World Cup, những cái bẫy kinh tế với nước chủ nhà

ANH DŨNG , 15:26 11/06/2018 | World Cup 2018

Chia sẻ

Một nghịch lý rất lớn của World Cup: LĐBĐ thế giới lãi đậm còn nước chủ nhà lỗ to vì những khoản chi khổng lồ phục vụ World Cup. Người trong cuộc tha hồ tô vẽ còn người ngoài cuộc chỉ biết nghe theo.

Lợi ích World Cup mang lại

Chuyện các quốc gia tranh nhau xin đăng cai World Cup khiến người ta có cảm giác sự kiện này mang lại giá trị đáng kể. Người ta ước tính World Cup đóng góp gần 12 tỷ USD trong nền kinh tế Hàn Quốc – Nhật Bản hồi năm 2002, 14 tỷ USD cho Đức ở kỳ World Cup 2006 và 5,6 tỷ USD cho Nam Phi – quốc gia châu Phi đầu tiên tổ chức lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Các báo cáo mang tính tích cực cho thấy World Cup 2014 sẽ mang về thêm gần 30 tỷ USD cho GDP của Brazil trong giai đoạn 2010 đến 2014. Riêng trong năm 2014, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế FIDE, GDP của Brazil tăng thêm hơn 13 tỷ USD và số việc làm mới là hơn 900.000 (700.000 việc làm ngắn hạn, 200.000 việc làm dài hạn).

Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh thu hút thêm 3,7 triệu lượt khách (hơn 600.000 khách nước ngoài) du lịch Brazil. Mỗi người trong số đó chi tiêu trung bình 2.488 USD.

World Cup, những cái bẫy kinh tế với nước chủ nhà - Ảnh 1.

Tác động kinh tế ước tính với các nước chủ nhà World Cup.

Cũng có những tín hiệu khả quan qua chỉ số được cho là "có vẻ tốt" liên quan đến World Cup. Trước World Cup 2006, tại Anh, 70% nam giới và 62% phụ nữ cho biết giải đấu có ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của họ. Ngược lại, 62% nam giới và 52% phụ nữ khẳng định nếu đội tuyển quốc gia của họ thi đấu tốt, họ sẽ có thêm cảm hứng để làm việc. Ngành bán lẻ ở Anh chứng kiến mức tăng 2 tỷ USD nhờ mọi người mua tivi, bia, thiết bị nướng thịt và pizza...

World Cup là nguồn thu chính của FIFA, bởi các giải đấu khác của họ không đem lại nhiều lợi nhuận. Trong giai đoạn 1998-2002, FIFA báo cáo một "kết quả tích cực" với 129 triệu USD (lưu ý, báo cáo của FIFA không đề cập tới lợi nhuận). Vào cuối giai đoạn 4 năm tiếp theo, tức năm 2006, con số này tăng lên 339 triệu USD. Từ năm 2006 đến năm 2010, "kết quả tích cực" tăng gần gấp đôi, lên 705 triệu USD.

Các đối tác thương mại chính của FIFA cũng vui vẻ. Trong hành trình tới giải đấu ở Nam Phi, Adidas bán 6 triệu áo bóng đá, tăng 3 triệu áo so với kỳ World Cup trước đó tổ chức tại Đức vào năm 2006. Tương tự, kênh YouTube của Visa tăng 7,5 triệu lượt xem, cao hơn 50% so với mong đợi.

Cái bẫy

World Cup, những cái bẫy kinh tế với nước chủ nhà - Ảnh 2.

Biểu tình chống World Cup nổ ra khắp đất nước Brazil.

Có rất nhiều dẫn chứng để chúng ta đặt dấu hỏi to đùng lên bức tranh màu hồng mà FIFA vẽ ra. Các ước tính tích cực nêu trên thường do các chính phủ và tổ chức được thuê công bố. Xét cho cùng, chẳng có chính phủ nào thuê nhà kinh tế để phát ngôn những thứ tiêu cực.

Doanh thu của LĐBĐ thế giới tại World Cup 2014 lên tới 4,826 tỷ USD. Đây là mức doanh thu kỷ lục trong tổng số 20 kỳ World Cup đã diễn ra (doanh thu tại World Cup 2010 là 3,655 tỷ USD). Sau khi trừ chi phí (2,2 tỷ USD), FIFA đã thu lời số tiền lên tới 2,6 tỷ USD.

Được biết, khoản doanh thu của FIFA tại World Cup 2014 chủ yếu nhờ vào tiền bản quyền truyền hình (2,4 tỷ USD). 1,6 tỷ USD đến từ tiền tài trợ và 427 triệu USD từ tiền bán vé.

Một nghịch lý: FIFA vớ bẫm còn nước chủ nhà Brazil lỗ to vì đổ tiền đăng cai.

World Cup, những cái bẫy kinh tế với nước chủ nhà - Ảnh 3.

