Trận Anh gặp Iran kết thúc sau 118 phút đồng hồ. Tưởng chừng chỉ có hiệp 1 trận này cần nhiều phút bù giờ vì chấn thương của thủ thành Beiranvand. Nhưng không, các trận còn lại đều như vậy.
Trận khai mạc Qatar vs Ecuador được bù giờ tổng 2 hiệp là hơn 10 phút, trận Senegal vs Hà Lan bù giờ hơn 11 phút 30 giây còn trận Mỹ và Xứ Wales có khoảng hơn 14 phút 30 giây bù giờ. Thậm chí ngay trong chính trận Anh vs Iran, khán giả ngỡ ngàng ngơ ngác không hiểu hiệp 2 có chuyện gì mà bù giờ đến 10 phút. Tổng cộng, ta có đến hơn 64 phút bù giờ đã được thêm vào chỉ sau 4 trận.
Lý giải cho việc này là FIFA đã đưa vào áp dụng các biện pháp nhằm tối đa hóa thời gian thi đấu. Huyền thoại Pierluigi Collina, người đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban Trọng tài FIFA phát biểu: “Chúng tôi muốn tránh các trận đấu chỉ có hơn 40 phút bóng lăn. Vì vậy, thời gian thay người, phạt đền, ăn mừng, xử lý y tế hay tất nhiên là thời gian VAR kiểm tra, đều phải được bù giờ”.
“Công nghệ bắt việt vị bán tự động (SOAT) cũng tham gia vào việc tiết kiệm thời gian. SOAT sẽ giúp đưa ra các quyết định việt vị nhanh hơn và chính xác hơn. Không có nghĩa là quyết định được đưa ra tức thời. Nhưng nó sẽ mất ít thời gian hơn bây giờ".
Hệ quả của việc bù giờ lâu có thể thấy ngay: các cầu thủ ghi bàn vào thời điểm chưa từng xuất hiện đối với các trận đấu vòng bảng không có hiệp phụ.
Tuy nhiên, nó cũng có những mặt tiêu cực. Đã có cầu thủ nằm sân, chuột rút trong thời gian cuối trận. Đó là tuyển thủ xứ Wales Ethan Ampadu, anh phải rời sân ở phút 90+5’.
Vấn đề thời lượng bóng lăn quá ít không mới. Mỗi trận đấu trung bình chỉ có hơn 50 phút bóng lăn, còn lại là thời gian của luật lệ. Năm 2017, Hội đồng bóng đá Quốc tế (IFAB) từng đề xuất rút gọn thời gian thi đấu xuống còn 60 phút, chỉ bấm giờ sống như nhiều môn thể thao khác nhằm hạn chế hành vi câu giờ. Nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng nhiều ý kiến phản đối. Họ cho rằng kể cả rút xuống 60 phút, cầu thủ nếu muốn vẫn sẽ tìm ra cách để câu giờ.