Hẳn tất cả vẫn chưa quên trận đấu với Malaysia năm 2014. Sau chiến thắng 2-1 tại Rajamangala, Việt Nam tự tin sẽ nghiền nát đối thủ tại Mỹ Đình để tiến vào chung kết. Không ai có thể ngờ, đó lại là một đêm đẫm nước mắt khi đội quân của Toshiya Miura nhận 2 bàn thua chóng vánh chỉ trong vòng 16 phút. Và khi hiệp 1 kết thúc, mành lưới của Trần Nguyên Mạnh rung lên 2 lần nữa để cuối cùng, chúng ta thua với tỷ số 2-4. Giấc mộng vàng kết thúc theo cách cay đắng nhất có thể.
Ý nghĩ về một thất bại tương tự đã len lỏi trong tâm trí không ít người hâm mộ Việt Nam trong đêm thứ sáu. Ngay cả chiến thắng hoàng tráng trước Lào cũng không thể trấn an họ. Đơn giản vì quá nhiều lần, ĐT Việt Nam mang đến những tiếng thở dài sau khi gieo rắc hy vọng…
…và tất cả đã vỡ òa khi tiếng còi cuối cùng cất lên.
Không có bi kịch hay những giọt nước mắt ở Mỹ Đình. Trong buổi tối lung linh huyền ảo, dưới ánh đèn flash của hàng nghìn chiếc điện thoại, chỉ có nụ cười chiến thắng, nắm đấm giơ cao của Công Phượng, cánh tay dang rộng của Anh Đức cùng tiếng hò reo không dứt của 4 vạn khán giả. Kéo theo đó là một đêm mất ngủ của người hâm mộ, ở một đất nước khao khát chức vô địch đến cháy bỏng và luôn phải chờ đợi quá lâu.
Trên sân nhà, song các học trò của HLV Park Hang Seo đã không có một màn trình diễn đặc biệt hay, cũng không tạo nên thế trận áp đảo. Họ chỉ kiểm soát bóng 36%, một cái gì đó trái ngược với những gì đã xảy ra ở trận mở màn gặp Lào, khi chúng ta cầm bóng hơn 80%.
Nhưng Việt Nam vẫn thắng. Một chiến thắng thuyết phục, và không hề có sự tham gia của may mắn. Kỳ lạ phải không?
Không. Tuyển Việt Nam đã cho thấy sự trưởng thành. Những "ngôi sao vàng" bắt đầu chơi như một đội bóng lớn, luôn biết làm thế nào để giành chiến thắng, và chiến thắng theo nhiều cách.
Như tại Lào cách đây một tuần, thầy trò Park Hang Seo dễ dàng tấn công áp đặt, sau đó thu về 3 điểm đầu tay. Còn ở đây, trước Malaysia, họ nhường bóng cho đối thủ và chơi phòng ngự. Nói cách khác, Việt Nam không kiểm soát bóng, nhưng kiểm soát thế trận. Mỗi khi đội khách có bóng, lập tức có 3, hoặc 4 bóng áo đỏ vây ráp, cướp lại hoặc thu hẹp khoảng trống.
Đó là lý do người Mã có bóng, nhưng không thể làm gì với nó. Ngoài cú đá phạt hàng rào phút 58, họ hầu như không tạo ra một cơ hội nguy hiểm. Và cũng liên tục chuyền sai địa chỉ. Có lúc Malaysia thoát xuống cánh thành công, song các cú tạt sau đó dễ dàng bị bộ ba trung vệ, gồm Ngọc Hải, Đình Trong và Duy Mạnh, hóa giải.
Trong khi đó, chỉ với 2 tình huống tăng tốc và phối hợp, Việt Nam trừng phạt đối thủ bằng 2 bàn thắng đẹp mắt. Một đến từ pha lên bóng bên cánh trái, kết thúc với cú vẩy má ngoài của Công Phượng. Còn một, là pha dứt điểm rất ngọt của lão tướng Anh Đức sau đường chọc khe tinh quái của Văn Đức.
Trong một sự liên tưởng, Việt Nam giống như tuyển Pháp tại World Cup 2018. Les Bleus không đại diện cho thứ bóng đá tấn công đẹp mắt. Họ đến và chinh phục thế giới bằng sự khiêm nhường, thực dụng, sẵn sàng nhường thế trận cho đối thủ nếu cần thiết nhưng luôn nắm trong tay chìa khóa để kết liễu đối thủ.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, đặc biệt là giữa Việt Nam và Pháp tồn tại một khoảng cách rất xa. Tuy nhiên trên khía cạnh nào đó, Những ngôi sao vàng đang tiếp cận AFF Cup theo hướng tương tự. Didier Deschamps đã học hỏi từ thất bại ở EURO 2016. Còn Park Hang Seo, dù chỉ mới đến Việt Nam hơn 1 năm nhưng đã biết rõ các hạn chế cản trở Việt Nam tới thành công bấy lâu.
Đội tuyển của chiến lược gia 59 tuổi bây giờ là một tập thể đầy bản lĩnh, tiến lui tùy ý và sở hữu đa dạng vũ khí. Tại Mỹ Đình, Việt Nam ghi bàn bằng các pha phối hợp xuống cánh hoặc trung lộ. Một tuần trước ở Lào, đó lại là các bàn thắng từ đá phạt, đánh đầu hoặc pha chớp thời cơ từ sự hỗn loạn.
Pháp đã đăng quang ở World Cup 2018, liệu Việt Nam có thể vô địch AFF Cup, lần đầu tiên sau 10 năm? Khi các cầu thủ bắt đầu chơi với bản lĩnh, sự tự tin, có khả năng làm chủ cuộc chơi và biết cách để chiến thắng, câu trả lời: VÂNG, CHÚNG TA CÓ THỂ.