Sau khi thế hệ những danh thủ Hồng Sơn, Huỳnh Đức... lần lượt giã từ sân cỏ, sang những năm đầu của thế kỷ 21, bóng đá Việt Nam đón chào một lứa cầu thủ trẻ tài năng bậc nhất trong lịch sử.
Với những người yêu bóng đá ngày ấy, có ai không si mê những vũ điệu của Văn Quyến, có ai không trầm trồ trước bản lĩnh và tài năng của Quốc Vượng. Ngày ấy, những Tài Em, Minh Phương, Công Vinh hay Anh Đức cũng hiếm khi được đóng vai chính. Thế hệ ấy chính là những người giúp cái tên Việt Nam để lại những dấu ấn đầu tiên trên bản đồ bóng đá châu lục khi quật ngã Hàn Quốc 1-0 tại vòng loại ASIAN Cup 2004, với một pha ghi bàn người ta vẫn mô tả là "đẳng cấp thế giới" của Văn Quyến.
Thế hệ vàng ngày ấy giúp Việt Nam đập tan đi mặc cảm khi phải đối đầu với những cường quốc của bóng đá châu lục. Tuy nhiên, thành công lớn nhất của họ chính là khiến người Thái phải khiếp sợ. Ngay cả khi U23 Việt Nam thất bại tại SEA Games 2003 trên sân nhà trước Thái Lan, huyền thoại Kiatisuk Senamuang (số 13) của đối thủ cũng phải thừa nhận: "Chỉ có Văn Quyến mới khiến chúng tôi sợ hãi". (Ảnh: Getty)
Tiến tới SEA Games 2005 tại Bacolod (Philippines), U23 Việt Nam đang trên đỉnh cao phong độ có thừa sự tự tin để đặt mục tiêu giành huy chương vàng. Thầy trò HLV Riedl dễ dàng hủy diệt Singapore và Lào ở 2 lượt trận đầu tiên. Rồi sau đó, chúng ta đánh bại Myanmar với tỷ số 1-0 để giành vé vào bán kết SEA Games 2005. Một chiến thắng ý nghĩa nhưng sau đó lại là một ký ức buồn với bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Getty)
Sau khi thắng U23 Malaysia ở bán kết với tỷ số 2-1, U23 Việt Nam thất bại 0-3 trước Thái Lan ở trận chung kết và chỉ giành tấm huy chương bạc. Và lúc này mọi chuyện bắt đầu được vạch trần.
Đại án bán độ của hàng loạt trụ cột U23 Việt Nam bị phanh phui. Người cầm đầu là Lê Quốc Vượng. Tất cả bắt đầu từ cuộc điện thoại với đàn anh Trương Tấn Hải, cựu cầu thủ CLB Cảng Sài Gòn. Sau 2 chiến thắng hủy diệt trước Lào và Singapore, đã có rất nhiều người đặt cửa thắng đậm cho U23 Việt Nam trước Myanmar. Vì thế Hải muốn thầy trò ông Riedl thắng tối thiểu. (Ảnh: Getty)
Hải hứa sẽ trả cho mỗi cầu thủ 20-30 triệu đồng nếu thành công. Vậy là Quốc Vượng lôi kéo theo Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh, Châu Lê Phước Vĩnh, Lê Bật Hiếu, Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương, những trụ cột hàng đầu của U23 Việt Nam ngày ấy. (Ảnh: Getty)
Khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, người để lại nhiều tiếc nuối nhất chính là Văn Quyến. Tài năng "trăm năm có một" của bóng đá Việt đã phải nhận án treo giò 4 năm. Người cầm đầu Quốc Vượng bị treo giò 5 năm. Còn Quốc Anh, Phước Vĩnh, Hải Lâm cùng Bật Hiếu nhận án treo giò 3 năm. (Ảnh: Getty)
Những hình ảnh của các cầu thủ khi bị áp giải trở thành nỗi ám ảnh và nỗi buồn không thể gột rửa trong lịch sử bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Getty)
Sau 2 năm mãn hạn án treo, Văn Quyến trở lại với bóng đá chuyên nghiệp một thời gian ngắn trong màu áo SLNA và Ninh Bình. Tuy nhiên, sự nghiệp của anh lại kết thúc theo một cách nghiệt ngã nhất. Năm 2014, một số cầu thủ của Ninh Bình bị bắt vì bán độ, khiến đội bóng này rơi vào tình cảnh hỗn loạn. Văn Quyến quyết định giải nghệ vào cuối năm đó. (Ảnh: Getty)
Quốc Vượng cũng có một thời gian thi đấu đỉnh cao cho Hà Tĩnh và sau đó là Thanh Hóa. Tuy nhiên, những năm tháng cuối sự nghiệp, Quốc Vượng liên tục vướng phải những rắc rối liên quan đến chuyện tiền bạc. Anh giải nghệ năm 2013 và làm việc cho một công ty vận tải để lo cho gia đình nhỏ của mình.
Năm 2018, thế hệ vàng tiếp theo của Việt Nam hành quân tới Bacolod để đối đầu với Philippines tại bán kết AFF Cup. Trước giờ bóng lăn, nhân viên an ninh thuộc C45 đi theo đội tuyển cũng đã có buổi họp để nhắc nhở thầy trò HLV Park Hang-seo về ký ức buồn tại Bacolod năm 2005. Hy vọng, một chiến thắng sẽ giúp người hâm mộ phần nào quên đi ký ức buồn tại đây.
Hành trình vào bán kết của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018