Tình cảnh tài chính Barcelona
Trước Raphinha, Barcelona cũng đã ký hợp đồng theo dạng chuyển nhượng tự do với trung vệ Andreas Christensen từ Chelsea và tiền vệ Franck Kessie từ AC Milan. Thậm chí, có thông tin cho rằng chủ tịch Barca Joan Laporta muốn sự phục vụ của Cesar Azpilicueta ở sân Nou Camp. Ngoài ra, những tin đồn về tiền đạo Lewandowski vẫn chưa hết nóng.
Như chúng ta đã biết, Barcelona vẫn đang nợ 1,3 tỷ euro và có quỹ lương âm đến 144 triệu euro theo thông tin của La Liga. Đội bóng này còn phải chi đến 560 triệu euro để trả lương cho các cầu thủ hiện tại. Phó chủ tịch Barcelona thậm chí còn nói rằng đội bóng này 'đã chết lâm sàng'. Tuy nhiên, "Blaugrana" vẫn liên tiếp mang về những bản hợp đồng mới và thậm chí còn tuyên bố không muốn bán Frenkie de Jong cho MU. Tại sao họ lại có thể làm như vậy?
Về mặt lý thuyết, Barcelona sẽ không thể đăng ký những tân binh cho mùa giải mới vì không đáp ứng được những yêu cầu về mặt tài chính. Quỹ lương là khái niệm mà La Liga gọi tất cả khoản tiền họ cho phép một đội bóng đầu tư cho đội hình chính, bao gồm tiền chuyển nhượng, lương và thưởng. Ban lãnh đạo giải đấu này khuyên các đội bóng không nên chi nhiều hơn 60% thu nhập của CLB.
Nếu đội bóng nào không đáp ứng được những quy định về tài chính, họ sẽ không được đăng ký cầu thủ mới. Mọi thủ tục đều được thực hiện trên máy tính, vi phạm luật công bằng tài chính là không được thêm cầu thủ. Do đó, cách duy nhất để Barcelona có thể sử dụng các tân binh đó là tìm mọi cách để gia tăng thu nhập trong thời gian ngắn. Đó gần như là yêu cầu bắt buộc của đội bóng này vì nếu không thể đạt thành tích trên sân cỏ, Barcelona có thể đối mặt với nguy cơ phá sản.
Những đòn bẩy kinh tế của Joan Laporta
Barcelona có quỹ lương âm đến 144 triệu euro nhưng đây là con số ở mùa giải năm ngoái. Họ vẫn có nhiều thời gian để tìm kiếm thu nhập, bù trừ vào khoản lương bị âm. Để đáp ứng những yêu cầu tài chính của La Liga, Barcelona đã sử dụng rất nhiều đòn bẩy kinh tế được gọi là palancas.
Điều đầu tiên, Barcelona cố gắng bán 25% số tiền bản quyền truyền hình 25 năm sắp tới của họ, một hình thức lấy dài nuôi ngắn. Cách này đã giúp đội bóng xứ Catalan bước đầu có thu nhập khi kết thúc năm tài khóa. Cụ thể, Barcelona đã bán 10% bản quyền truyền hình 25 năm để thu về 207,5 triệu euro, trong khi số tiền bản quyền trong từng ấy năm trị giá đến 400 triệu euro. Như vậy, họ chấp nhận mất trắng một nửa giá trị tiền bản quyền truyền hình trong tương lai để có tiền lo liệu cho hiện tại.
Barcelona kỳ vọng có thể bán được 15% còn lại để mang về khoản tiền gần 400 triệu euro. Với việc bán 25% tiền bản quyền truyền hình 25 năm tới, Barcelona có thể thu về gần 600 triệu euro. Khoản tiền này vẫn chưa đủ để giải quyết quỹ lương âm và quỹ lương đang trả cho cầu thủ (~ 700 triệu euro) để cân bằng cán cân tài chính.
Tuy nhiên, chủ tịch La Liga Javier Tebas cho biết Barcelona chỉ cần có khoản thu nhập 500 triệu euro là có thể tiếp tục mua bán cầu thủ. Đây là chính sách nới lỏng của La Liga với các đội bóng trong thời kỳ đại dịch. Nếu chưa đủ 700 triệu euro, Barcelona chỉ được chi tiền mua cầu thủ theo quy tắc làm ra 4 đồng thì mới được đầu tư 1 đồng.
Để có thêm khoản tiền thỏa mãn luật công bằng tài chính, Barcelona cũng nghĩ đến việc bán 50% cổ phần của BLM - công ty được lập ra để nắm thương quyền của đội bóng này. Nếu đủ 700 triệu euro, Barcelona sẽ được dùng tất cả thu nhập dôi dư để đầu tư vào cầu thủ - mục đích lớn nhất của chủ tịch Joan Laporta.
"Chúng ta phải bảo vệ những đòn bẩy kinh tế để có thể hướng đến mục tiêu chi tiền đầu tư cho đội bóng theo tỷ lệ 1:1", ông Joan Laporta cho biết.
Bên cạnh đó, Barcelona cũng tìm kiếm thu nhập thông qua việc bán tên sân Nou Camp hoặc thuyết phục các cầu thủ giảm lương. Dembele và Sergi Roberto đang được đàm phán gia hạn với mức lương bị cắt giảm. Những trụ cột lâu năm của đội bóng cũng có thể chấp nhận giảm lương để giúp đỡ ban lãnh đạo.
Riêng trường hợp của Frenkie de Jong, cầu thủ người Hà Lan muốn ở lại nhưng không chấp nhận việc đội bóng vẫn còn nợ lương. Nhiều khả năng, Barcelona có thể nhượng bộ trả đủ lương để giữ chân ngôi sao hiếm hoi của đội bóng. Frenkie de Jong ở lại sẽ giúp cho Barcelona hi vọng về một mùa giải khởi sắc - thứ giúp họ tiếp tục có thêm tài trợ và mang về những khoản thu nhập lớn.
Vì luật công bằng tài chính, Barcelona đã mất Messi. Do vậy, họ sẽ không dễ dàng để mất tiếp một trong những cầu thủ quan trọng nhất lối chơi hiện tại. Và điều đó đặt lên đôi vai của Joan Laporta những áp lực khổng lồ để nhanh chóng giải quyết những vấn đề tài chính của đội bóng.