Tôi xem đó là trận đấu ám ảnh nhất từ trước đến giờ. Một ký ức không thể nào quên được, ngay cả trong giấc ngủ tôi cũng chưa bao giờ thôi nghĩ đến nó…
Nhắc đến Trương Cao Minh Phát trong làng võ Việt, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của một chiến binh trẻ đầy tài năng, sở hữu lối đánh máu lửa mỗi khi lên sàn và luôn cháy hết mình với đam mê võ thuật. Chàng võ sĩ gốc Lâm Đồng được nhận định là tên tuổi đầy hứa hẹn đã khẳng định được bản lĩnh và sẽ là thế hệ kế cận tiếp theo nối gót các bậc tiền bối ở bộ môn Muay tại Việt Nam.
Trên hành trình võ thuật đã đi qua, Trương Cao Minh Phát để lại dấu ấn bằng nhiều chiến thắng ấn tượng khi từng đả bại những tên tuổi lão làng nhất trong làng Muay Việt như Nguyễn Doãn Long, Võ Văn Đài và cả "độc cô cầu bại" Nguyễn Trần Duy Nhất. Tưởng rằng, mang theo sự tự tin cùng bản lĩnh đó ra đấu trường khu vực, Minh Phát sẽ làm nên chuyện nhưng ngay từ lần đầu tiên, anh đã nhận về kết cục không như mong đợi.
Võ sĩ Trương Cao Minh Phát
Buổi chiều ngày 05/12/2019 tại Nhà thi đấu Subic Bay Exhibition (Philippines) có lẽ là mốc thời gian khiến Trương Cao Minh Phát chẳng thể nào quên. Nơi đây chính là lần đầu "bơi ra biển lớn" SEA Games của Phát khi đụng độ tay đấm Norapat Khundam của Thái Lan ở hạng cân 63.5kg.
"Để có mặt ở trận đấu này là cả một quá trình 7 năm lăn lộn, một thân một mình từ ngoài quê vô Sài Gòn học tập. Nơi xứ lạ quê người, mình cố gắng tập luyện hàng ngày hàng giờ, phấn đấu suốt một khoảng thời gian rất dài để tranh được suất đi SEA Games.
Năm đó, do không tập trung đội tuyển quốc gia nên mình không nắm rõ về luật, cũng chẳng biết khi đánh có mang giáp, bảo hộ hay không và hầu như không biết nhiều về đối thủ. Mình thật sự gặp nhiều bỡ ngỡ, không chuẩn bị kỹ càng để có thể có được kết quả tốt nhất.
Khi mình thắng anh Nhất, anh Đài thì cảm giác chỉ đánh ở Việt Nam thôi. Còn khi vô đấu trường lớn, đụng đối thủ Thái Lan là sự khác biệt rất rõ. Dù cố gắng đến cỡ nào thì mình cũng không thể đánh trúng, thậm chí không thể chạm vào người võ sĩ Thái Lan được. Cảm giác rất bất lực, đó là trận đấu đen tối nhất trong cuộc đời của Phát".
Cảm giác bất lực của Phát là điều dễ hiểu bởi năm đó, Norapat Khundam thi đấu áp đảo, hầu như biết trước được đối phương sẽ tung ra đòn gì để có cách khắc chế. Võ sĩ Thái Lan ngoài độ lì lợm vốn có thì còn rất tinh quái và linh hoạt trong cách ra đòn nên gây ra nhiều khó khăn cho tay đấm Việt. Sau khi đả bại Trương Cao Minh Phát, Norapat tiến một mạch đến chung kết để giành tấm HCV thuyết phục về cho Thái Lan.
"Trận thua đó là thứ mình không thể quên được, ngay cả trong giấc ngủ, rồi khi vừa thức dậy mình cũng chỉ nghĩ đến nó. Trong 3 năm qua, Phát đã nghiên cứu rất kỹ đối thủ và hình dung ra được mình sẽ đánh như thế nào. Còn quá sớm để nói về kết quả nhưng mình hy vọng sẽ gặp lại chính anh ta hoặc ít nhất là một võ sĩ Thái Lan ở trận chung kết để đòi món nợ, trả lại vết thương năm xưa".
Mặc dù tỏ ra nôn nóng trước viễn cảnh sẽ có dịp tái đấu nhưng Trương Cao Minh Phát cũng rất thận trọng. Những ngày tập luyện tiền SEA Games, anh cùng HLV thường xuyên nghiên cứu nhiều về chiến thuật, đặc biệt là phong cách đánh nghiệp dư vốn hoàn toàn khác biệt so với chuyên nghiệp mà anh từng thi đấu.
