Quá khứ buồn của bóng đá Thành Nam
7 năm trước, cái ngày mà Nam Định chính thức phải xuống chơi ở sân chơi hạng nhất sau 11 năm gắn bó với V-League, người hâm mộ khi ấy dù buồn nhưng vẫn còn tự tin đội bóng Thành Nam sẽ sớm trở lại V-League. Nhưng nghiệt ngã thay, không những không thể quay trở về với sân chơi cao nhất, Nam Định còn phải xuống đến hạng nhì. Và chính những ngày ấy, bóng đá Nam Định đã chết 1 phần trong lòng hàng nghìn khán giả.
Thiên Trường - nơi được mệnh danh là chảo lửa nhưng những ngày tháng đó số người đến xem chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người đã tự hỏi, điều gì làm bóng đá Thành Nam đi xuống đến thế? Nhưng câu hỏi đó đâu có quá khó để trả lời, Nam Định đi xuống do nền kinh tế mà nếu nói thẳng ra đó là vì "tiền", đội bóng Thành Nam những ngày đó không có được một nhà tài trợ đủ mạnh, một nguồn lực đủ lớn để có thể tiếp tục duy trì. Trong khi đó những đội bóng khác có lại được đầu tư rất nhiều với những bản hợp đồng mà số tiền lót tay lên đến hàng chục tỉ.
Vô vàn khó khăn với đội bóng Thành Nam.
Nói đâu xa, ngày mà bóng đá Nam Định đi xuống cũng chính là lúc mà Ninh Bình - người hàng xóm bắt đầu xây dựng đội bóng với một ông bầu sẵn sàng rót tiền. Và rồi cũng chính vì điều đó mà nhiều cầu thủ Nam Định đã chuyển sang thi đấu cho Ninh Bình.
2 năm "vật lộn" ở giải hạng nhì, có thời điểm khi 5/6 đội hạng nhì sẽ được lên chơi tại giải hạng nhất nhưng Nam Định lại là đội bóng không thể có trong tay tấm vé lên hạng. Thiên Trường vắng bóng, người hâm mộ quay lưng, nhưng tưởng rằng cái tên Nam Định sẽ không còn có thể xuất hiện ở sân chơi cao nhất của Việt Nam thì trong đúng thời khắc khó khăn đó, HLV Nguyễn Văn Sỹ đã quay trở về quê hương để trèo lái con thuyền đang dần chìm, ông cũng ban lãnh đạo đội bóng đã quyết tâm cho ngày trở lại V-League.
Ngọn lửa hi vọng đang nhe nhóm đừng để nó vụt tắt
HLV Nguyễn Văn Sỹ trở về mang theo bao niềm hi vọng, những cầu thủ trẻ có thêm niềm tin vào một người thấy kinh nghiệm để từ đó nâng cao ý chí chiến thắng. Và rồi sau 7 năm chờ đợi cùng không biết bao nhiêu nỗ lực, Nam Định đã quay trở lại V-League, quay trở lại với nơi mà họ đáng được thuộc về.
Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", sự hân hoan ngày trở lại chưa được bao lâu thì đội bóng thêm một lần nữa gặp khó khăn trong việc thành lập công ty cổ phần để duy trì hoạt động, mãi đến những ngày sát khai mạc, họ mới ổn định được mọi thủ tục và nhân sự để có thể bắt đầu một trang sử mới.
CĐV là nguồn động lực lớn nhất đối với Nam Định lúc này.
Không tránh khỏi được sự bỡ ngỡ sau khi quay trở giải đấu cao nhất cũng như nhân lực và ngoại binh còn yếu, Nam Định luôn nằm trong nhóm cuối bảng và là ứng cử viên nặng kí nhất cho xuất xuống hạng. Nhưng tinh thần của các cầu thủ luôn chiến đấu hết mình đã mang đến nguồn cảm xúc "lôi cuốn" khán giả đến sân và hình ảnh chảo lửa Thiên Trường lại được tái hiện.
Nhưng khó khăn chưa từ bỏ đội bóng này, đã trải qua 20 vòng đấu nhưng số tiền 20 tỉ mà lãnh đạo Tỉnh hứa đầu tư vẫn chỉ nằm trên giấy trắng. Không có một mạnh thường quân đứng ra tài trợ, Nam Định dần cạn kiệt nguồn vốn duy trì đội bóng dẫn đến gần 2 tháng nay các cầu thủ áo vàng bị chậm lương. Trong bối cảnh cuộc đua trụ hạng đang bước vào những vòng đấu gay cấn nhất thì khó khăn lại ập đến. Cầu thủ chán nản, tinh thần đi xuống, bỏ tập và theo nhưng thông tin từ HLV Nguyễn Văn Sỹ, một số cầu thủ đã phải đi nợ lãi để có thể trang trải cho cuộc sống gia đình.
Mặc dù trước sức ép của hội cổ động viên nhà cũng ban huấn luyện, đến nay các cầu thủ đã được trả 1 tháng tiền lương thế nhưng có chăng đây chỉ là biện pháp tình thế khi chỉ còn 2 ngày nữa Nam Định sẽ cótrận đấu thuộc vòng 21 V-League với Sanna Khánh Hòa, thời điểm mà 1 điểm thôi cũng giúp họ rất nhiều trong cuộc chiến trụ hạng.
Tình thế là vậy nhưng còn đường dài, còn cả những mùa giải sắp tới, cầu thủ Nam Định sẽ lấy điều gì để có gắng phấn đấu khi tình trạng nợ lương không có điều gì đảm bảo là sẽ không xảy ra thêm những lần nữa. Bóng đá là đam mê, là sự nhiệt huyết nhưng khi gánh nặng cuộc sống và gia đình còn trên vai, thiếu đi kinh tế thì chắc chắn họ không thể cống hiến mãi cho cái đam mê đó được.
Và hơn lúc nào hết, Nam Định cần vào số tiền mà tỉnh nhà đã hứa trao tặng để giải bài toán trước mắt và về lâu dài họ cần một mạnh thường quân đứng ra tài trợ và có những bước phát triển để phù hợp hơn với nền bóng đá hiện đại. Vì kinh tế thị trường, bóng đá Nam Định đã chết một lần, xin đừng để nó chết thêm lần nữa.