Cả thế giới bóng đá đang mắt tròn mắt dẹt chứng kiến Chelsea liên tục làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng. Bản hợp đồng kỷ lục bóng đá Anh, 106 triệu bảng, với Enzo Fernandez khiến Chelsea cán mốc hơn nửa tỷ bảng cho các tân binh ở mùa giải năm nay.
Nếu chỉ tính ở kỳ chuyển nhượng mùa đông 2023, số tiền The Blues bỏ ra để chiêu mộ dàn sao mới cũng đã lên tới gần 300 triệu bảng, kỷ lục của bóng đá châu Âu.
Trái với những ông chủ người Mỹ vốn nổi tiếng thắt chặt chi tiêu, chủ yếu lấy bóng đá làm kinh tế, Todd Boehly đang thực sự khiến các fan The Blues phát cuồng bởi độ chịu chơi của mình. Nhưng bỏ ra tới hơn 500 triệu bảng mua sắm chỉ trong một mùa, liệu đội chủ sân Stamford Bridge có vi phạm luật công bằng tài chính (FFP)?
Luật FFP của Ngoại hạng Anh cho phép các đội bóng được lỗ 105 triệu bảng trong khoảng 3 năm luân phiên. Các quy tắc luật của LĐBĐ châu Âu (UEFA) lại khác, mỗi đội bóng chỉ được lỗ 53 triệu bảng trong 3 mùa giải liên tiếp. UEFA cũng đưa ra mức hạn chế chi tiêu cho tiền lương, phí môi giới và chuyển nhượng ròng ở mức 90% doanh thu. Con số đó sẽ giảm dần xuống 80% và 70% ở 2 mùa giải kế tiếp.
Kết quả tài chính mới nhất cho thấy Chelsea lỗ 387 triệu bảng trong 3 năm qua. Nhưng tác động lớn của đại dịch Covid-19 lên doanh thu của các đội bóng khiến quy định về FFP được nới lỏng. Ngoài ra, The Blues cũng kiếm được lợi nhuận không nhỏ từ thương vụ bán cầu thủ những năm gần đây.
Nhưng điểm mấu chốt hơn cả, hầu hết các hợp đồng ký với các tân binh của Chelsea đều rất dài hạn. Đơn cử như Mykhailo Mudryk. Ngôi sao người Ukraine ký giao kèo lên tới 8,5 năm, tương ứng mức định giá chỉ hơn 11 triệu bảng/năm. Các trường hợp tương tự cũng diễn ra với Wesley Fofana (7 năm), Benoit Badiashile (6 năm rưỡi), hay Noni Madueke (7 năm rưỡi). Chưa kể, The Blues cũng khôn ngoan cài thêm các điều khoản trả góp. Thương vụ với Enzo Fernandez, Chelsea chỉ trả trước 40 triệu bảng cho Benfica và số tiền còn lại sẽ được thanh toán dần trong 5 đợt tiếp theo.
Tất nhiên, mức phóng tay của Chelsea không thể không khiến UEFA hay LĐBĐ Anh (FA) đưa vào tầm ngắm. Dẫu vậy, các quan chức tài chính của sân Stamford Bridge vẫn tự tin không vi phạm FFP.
"Các hợp đồng được khấu hao trong dài hạn, vượt quá con số 5 năm tiêu chuẩn thông thường, giúp Chelsea dễ đối phó hơn với FFP", Jake Cohen - luật sư thể thao của Mackrell Solicitors - giải thích.
Trong khi tờ talkSPORT bình luận. "Todd Boehly không ngốc. Chelsea không để lại sơ hở nào và đang biến luật FFP thành trò cười".
Theo truyền thông Anh, hành động làm điên đảo trị trường chuyển nhượng của Chelsea khiến nhiều ông lớn tại châu Âu nóng mặt và yêu cầu UEFA thay đổi một số quy tắc trong FFP. Cụ thể, mức phí chuyển nhượng cho một thương vụ sẽ được tính tối đa trong 5 năm đầu tiên. Nhưng điều luật này chỉ dự kiến được áp dụng sau mùa giải năm nay. Còn hiện tại, Chelsea vẫn trong vòng an toàn.
"Chelsea không sai, chỉ là họ đang làm điều đó ở mức rất cao, giống với cách lần đầu tiên Roman Abramovich đến. Chiến lược trên có thể hiệu quả nhưng đội bóng cũng có thể mắc kẹt với những cầu thủ được trả mức thù lao rất cao và không muốn ra đi. Chelsea đang tiêu tiền như một kẻ say xỉn trong sòng bạc. Nhưng chấp nhận rủi ro cũng đồng nghĩa có thể mang lại phần thưởng xứng đáng", Chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire nhận định.
Bạn nên quan tâm