"Đánh ở SEA Games vốn dĩ là nghiệp dư nên sẽ bị hạn chế rất nhiều. Khi mình mang giáp, bảo hộ vô thì cơ thể bị gò bó, bị nặng lại, nhiều lúc muốn ra đòn để K.O đối thủ nhưng mà không thể thực hiện được. Đồng thời, do tính điểm từng hiệp nên tốc độ trận đấu rất nhanh, võ sĩ cũng khó quan sát hơn so với đánh chuyên nghiệp dùng đòn chết nhiều.
Trong các đối thủ, Thái Lan vẫn là nước có nhiều võ sĩ sở hữu lối đánh khó chịu nhất. Có thể họ là cái nôi của môn Muay, nhiều khi mình đánh ra đòn gì là họ đã biết trước cả rồi. Nói thật là SEA Games cũng "chua" lắm. Giờ mình chỉ cố gắng làm sao giữ đầu óc nhẹ nhàng nhất để có thể "phiêu" theo trận đấu. Còn tự đặt áp lực quá nhiều cho bản thân thì vô trận cứng đơ, không thể đánh hết khả năng được.
Dự SEA Games kỳ này, rồi không biết có còn đánh kỳ sau nữa được không, cứ cố hết mình thôi, bạc cũng được, vàng thì càng vui hơn.. Giờ Phát chỉ ước ao được một lần được đứng trên bục cao nhất để hát quốc ca Việt Nam là sung sướng lắm. Còn dẫu có thất bại thì cũng không sao vì bước lên đài đã là niềm vui, là chiến thắng được chính bản thân mình rồi".
Minh Phát đang rất quyết tâm trả món nợ SEA Games 30
Trương Cao Minh Phát luôn quan niệm chơi võ vì đam mê và mỗi lần bước lên võ đài là như được sống hết mình với nó. Từng tung hoành khắp các giải đấu trong nước suốt nhiều năm liền nhưng khi ra khu vực, Phát tự nhìn nhận bản thân "chẳng hơn được ai cả". Thất bại đầu đời để lại cho võ sĩ sinh năm 1995 vết thương dai dẳng bởi nó như "cú tát mạnh" để biết mình đang đứng ở đâu và cần phải làm gì để vươn tới đỉnh cao.
Để có một Trương Cao Minh Phát như hiện tại là cả một chặng đường dài đánh đổi nhiều thứ từ gia đình, bạn bè và nhiều mối quan hệ xã hội. Ngày nhỏ tại Lâm Đồng, Phát tập Taekwondo từ năm mẫu giáo, đến năm lớp 2 thì chuyển sang Võ cổ truyền và gắn bó suốt đến năm 17 tuổi. Khi rời quê hương xuống Sài Gòn học tập, Phát dành thời gian tập luyện thêm KickBoxing lẫn Jiu-Jitsu. Tuy nhiên, sau khi lăn lộn và cơ thể "bầm dập" với mọi môn võ, Phát nhận ra thể trạng của mình chỉ phù hợp nhất với Muay Thai.
"Lúc nói với ba mẹ sẽ đi theo con đường võ sĩ chuyên nghiệp. Mình chỉ nhận lại một chữ "không" và cái lắc đầu lạnh lùng. Trong họ hàng, có nhiều anh chị học giỏi văn hóa, chỉ có mình Phát là lang bang nên ba mẹ không thích. Mãi khi đến năm 3, mình tự kiếm tiền tự lo cho bản thân được, không chơi bời và nhận thấy đam mê của mình quá lớn nên lúc đó thì không còn ai ngăn cản nữa. Theo nghiệp võ này thì giống như mình phải cách ly khỏi xã hội. Mở mắt ra thì chỉ có võ, rồi khi lên giường ngủ cũng chỉ nghĩ đến võ mà thôi", Phát chia sẻ.
10 năm qua khi sống một mình tại vùng đất xa lạ, Phát phải tự chu toàn mọi thứ. Thời điểm ban đầu mới tập luyện, chàng võ sĩ trẻ thường không dám về nhà vì lúc thì bị đánh què giò, lúc thì hai mắt bầm tím, thậm chí máu bầm còn tụ cả trong con ngươi, trông không khác gì chú gấu trúc.
Đặc biệt, có quãng thời gian Trương Cao Minh Phát khăn gói sang tận lò của võ sĩ nổi tiếng Thái Lan Sitthichai Sitsongpeenong (người từng knock-out "Đệ nhất Thiếu Lâm" Yi Long) để "tầm sư học đạo". Đó cũng là giai đoạn được xem là kinh khủng nhất trong quá trình tập luyện của võ sĩ Việt Nam.
