UFC: Đế chế độc quyền đáng sợ của làng MMA thế giới

AB , 23:21 13/07/2021 | Võ thuật

Chia sẻ

Thống kê năm 2019 cho thấy, trung bình mỗi lần võ sĩ lên đài giúp UFC thu về 830 nghìn USD.

Một năm rưỡi qua, làng MMA thế giới khốn khổ bởi tác động của dịch Covid-19. Vô số sự kiện bị hủy bỏ thậm chí nhiều sân chơi còn chấp nhận việc bị xóa sổ hoàn toàn. Tuy nhiên, UFC thì khác.

Giải MMA lớn nhất thế giới vẫn sống khỏe. Ngoại trừ một tháng đầu tiên phải tạm dừng, UFC đã tổ chức các trận đấu đều đặn từ đó cho tới nay. Hồi năm ngoái, họ còn thông báo khoản doanh thu kỷ lục. Dịch bệnh tạo ra hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng UFC đơn giản quá mạnh để thất bại. Họ giờ là số 1, là đế chế độc quyền của làng MMA.

Thông thường, một công ty được cho có sức mạnh thị trường nếu họ sở hữu ít nhất 50% thị phần. Theo hồ sơ trong vụ kiện chống độc quyền liên quan tới UFC, doanh nghiệp này sở hữu 90% thị phần, cả tại Mỹ lẫn toàn thế giới. Hiểu nôm na rằng, cứ 1 USD chảy vào túi các giải MMA, 90 cents trong đó đến với UFC.

Có một chỉ số được sử dụng để đánh giá sự tập trung thị trường, được gọi là Herfindahl–Hirschman Index (HHI). Tại đây, cán cân được tính theo thang từ 0 cho tới 10.000. Nếu điểm HHI dưới 1.500, hiện tượng tập trung thị trường không xuất hiện. Dù vậy, tại làng MMA, con số này vượt trên 8.000, chỉ dấu cho việc có một doanh nghiệp đang thao túng thị trường.

UFC: Đế chế độc quyền đáng sợ của làng MMA thế giới - Ảnh 1.

UFC là giải MMA số 1 thế giới

Không chỉ những con số kinh tế, UFC còn vượt trội về danh tiếng và sức ảnh hưởng. Fight Matrix sở hữu BXH khá "tín" tại làng MMA. Trong tất cả hạng cân của họ, võ sĩ đến từ UFC đều đứng vị trí số 1. Nếu tính cả những võ sĩ trong Top 10, con số này rơi vào khoảng 88%. Tính rộng đến Top 25, UFC vẫn chiếm tới 74% võ sĩ. Và vì thế, những cái tên giỏi nhất hầu hết đều muốn ký hợp đồng với UFC, ít nhất trong một khoảng thời gian ngắn.

Một điều hiển nhiên: nếu bạn sở hữu mặt hàng tốt (các võ sĩ chất lượng), bạn sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Nếu họ tranh đai, sự chú ý còn khủng khiếp hơn nữa. Tính tới thời điểm này, UFC vẫn đang giữ kỷ lục về sự kiện MMA bán được PPV khủng nhất. Đó là 2,4 triệu PPV cho kèo Khabib vs McGregor vào năm 2018.

Có những võ sĩ giỏi nhất, tiếng vang lớn nhất, không bất ngờ nếu UFC thu về khoản lợi nhuận khủng khiếp. Năm 2019, UFC kiếm về gần 860 triệu USD cho 517 trận đấu. Mỗi màn so tài có 2 võ sĩ, tức là tổng cộng 1.034 lần lên đài. Do đó, khoản doanh thu trung bình UFC kiếm được từ mỗi lần võ sĩ thượng đài là 830 nghìn USD, một con số khổng lồ.

So sánh với Belltor, đối thủ số 2 của UFC tại thị trường Mỹ. Năm 2019, giải đấu này chỉ có lợi nhuận vào khoảng 80 triệu USD sau 495 trận đấu. Tính ra, số tiền tạo ra từ một lần thượng đài chỉ hơn 80 nghìn USD.

Như vậy, UFC tạo ra con số cao hơn gấp 10 so với đối thủ. Số liệu từ vụ kiện chống độc quyền UFC đang tham gia tiết lộ giải đấu sử dụng khoảng 20% lợi nhuận để trả cho các võ sĩ (tiền lương + các khoản bồi thường). Trong khi đó, Bellator sử dụng tới 45%. Nhưng thế vẫn là không đủ, trung bình mỗi võ sĩ UFC vẫn bỏ túi nhiều hơn gấp 5 lần so với Bellator.

UFC: Đế chế độc quyền đáng sợ của làng MMA thế giới - Ảnh 2.

UFC có doanh thu cao gấp 10 Bellator trong năm 2019

Các giải đấu MMA khác đều tạo ra lợi nhuận thấp hơn Bellator, con số chênh lệch thậm chí còn cao hơn nhiều.

Vậy làm thế nào để các giải đấu khác bắt kịp được với UFC? Câu trả lời có lẽ là việc chiêu mộ những cái tên hàng đầu, nhằm tăng sự chú ý của cộng đồng. Tuy nhiên, việc này không đơn giản, bởi bạn cần chi rất nhiều để mang về hàng loạt những cái tên đẳng cấp, thay vì một người. Bởi những võ sĩ giỏi luôn cần thử thách xứng tầm. Cũng giống như một đội bóng, bạn không thể giành chức vô địch chỉ với một ngôi sao duy nhất.

