Fanpage chính thức của Cerezo Osaka đăng thông tin Văn Lâm gia nhập đội bóng vào sáng nay (30/1). Không chỉ trong nước, người Việt ở Nhật Bản bày tỏ sự hào hức và quan tâm lớn đến thông tin này.
Bên cạnh những lời chúc mừng, hẹn gặp ở Osaka, nhiều người bình luận trêu chọc thủ môn sinh năm 1993 bằng những thuật ngữ vốn chỉ dành cho cộng đồng người Việt ở Nhật hiểu.
Tài khoản tên Thiện bình luận: "Khoan đã bộ đội anh Lâm nha, còn nghiệp đoàn và otit nữa".
Thuật ngữ "nghiệp đoàn", "otit" để chỉ tổ chức đại diện và hỗ trợ quyền lợi cho người lao động ở Nhật Bản. Trong khi đó, thuật ngữ "bộ đội" do chính cộng đồng người Việt tạo nên.
"Bộ đội" là từ lóng nhiều người Việt Nam sử dụng chỉ các lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Nhật. Những người này thường làm việc ban đêm hoặc trong nhà xưởng khép kín. Vì là lao động bất hợp pháp nên để tránh bị săm soi, họ phải hoạt động theo nguyên tắc "ẩn nấp", "du kích" giống với bộ đội Việt Nam thời chiến.
Ở nhiều bình luận khác, người dùng Việt Nam còn nhắc đến các thuật ngữ như "tăng ca", "baito". Tài khoản Trần Duy nửa hỏi nửa đùa: "Không biết Đặng Văn Lâm đi đơn này tăng ca có nhiều không mọi người nhỉ?".
Người lao động Việt Nam ở Nhật Bản không lạ gì với chuyện tăng ca. Theo Luật lao động Nhật Bản, mỗi giờ làm thêm sẽ có thu nhập bằng 130% giờ làm bình thường. Nếu làm đêm, ngày nghỉ, ngày lễ thì tiền lương mỗi giờ có thể lên tới 200% bình thường. Chính vì vậy, tăng ca là nguồn thu tài chính rất lớn cho người lao động ở Nhật Bản.
Thuật ngữ "baito" thì chỉ công việc bán thời gian, ngoài giờ làm việc chính. Chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản thuộc hàng đắt đỏ trên thế giới, việc phải làm thêm cũng không còn là chuyện lạ với những du học sinh, người lao động Việt.
Cuộc sống ở Nhật Bản có nhiều điều khác biệt so với Đông Nam Á. Thậm chí, việc mua sim hay lắp wifi cũng được người Việt ở Nhật khuyên nên cẩn thận để tránh gặp rủi ro.
Những bình luận trên dĩ nhiên chỉ là bông đùa nhưng cũng mở ra những kiến thức về xã hội ở Nhật Bản. Thủ môn Đặng Văn Lâm sẽ không gặp nhiều khó khăn khi được Cerezo Osaka hỗ trợ.
Một số tuyển thủ Nhật Bản như Chanathip Songkrasin, Theerahon Bunmathan,… cũng mất thời gian vài tháng để thích nghi với cuộc sống nơi đây. Cách đây 5 năm, Công Phượng, Tuấn Anh cũng có 1 năm sinh sống ở Nhật, đó đều là những người Văn Lâm có thể hỏi thêm kinh nghiệm để sinh sống ở xứ sở mặt trời mọc.
Hiện tại, Văn Lâm vẫn đang chờ Nhật Bản mở cửa để có thể bắt chuyến bay từ Thái Lan. Khi đến Nhật Bản, anh phải cách ly 14 ngày theo quy định, sau đó làm kiểm tra y tế rồi mới ngồi vào bàn ký hợp đồng với Cerezo Osaka.
J.League 1 mùa 2021 sẽ khởi tranh vào ngày 28/2. Với tình hình hiện tại, Văn Lâm nhiều khả năng sẽ lỡ vài vòng đấu đầu tiên để có thời gian thích ứng với đội bóng mới.
Văn Lâm gửi lời cảm ơn đến người hâm mộ Việt Nam