"Qua bên Thái, mình mua sẵn một bọc thuốc tan máu bầm bự để dùng, ngày thường thì phải 3-4 tháng mới dùng hết, nhưng tập tại đó thì chỉ 1 tháng là hết sạch. Bên đó họ sử dụng nhiều đòn gối, chỏ rất nặng. Hơn nữa, nơi đất khách quê người, thấy mình lạ nên hay bị cảnh ma cũ ăn hiếp ma mới, họ cứ đè mình ra mà đánh. Thậm chí, mình 64kg nhưng còn bị cả võ sĩ nhỏ hơn 10kg đánh "out" luôn.
Mỗi lần tập với thầy của Sitthichai thực sự là một nỗi ám ảnh khủng khiếp. Nếu không tập trung, mình bị ăn "pad" (dụng cụ cầm tay tập võ - PV) vô mặt là chuyện thường, mà đồ bên đó nó rất cứng, từ bao cát, găng, đến cả dụng cụ tập luyện… Mình là thanh niên khỏe mạnh nhưng tập xong thì thú thật chỉ biết quỳ trên sàn đài mà khóc bù lu bù loa vì quá đau đớn. Cảm giác không thể nào diễn tả được. Nhưng nhờ vậy mà mình mới có thể tiến bộ và giỏi lên từng ngày được".
Thông thường, mỗi ngày Phát sẽ bắt đầu tập luyện từ lúc 9h sáng đến 5h chiều. Những ngày cận giải đấu thì cường độ tăng lên nhiều hơn, nghĩa là phải thức dậy lúc 5h sáng chạy bộ quanh cầu Phú Mỹ, Quận 7.
Ngoài ra, một trong những ám ảnh nhất của Phát khi thi đấu đó chính là vấn đề ép cân để đủ số ký quy định. Đỉnh điểm là ép giảm 10kg trong vòng 1 tuần vào năm 2017 khi đấu giải CoCoBay Championship.
"Lúc đó, khi đánh xong giải quốc gia hạng 70kg thì mình vô CoCoBay đánh tiếp, nhưng là ở hạng cân 60kg. Thế là trong 1 tuần đó, mình phải làm sao giảm ký xuống cho bằng được.
Mỗi ngày phải mặc áo mưa chạy bộ, ăn 2 – 3 muỗng cơm, uống ít nước. Đặc biệt là ngày cuối phải nhịn hoàn toàn, nhìn chai nước để trước mặt dù có thèm cỡ nào đi nữa thì cũng không dám mở uống. Mình phải có ý chí và kiên trì giữ lắm, nếu quên chút xíu thôi là cả quá trình cắt cân coi như bỏ. Chắc có lẽ đó là nỗi sợ lớn nhất mà mình phải vượt qua".
Những ngày tháng "bầm dập" đã tôi rèn nên một Trương Cao Minh Phát đầy bản lĩnh như hiện tại. Khoảng thời gian 10 năm không quá dài nhưng với một người võ sĩ nó là sự đánh đổi rất nhiều thứ, trong đó có cả thanh xuân.
"Có nhiều lúc, em sống như có một mình. Bạn bè gọi điện rủ đi chơi nhưng 1 – 2 lần không thấy đâu thì dần dần họ cũng chẳng nhớ tới nữa. Thậm chí, có người yêu mà cũng chẳng thể dành thời gian cho người ta. Nhiều khi biết họ cũng buồn, nhưng không còn cách nào khác, ai thấu hiểu và thông cảm thì sẽ ở lại bên mình, còn không thì vẫn cứ vui vẻ vì cuộc sống võ sĩ là vậy, nó giống như cái nghiệp, chỉ có thể dành thời gian nhiều cho tập luyện và đi đánh nhau".
Không có sự đánh đổi nào là vô nghĩa cả, và Trương Cao Minh Phát cũng chẳng phải ngoại lệ. Trước kia, bố của Phát vốn không hề mong con trai ông dấn thân sâu vào con đường võ thuật chuyên nghiệp. Nhưng kể từ lúc thấy được thành quả mà Phát đạt được, ông đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ.
Tại mảnh sân nhỏ trước nhà tại Lâm Đồng, người bố già ấy đã tự tay lắp ráp một sàn đài thô sơ nhưng vẫn ghi đầy đủ trang trọng dòng chữ TCMP (Trương Cao Minh Phát) chạy dọc quanh dây đài như một niềm tự hào khoe với mọi người rằng: "Nó là con tôi đó"! Sàn đấu tuy nhỏ nhưng là cả tâm huyết mà người bố muốn viết tiếp đam mê cho cậu con trai nay đã là nhà vô địch quốc gia 6 năm liền ở bộ môn Muay Thai.
