"Đây chính là lối đi đúng", Chủ tịch Joan Laporta khẳng định sau trận thua Real Madrid tại Siêu Cúp TBN hồi tháng một. "Chúng ta chưa thắng, nhưng tôi tin điều đó sẽ tới!".
Các CĐV có thể nghĩ đó là lời tự huyễn hoặc điên rồ, đặc biệt sau khi Barcelona thất bại trước đại kình địch Real Madrid. Hơn nữa, kết quả của Barca cũng không được cải thiện nhiều sau khi Joan Laporta tiếp nhiệm và thay thế HLV Ronaldo Koeman bằng Xavi Hernandez, biểu tượng thành công dưới thời Pep Guardiola.
Thế nhưng có vẻ như Chủ tịch Laporta đã đúng. Barca của Xavi bất bại 11/12 trận. Chính trận El Clasico với Real Madrid hồi tháng một là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi chóng mặt của Barca.
Ở trận đấu này, dấu ấn mà Xavi để lại không chỉ ở kết quả mà còn là cách Barca thi đấu trong 120 phút trước Real. HLV người Tây Ban Nha sử dụng sơ đồ thương hiệu 4-3-3 với Dani Alves ra sân lần đầu tiên cho CLB kể từ 2016. Barca của Xavi cầm bóng nhiều hơn, dứt điểm nhiều hơn và có nhiều dải chuyền bóng thành công đối thủ. Đó chính là điều mà các CĐV vẫn quen thuộc khi theo dõi La Braugana.
Vậy Xavi đã làm những gì để từng bước hồi sinh Barca rệu rã?
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong hệ thống của Xavi chính là hai tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 4-3-3. Hai cầu thủ này chơi bóng khác hẳn với cách mà chính Xavi từng thi đấu. Trước đây, huyền thoại này thường lùi sâu nhận bóng và nhanh chóng áp sát vòng cấm khi bóng được đưa tới khu vực tấn công. Xavi không tạo ra khoảng trống mà anh luôn tìm kiếm và chiếm lĩnh nó.
Những tài năng trẻ của Barca hiện thời hoàn toàn có thể chơi bóng tương tự HLV của mình, nhưng họ lại không làm thế. Thay vì tạo ra lợi thế quân số ở trung lộ, đội bóng của Xavi tận dụng khoảng trống ở hai biên và mở rộng cự ly nhiều nhất có thể. Hai tiền vệ trung tâm lúc này thường xuyên dâng cao như hai tiền đạo, vừa đảm nhiệm tạo ra khoảng trống vừa luân chuyển bóng.
Hai tiền vệ trung tâm thường dâng cao sau khi Barcelona thoát pressing thành công và đưa bóng lên khu vực tấn công. Mỗi khi một cầu thủ (thường là trung vệ) nhận bóng và có đủ thời gian lẫn không gian để xử lý, tiền vệ ở phía xa bóng thường chủ động băng lên chiếm lĩnh khoảng trống sau lưng tiền đạo.
Cách di chuyển này tạo ra thêm lựa chọn chuyền bóng xuyên tuyến, đồng thời có mặt ở khu vực có thể ghi bàn. Các cầu thủ Barca có tới ba lựa chọn trong trường hợp này.
Đầu tiên, lựa chọn đơn giản nhất là một đường chuyền vượt tuyến.
Cách chuyền bóng này không thường thấy khi theo dõi Barcelona trên YouTube, nhưng kỳ thực ở thời điểm Xavi còn chơi bóng, bóng thường được chuyền cho một trong hai tiền đạo cánh chạy cắt vào khoảng trống mà Lionel Messi tạo ra khi lùi xuống chơi số 9 ảo. Trong khi đó, hai tiền vệ trung tâm (Xavi và Iniesta) giữ vị trí ở trung tâm để chuyền bóng hơn là băng lên nhận bóng.
Ở hệ thống hiện tại của Xavi, hai tiền đạo cánh giữ vị trí rộng ngoài biên, còn hai tiền vệ trung tâm sẽ chiếm lĩnh khoảng trống ở hai bên hành lang trong. Nếu họ nhận bóng, họ hoàn toàn có thể nhả lại cho tiền đạo giống như Gavi kiến tạo cho Luuk De Jong trước Real Madrid.
Một lựa chọn khác là tự mình dứt điểm, giống như Frenkie De Jong lập công vào lưới Galatasaray.
Cách di chuyển này cũng rất phù hợp với các tiền đạo hay lui xuống phối hợp, bởi họ có thể nhận bóng từ trung vệ rồi nhả cho hai tiền vệ đang băng lên. Barcelona đang khiến cho các trung vệ đối phương phải do dự khi quyết định kèm tiền đạo hay tiền vệ đang lao lên.
Chính giây phút do dự này giúp tiền đạo của Barca có thêm thời gian để quyết định: nên nhả lại cho đồng đội hay tự mình dứt điểm, giống như Pierre-Emerick Aubameyang đã làm trước Galatasaray.
Lựa chọn thứ ba là chuyển hướng tấn công. Với các tiền vệ trung tâm dâng cao và tiền đạo lùi lại, đối thủ sẽ phải tập trung đối phó, tạo ra khoảng trống ở biên đối diện cho một đường chuyền đổi hướng.
Nếu như tiền vệ trung tâm dâng cao, vậy ai sẽ là người luân chuyển bóng? Câu trả lời là hai hậu vệ biên. Xavi sở hữu những cầu thủ chuyền bóng xuất sắc như Busquets và hai trung vệ, nhưng việc Jordi Alba và Dani Alves di chuyển cắt vào trung lộ, hoặc lùi sâu tạo ra bộ ba trung vệ giúp Barca luân chuyển bóng dễ dàng hơn.