Chi phí xây mới, cải tạo SVĐ phục vụ World Cup

Từ năm 2011 đến 2014, FIFA đóng góp cho Brazil số tiền 453 triệu USD. Sau khi giải đấu kết thúc, FIFA chi thêm cho nước chủ nhà số tiền 100 triệu USD. Mặc dù vậy, số tiền mà FIFA đầu tư cho Brazil chẳng thấm vào đâu so với số tiền mà quốc gia Nam Mỹ này bỏ ra đầu tư cho kỳ World Cup lần thứ 20.

Ngày 10/6/2014, FIFA thông báo Brazil đã chi hơn 15 tỷ USD cho World Cup. Cuối năm đó, Tòa án liên bang Brazil công bố chi tiết số tiền quốc gia này bỏ ra cho World Cup là hơn 17 tỷ USD, cao hơn tất cả các kỳ World Cup trước đó để đầu tư cho việc xây dựng 5 sân mới và sửa sang 7 sân cũ (3,02 tỷ USD), cải tạo hệ thống giao thông công cộng (2,64 tỷ USD), cải tạo sân bay (2,34 tỷ USD) và chi nhiều tiền nhất cho công tác tổ chức sự kiện (9,63 tỷ USD)… 

Trong số 12 sân vận động dành cho World Cup 2014, có bốn sân bị liệt vào danh sách đen, tức những sân đổ vào nhiều tiền nhưng hồi vốn rất chậm. Một số sân bóng đá hiện được hoán đổi mục đích sử dụng, được tận dụng làm... địa điểm tổ chức đám cưới, hội chợ hoặc khu vui chơi cho trẻ em. Một số sân đã được chính quyền địa phương "tư nhân hóa" bằng cách bán cho các công ty, với lý do họ không trang trải được chi phí duy trì.

Số tiền khủng khiếp đầu tư cho World Cup kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp. Người dân tổ chức biểu tình như cơm bữa trên khắp đất nước. Họ bức xúc từ vấn đề tham nhũng, số tiền đóng cho FIFA đến tăng giá vé xe bus. Một đất nước vốn đã chịu nhiều khó khăn về kinh tế lại càng trở nên kiệt quệ hơn vì World Cup.

World Cup, những cái bẫy kinh tế với nước chủ nhà - Ảnh 4.

"Chúng tôi không cần World Cup, chúng tôi cần chính phủ đầu tư vào y tế và giáo dục".

Các cuộc biểu tình như vậy làm tăng chi phí ngân sách. Chính phủ Brazil đã phải chi khoảng 855 triệu USD để tăng cường an ninh quốc gia.

Số tiền này phục vụ chiến dịch càn quét khu ổ chuột, dẫn đến chuyện vô số lãnh đạo băng đảng, kẻ buôn ma túy và những tội phạm khác thiệt mạng. Song, bất chấp các nỗ lực tăng cường an ninh, tội phạm ở Brazil vẫn hoành hành, thậm chí nhiều hơn trước. Tháng 1/2014, có 430 báo cáo về tình trạng trộm cướp xảy ra trên xe bus tại thành phố Rio de Janeiro, so với 195 trường hợp tại thời điểm tháng 1/2013.

Huyền thoại bóng đá kiêm chính trị gia Romario trở thành người phản đối nổi bật nhất khi cho rằng giải đấu tốn kém "làm tê liệt" đất nước. Dù là cư dân khu ổ chuột, hành khách xe buýt hay cầu thủ bóng đá, nhiều người Brazil nghĩ rằng World Cup đơn giản là không xứng đáng.

Nhiều cổ động viên thường quên sạch những thứ tiêu cực của World Cup khi giải đấu khởi tranh. Bất ổn dân sự, tội phạm hay những hệ lụy khác sẽ nhanh chóng trôi tuột trong trí nhớ của con người.

World Cup hay những sự kiện thể thao lớn đem đến cho nước chủ nhà rất nhiều fan hâm mộ. Nhưng những du khách bình thường lại bỏ đi, tìm đến những nơi yên tĩnh và không có những thứ suồng sã.

Hãy lấy Nam Phi làm ví dụ. Quốc gia này chào đón 309.000 cổ động viên đến tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trong vòng một tháng. Nhưng các tháng còn lại trong năm, Nam Phi đón trung bình… 620.000 khách du lịch!

Một trường đại học ở quốc gia này đã cung cấp 92.000 đêm ngủ cho World Cup. Nhưng ngay trước ngày giải đấu khởi tranh, đại lý đặt vé đã trả lại… 91.000 đêm vì không sử dụng đến. Rất nhiều vị khách phương xa đến với World Cup bằng một khoản kinh phí hạn hẹp. Họ tìm nhiều cách để tiết kiệm tối đa chi phí, trong đó không ít người dựng lều ngủ ở ngay gần fanzone.

(Theo Conversation)