Vị thế lúc này của UFC đã quá mạnh. Họ có một lượng võ sĩ quá nổi tiếng và luôn có chủ đề để các fan bàn tán, từ McGregor, Khabib cho tới Jon Jones, Ngannou hay Adesanya... Ai trong số này đều có sức hút và sở hữu tài khoản cá nhân lên tới hàng triệu người.

Bất kể giải MMA nào cũng có cho mình chiếc đai vô địch riêng nhưng chẳng có chiếc nào danh giá bằng của UFC. Nghe có vẻ tàn nhẫn nhưng điều này là sự thật. Khi chia sẻ ước mơ, phần đông đều có chung câu trả lời là: "góp mặt tại UFC và giành được đai vô địch". Tờ Bloody Elbow thừa nhận "tất cả các nhà vô địch khác chỉ được thừa nhận là nhà vô địch hợp pháp nếu đánh bại được nhà vô địch UFC mà thôi".

Để quản lý và duy trì một cỗ máy độc quyền như UFC, bộ máy đứng đầu tại đây đều là những cá nhân kiệt xuất. Họ biết cách tạo drama, biết cách đánh bóng tên tuổi. Nhờ đó những McGregor, Jon Jones, Ronda Rousey, GSP, Brock Lesnar được toàn thế giới biết tới. Đây cũng là nhóm võ sĩ kiếm về nhiều nhất cho giải đấu. Theo một báo cáo của UFC, một nhóm 13 võ sĩ đã giúp giải đấu thu về 67% lượng mua PPV trong giai đoạn từ 2006-2015.

Thống kê độc lập tới từ chuyên gia Paul Gift cũng cho kết cả tương đồng. UFC có một nhóm võ sĩ "tinh hoa" gồng gánh doanh thu cho giải đấu. Theo Gift, 15 võ sĩ thu về 50% doanh thu cho giải đấu.

UFC: Đế chế độc quyền đáng sợ của làng MMA thế giới - Ảnh 3.

UFC sơ hữu quá nhiều võ sĩ nổi tiếng

Không dễ để xác định một võ sĩ trẻ liệu có trở thành siêu sao trong tương lai hay không. Tuy nhiên, có một số điều kiện cần cho việc này. Đó là: trở thành số 1 tại hạng cân của mình, có một lượng fan cực lớn đồng thời đánh bại các siêu sao khác. UFC là bệ phóng không thể hoàn hảo hơn cho các võ sĩ làm điều này, hơn bất kỳ giải đấu nào khác.

UFC cũng phải trải qua một hành trình dài để có được vị thế như hiện tại. Năm 2001, Zuffa mua lại giải đấu và tốn hàng chục triệu USD để gây dựng tên tuổi cho giải đấu, đối chọi lại với Pride FC nổi như cồn thời điểm đó.

Họ cũng mất 10 triệu USD để sản xuất chương trình truyền hình thực tế riêng mang tên Ultimate Fighter, sân chơi tạo tiếng vang cực lớn vào thời điểm ra mắt. Những thành công liên tiếp giúp UFC thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ trong thời gian ngắn. Họ không phải tốn quá nhiều % lợi nhuận để trả cho các võ sĩ nhưng vẫn đủ để vượt các đối thủ còn lại.

Năm 2006, UFC thu về con số đủ để trả tất cả khoản lỗ trong những năm trước đó. Một năm sau, họ dùng 200 triệu USD để trả cổ tức cho các cổ đông. Quãng thời gian tiếp theo, nhận ra lợi nhuận có thể mang lại từ MMA, rất nhiều giải đấu khác mọc lên. Tuy nhiên, UFC vẫn duy trì được lợi thế của mình, với khoản doanh thu tăng lên mỗi năm.

Tại làng quyền Anh của Mỹ, đạo luật cải cách quyền Anh Muhammad Ali được ra đời để giúp bảo đảm quyền lợi cho các võ sĩ, ngăn chặn tình trạng độc quyền của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Nhờ đó, làng quyền Anh trở nên cân bằng hơn, giảm thiểu tình trạng chèn ép. Tuy nhiên, đạo luật này không áp dụng cho MMA.

Chính vì điều này, UFC thoải mái thể hiện quyền lực. Họ có thể ký rất nhiều hợp đồng độc quyền trong thời hạn rất dài, vẫn có hiệu lực bất chấp võ sĩ đã giải nghệ như trường hợp của GSP. Họ cũng có thể sử dụng các võ sĩ ngôi sao đang có của mình để chèo kéo những VĐV khác, đưa ra những lời hứa hẹn. Đó là lý do tình trạng "độc quyền" xuất hiện tại làng MMA.

Tất nhiên, việc UFC thâu tóm làng MMA không có nghĩa là họ sai luật. Câu hỏi liệu UFC có vi phạm luật chống độc quyền không vẫn chưa được tòa án liên bang Mỹ giải đáp. Từ giờ tới lúc đó, họ có thể thoải mái tận hưởng quyền lực của mình.