phòng ngự trứ danh Catenaccio, về một đội bóng thiên thanh luôn lấy phòng ngự làm kim chỉ nam trên cả việc ghi bàn.
Xứ sở Mỳ ống có thể tự hào vì họ luôn có những lớp HLV rất tài năng và được thế giới thừa nhận qua nhiều thập niên như Antonio Conte, Massimiliano Allegri, Giampiero Ventura hay Claudio Ranieri. Còn lên đến tầm vĩ mô hơn, mang tính cách mạng, Italy đã có rất nhiều những cái tên trứ danh như Arrigo Sacchi, Carlo Ancelotti, Fabio Capello và Marcello Lippi.
Tuy nhiên, cái khó của những HLV sau thời Lippi khi dẫn dắt tuyển Italy chính là "ám ảnh" mang tên phòng ngự. Họ bị "ép" vào một cái khuôn truyền thống, với triết lý phòng ngự số đông chịu trận và phản công ghi bàn. Trong một thế giới bóng đá ngày càng tiến hóa với tốc độ chóng mặt, lối chơi bị động như thế đã bị "đào thải" từ rất lâu rồi.
Đó cũng là hệ quả tất yếu dẫn đến việc tuyển Italy rơi vào những ngày tháng đen tối nhất, khi thất bại trong việc giành vé đến World Cup 2018 và rơi xuống vị trí thấp nhất trong lịch sử trên BXH FIFA.
Đó cũng là thời điểm HLV Roberto Mancini bước lên nhận nhiệm vụ vực dậy ĐTQG quê hương ông đang trong hình thái rệu rã chưa từng thấy. Sự nghi ngờ ư? Rất nhiều chứ, vốn dĩ truyền thông Italy hay NHM chưa từng có niềm tin vào một vị thuyền trưởng mà sao Man City còn mở tiệc ăn mừng ngày ông bị đuổi.
Nhưng Liên đoàn Bóng đá Italy mời Mancio với những toan tính rất cụ thể. Họ thật sự muốn cải cách Azzurri, nhưng vẫn phải giữ được bản chất vốn có. Còn ai phù hợp hơn Mancini, một người mới 54 tuổi, độ tuổi khá phù hợp để dẫn dắt ĐTQG, có kinh nghiệm thi đấu nước ngoài phong phú và từng thi đấu cho tuyển Italy.
"Không kèn, không trống", Roberto Mancini từng bước một lột xác tuyển Italy. Cùng với lớp HLV theo xu hướng mới tại Serie A, Azzurri dưới thời Mancini không còn thi đấu co cụm phòng ngự nữa. Quyền kiểm soát bóng, tốc độ triển khai những miếng đánh cùng khả năng pressing toàn sân giờ đây mới là ưu tiên của đội tuyển Italy.
Cái hay của Mancini không dừng lại ở đó. Bên cạnh những thứ tân thời kể trên, đội bóng thiên thanh vẫn giữ nguyên những tinh hoa truyền thống. Nếu phân tích kỹ, tuyển Italy vẫn chơi phòng ngự, nhưng chỉ khác là họ chủ động cầm bóng để nắm giữ thế trận chứ không phải bị động chịu trận như trước.
Khối phòng ngự của tuyển Italy giờ đây luôn bắt đầu từ gần khu vực giữa sân, với cặp trung vệ Bonucci và Chiellini thi đấu thấp nhất. Tiền vệ trụ của tuyển Italy là Jorginho thi đấu rất gần cặp trung vệ này, với nhiệm vụ vừa bảo vệ trung lộ vừa điều khiển nhịp độ trận đấu. Hai tiền vệ còn lại là Nicolo Barella và Manuel Locatelli được bố trí thi đấu tự do ở hai khu vực hành lang trong (half-space).
Với cách chơi này, nếu đối phương đoạt loại bóng, tuyển Italy sẽ tổ chức đánh chặn từ khu vực giữa sân có diện tích hơn 40 m. Lúc này, quân số áo xanh ở giữa sân sẽ bao gồm từ 3-5 cầu thủ. Để thoát khối pressing đông như vậy, trừ phi bên kia có những cầu thủ xoay chuyển cực tốt như Pogba, Bruno hay Kroos, còn không mọi đường triển khai bóng đều sẽ bị dập tắt nhanh chóng.
Cách chơi này giúp tuyển Italy luôn có thể duy trì áp lực cực lớn lên đối phương, đồng thời giảm đi gánh nặng tranh chấp tay đôi của cặp trung vệ lớn tuổi. Những đối thủ kém hơn như Thổ Nhĩ Kỳ, xứ Wales hay Thụy Sĩ vỡ trận vì họ không có một cá nhân xuất chúng nào ở giữa sân.
Giải quyết xong bài toán về thế trận, các cầu thủ Italy còn triển khai những bài tấn công rất đa dạng. Ở hai cánh, Italy sở hữu những "mũi khoan" giàu tốc độ và tính đột biến như Spinazzola, Insigne hay Berardi. Điểm hay ở chỗ là khi cần, bộ 3 này có thể cắt vào trong, để hai tiền vệ Locatelli và Barella bám ra biên cung cấp thêm một phương án hãm thành cụ thể.
Sự cơ động của Locatelli và Barella chính là mấu chốt để tuyển Italy vận hành trơn tru như vậy. Khi đội bóng thiên thanh có bóng, bộ đôi này sẽ là người chịu trách nhiệm tấn công vào hai nách giữa hậu vệ biên và cặp trung vệ đối thủ.
Chính việc luân chuyển vị trí linh hoạt với những cầu thủ chạy cánh như đã nói ở trên, khiến hàng thủ đối phương bị xô lệch đi rất nhiều bởi họ chẳng biết ai sẽ phải theo kèm cầu thủ nào. Đó cũng là lý do mà một cầu thủ hạng A như Marco Verratti có bình phục hoàn toàn thì cũng chỉ là phương án dự phòng cho Jorginho, bởi tiền vệ PSG không có sự cơ động như Locatelli.
Nếu đặt câu hỏi về đội tuyển nào gây ấn tượng nhất cho đến nay tại Euro 2020, Italy chắc chắn phải là cái tên hàng đầu. Mặc dù vậy, nên nhớ thuốc thử của họ ở vòng bảng Euro 2020, hay tính xa hơn là 30 trận gần nhất đều chưa có tầm vóc xứng tầm. Giai đoạn Knockout của Euro 2020 mới là thước đo chính xác nhất cho những gì Mancini đã làm với tuyển Italy.
Nhưng thất bại cũng chẳng phải vấn đề quá to tát với tuyển Italy. Niềm tin cũng như sự hào hứng khi xem tuyển Italy chơi bóng đã trở lại với NHM xứ mỳ ống. Đó mới chính là thành tựu to lớn nhất mà đoàn quân của HLV Roberto Mancini đạt được tại Euro năm nay. Để tiến về cái đích cuối cùng tại World Cup 2022, họ vẫn cần thêm những cay đắng, khó khăn để trui rèn cho một lứa cầu thủ rất tài năng hiện nay.
Bạn nên quan tâm