VPF phúc đáp các CLB về việc họp bất thường
Cuối tháng 8/2021, CLB HAGL, Hải Phòng, SLNA, Bình Dương, Nam Định và Quảng Nam có ý kiến đề nghị VPF họp bất thường. Trước đó, các CLB mâu thuẫn lớn với HĐQT VPF về việc tiếp tục hay huỷ V.League, Giải hạng Nhất, Cúp quốc gia 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh.
6 CLB muốn họp để kiện toàn bộ máy Hội đồng quản trị, lựa chọn lãnh đạo phù hợp điều hành công ty. Ngoài ra, cuộc họp hướng tới chấn chỉnh những mặt yếu kém, thiếu sót trong quản lý điều hành công ty của HĐQT.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú chưa thể phản hồi ngay với các CLB do bận cùng đội tuyển futsal Việt Nam tham dự FIFA Futsal World Cup 2021 ở Lithuania. Đến ngày 26/9, chủ tịch Trần Anh Tú có văn bản phúc đáp yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường.
"Việc yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường của Quý cổ đông không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3, 4 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 3 Điều 24 Điều lệ Công ty VPF. Do đó, yêu cầu của Quý cổ đông không thuộc trường hợp triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường của Hội đồng quản trị công ty VPF", trích văn bản phúc đáp của chủ tịch VPF Trần Anh Tú.
Chủ tịch Tú bày tỏ mong muốn tất cả các cổ đông của VPF đoàn kết, cùng chung tay xây dựng công ty, vượt qua khó khăn để các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ngày càng tốt lên. Tình hình dịch bệnh căng thẳng cũng đang ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức các giải đấu bóng đá trong nước.
VPF dựa trên cơ sở nào để từ chối họp bất thường?
VPF dựa trên Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ Công ty VPF như đã nêu trong văn bản phúc đáp.
Nhóm các CLB đề nghị họp ĐHĐCĐ bất thường chiếm tỷ lệ 16,6% cổ phần của công ty, tức được yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, theo VPF, lý do họp bất thường không phù hợp Luật Doanh nghiệp mới nhất.
Khoản 3 Điều 115 Luật Doanh nghiệp về Quyền của cổ đông phổ thông có 2 trường hợp triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường.
Một là, HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;
Hai là, trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty, ở đây là VPF.
Khoản 4 Điều 115 Luật Doanh nghiệp yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ quy định tại khoản 3 phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty, căn cứ và lý do yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ. Kèm theo yêu cầu triệu tập họp phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của HĐQT, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.
Chiếu theo điều khoản trên thì thấy không CLB nào gửi văn bản yêu cầu triệu tập họp theo đúng quy định.
Khoản 3 Điều 24 Điều lệ công ty VPF tương tự những khoản trên của Luật Doanh nghiệp. VPF có thêm một trường hợp để cổ đông có thể yêu cầu họp ĐHĐCĐ bất thường là "Nhiệm kỳ của HĐQT đã vượt quá sáu tháng mà HĐQT mới chưa được thay thế".
Sau Đại hội đồng cổ đông VPF nhiệm kỳ 2020-2023 ngày 28/11/2020, HĐQT mới được bầu gồm 7 người gồm:
1. Ông Trần Anh Tú (Thường trực VFF) - Chủ tịch HĐQT
2. Ông Nguyễn Minh Ngọc (Phó tổng thư ký VFF) - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc
3. Ông Nguyễn Quốc Hội (Chủ tịch Công ty cổ phần thể thao T&T) - Phó chủ tịch HĐQT VPF.
4. Bà Đinh Thị Thu Trang (Phó tổng thư ký VFF) - Uỷ viên HĐQT
5. Ông Trần Mạnh Hùng (cựu Chủ tịch CLB Hải Phòng) - Uỷ viên HĐQT
6. Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) - Uỷ viên HĐQT
7. Lê Minh Dũng (cựu GĐĐH CLB Phố Hiến) - Uỷ viên HĐQT.
Trong số này, ông Trần Mạnh Hùng không còn làm chủ tịch CLB Hải Phòng. Ông Lê Minh Dũng không còn làm GĐĐH CLB Phố Hiến.