Cách vận hành này không hề mới, bởi trước đây Eric Abidal cũng thường xuyên giữ vị trí thấp tạo ra bộ ba trung vệ dưới thời Guardiola. Dĩ nhiên, điều này khá mới mẻ với Alba và Alves, bộ đôi thường đảm nhiệm vai trò dâng cao trong hệ thống trước đây.
Ngày trước khi còn sức trẻ, Alba và Alves hoàn toàn có thể là hai mũi khoan phá cho Barca. Thế nhưng tuổi tác khiến họ phải thay đổi cách chơi bóng. Xavi đang tận dụng kinh nghiệm, kỹ thuật và khả năng chuyền bóng cực tốt của bộ đôi này để khắc phục điểm yếu tốc độ cũng như thể lực.
Alves của hiện tại đang chơi gần hơn ở khu vực trung lộ, luân chuyển bóng ra biên hoặc đưa bóng vào vòng cấm. Sau Busquets, có lẽ Alves là cái tên đang điều chuyển bóng gần với cách chơi của Xavi nhất.
Trong khi đó, Alba tuy không luân chuyển tương tự Alves, song anh phối hợp rất tốt với Ferran Torres bên cánh trái. Hơn nữa, Alba cũng có thể tung ra những quả tạt tầm trung rất khó chịu, một nét mà Xavi học tập được khi quan sát Manchester City của người thầy cũ, Pep Guardiola.
Điểm quan trọng nhất trong cách chơi của Barca dưới thời Xavi chính là việc phòng ngự thụ động, đó là khi các cầu thủ chọn vị trí hợp lý sau khi đồng đội mất bóng. Alba và Alves đều đã trên 30 tuổi (Alves "mới" 38 tuổi), vì vậy cách sắp xếp này giúp họ phòng ngự hiệu quả hơn thay vì thường xuyên bị đối thủ cho "ngửi khói" như trước đây.
Ngay từ khi mới nhậm chức tại Camp Nou, Xavi đã khẳng định: "Tôi muốn đội bóng thi đấu với 2 tiền vệ biên thi đấu rộng ở hai cánh".
Vấn đề duy nhất mà Xavi gặp phải khi đó là ông không có Ousmane Dembele hay Ansu Fati, những người vẫn chấn thương. Khi không có những cái tên phù hợp, Xavi buộc phải gọi Ezzalzouli từ đội B lên (Memphis Depay thường đâm vào trung lộ nhiều hơn).
Tới kỳ chuyển nhượng mùa đông, Xavi đã tìm được cầu thủ phù hợp triết lý: Adama Traore, cựu học viên lò La Masia. Hiệu quả của thương vụ này vượt kỳ vọng. Thay vì tấn công trung lộ, Barca lúc này đang chơi tiki-taka ở bên cánh trái, thu hút đối thủ rồi phất bóng qua bên phải cho Adama trong tư thế đối mặt 1v1 với hậu vệ biên.
Những con số cho thấy Adama không tạo ra quá nhiều cơ hội ở bên cánh phải (0,26 kiến tạo kỳ vọng/90 phút), nhưng cách chơi này mở rộng tối đa không gian chơi bóng cho Barca. Tốc độ và sự càn lướt của Adama khiến đối thủ buộc phải cắt cử 2 người ra kèm, tạo ra khoảng trống cho Alves hoặc các tiền vệ của Barca.
Cách chơi mới của Xavi đặc biệt phù hợp với Dembele, người tạo ra 0,2 bàn thắng kỳ vọng cùng 0,73 kiến tạo kỳ vọng mỗi 90 phút. Kể cả khi Dembele vẫn chưa cho thấy đủ kỷ luật chiến thuật, khả năng di chuyển không bóng thông minh của Ferran Torres, kết hợp với kỹ thuật và tốc độ của mình, Dembele đang cho thấy phẩm chất ngôi sao của mình.
Thử thách đặt ra cho Xavi lúc này chính là giới hạn mong manh giữa "hệ thống chặt chẽ, điêu luyện" và "đơn giản, dễ đoán". Barca hiện tại sở hữu nhiều cầu thủ sáng tạo như Pedri, Busquets hay Dembele, nhưng họ đang cố gắng thực hiện đúng ý đồ của HLV hơn là thi đấu mượt mà như Man City của Guardiola.
Chìa khóa trong lối chơi của Barca lúc này là tốc độ chuyển đổi nhanh và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Những pha bóng ấn tượng nhất của Barca đến khá nhiều từ các pha phản công tận dụng tốc độ của Aubameyang và Adama.
Bên cạnh đó, Xavi cũng giúp Busquets tái lập khả năng thoát pressing xuất sắc, điều mà anh không có nhiều cơ hội thực hiện trong vài năm qua.
Hệ thống 2-3-5 trong tấn công của Xavi giúp các cầu thủ có vị trí hợp lý để nhanh chóng giành lại bóng sau khi mất quyền kiểm soát. Dù vậy, nguy cơ tiềm tàng của Barca nằm ở việc hàng phòng ngự của họ đã quá cao tuổi.
Chính vì lý do kể trên, Xavi đang bố trí đội bóng chơi áp sát với tâm lý "rủi ro cao, phần thưởng lớn" thay vì kiểm soát bóng tuyệt đối như ông vẫn mong muốn. Cách chơi này khiến Barca phải gặp nhiều nguy hiểm trước những pha tấn công trực diện. Dù vậy, đây vẫn là một dấu hiệu tích cực, bởi Xavi mới chỉ tiếp quản đội bóng từ tháng 1/2022.