Trương Cao Minh Phát cho rằng sự đánh đổi nào cũng có giá trị của nó. 10 năm tuổi trẻ qua đi rồi cũng sẽ đến lúc nhận lại được quả ngọt xứng đáng.
"Hồi xưa đâu ai biết mình là ai nhưng bây giờ nhiều lúc đi ra đường người ta gặp mình thì chào hỏi, dù chẳng hề quen biết họ. Có lần đang tập huấn ở Đà Lạt, hay đấu giải ở Nha Trang, đang chạy bộ ngoài đường thì người ta chạy xe ngang qua và la lớn lên: Ê, có phải Trương Cao Minh Phát không? Mình chỉ gật đầu và thầm nghĩ thấy vui trong lòng.
Ở thời điểm dịch Covid, thậm chí nhiều người còn liên hệ để gửi con qua nhờ mình tập kèm riêng rồi họ gửi tiền. Ở quê, mình cũng có phòng tập nhỏ, dù không trực tiếp đứng lớp nhưng người ta vẫn vì cái tên Trương Cao Minh Phát mà tới tập rất đông. Ân tình mà mọi người dành cho mình thật sự lớn hơn nhiều so với tiền bạc.
Nhớ lại khi xưa đi đấu giải, tiền thưởng ở Việt Nam thì ít, đôi lúc cũng tự nghĩ ít vậy làm sao mà sống. Tiền thì chỉ có được lúc thắng 1 – 2 trận thôi chứ đâu ai thắng cả cuộc đời. Nhưng giá trị nhận lại chính là những thứ như trên, người ta biết đến mình, quý mến mình mà tìm đến. Đó là thứ cả cuộc đời mình sẽ nhận được".
Ở tuổi 27, võ sĩ Lâm Đồng vẫn tự nhận bản thân còn non, thậm chí thiếu sót rất nhiều, nhưng vẫn kiên định đi theo con đường võ sĩ chuyên nghiệp. Bệ phóng tại câu lạc bộ SaiGon Sports Club chính là nơi nuôi dưỡng cho ước mơ của Trương Cao Minh Phát trên con đường vươn ra biển lớn. "Phát là chàng trai có hoài bão lớn, có ý chí và bản lĩnh. Sau trận thua SEA Games 2019, Phát có nhiều sự hối tiếc nhưng trong suốt ba năm qua, cậu ấy đã về "rèn giũa" rất nhiều, thay đổi cả tư duy và suy nghĩ để thích hợp với lối đánh tính điểm. Mình và tất cả anh em trong đội tập chung đều tin tưởng Phát sẽ thành công vì ở chàng trai trẻ này ý chí rất kiên cường, nói được là làm được", võ sĩ Nguyễn Kế Nhơn nói về Phát.
Minh Phát của hiện tại là con người "sống đơn giản, chơi võ thì hết mình với đam mê". Đôi khi bị đánh đến chảy máu mũi thì anh vẫn đón nhận nó như một thú vui của một người võ sĩ, chưa kể "máu càng chảy nhiều thì đánh càng hăng". Sau tất cả cay đắng và vinh quang, chàng võ sĩ trẻ trải lòng rằng chính cú sốc khi mẹ qua đời cách đây gần 2 năm đã biến anh trở thành một con người hoàn toàn khác.
"Mẹ mất nhưng mình không thể ở bên cạnh được. Một năm sau đó mình buông bỏ tất cả, ngồi một mình trong phòng như thằng tự kỷ, không nói chuyện với ai, ngày tết cũng chẳng đi đâu ra ngoài. Nhưng rồi mình nghĩ lại, không thể cứ sống mãi như vậy được. Mình phải quyết tâm thay đổi và cố gắng để không phụ lòng mẹ.
Dưới quê, nhiều người nghèo khổ không có tiền đi tập, mình sẵn sàng miễn giảm học phí. Có lúc dẫn họ xuống đây (Sài Gòn - PV) coi mình đấu, mình có đấu thua đi nữa thì vẫn lấy tiền thua đó cho họ và nói rằng đó là tiền của câu lạc bộ hỗ trợ. Làm những việc như vậy khiến bản thân thấy rất dễ chịu, với Phát cho đi là còn mãi. Chỉ tiếc rằng khi có chút thành quả nhỏ trong cuộc đời rồi, nhưng quay lưng nhìn lại thì mẹ đã không còn. Buồn, buồn lắm chứ nhưng phải cố gắng để bước tiếp con đường võ sĩ mà mình đã chọn".