Những năm cuối của thập niên 90 được coi là giai đoạn khởi đầu của thời kỳ NBA hiện đại. Khán giả thời đó bắt đầu chào đón những tân binh như Kevin Garnett, Tim Duncan, Kobe Bryant,… Tuy nhiên, NBA Draft năm Mậu Dần (1998) được coi là kỳ Draft lạ lùng nhất lịch sử Giải đấu.
3 cầu thủ trong lứa tân binh năm đó sau này đã trở thành những huyền thoại Hall of Fame nhưng số đông còn lại có sự nghiệp lu mờ và lụi tàn chỉ sau vài năm thi đấu. Điều đáng nói là những huyền thoại trong lứa cầu thủ này đã gần như bị ngó lơ khi được lựa chọn ở gần cuối vòng pick đầu tiên.
Đầu tiên phải kể đến, No.1 pick của lứa tân binh năm Mậu Dần, Michael Olowokandi. Những thành tích thời đại học đã giúp tên tuổi của anh đi lên. Với "tài năng không giới hạn", tân binh 18 tuổi lúc bấy giờ được kỳ vọng sẽ giúp Los Angeles Clippers bứt phá trong tương lai. Thế nhưng, đây hóa ra lại là một trong những nỗi thất vọng lớn nhất trong lịch sử NBA Draft.
Trong 8 năm thi đấu, cựu cầu thủ 46 tuổi chỉ sở hữu trung bình 8,3 điểm và một lần duy nhất tham dự Play-offs. Trong khoảng thời gian khoác áo Clippers, Michael Olowokandi đã không ít lần bị chê trách về thái độ làm việc.
Huyền thoại Kareem Abdul-Jabbar, trợ lý HLV lúc bấy giờ của đội bóng đã miêu tả No.1 pick là mẫu cầu thủ "hoàn hảo về trình độ và kỹ năng nhưng lại không thể dạy dỗ được".
Cụ thể, ông chia sẻ: "Trong một buổi tập, tôi đã chỉ ra sai sót của Michael Olowokandi. Tuy nhiên, cậu ấy coi những lời góp ý của tôi như sự xúc phạm mang tính cá nhân và cảm thấy nhục nhã vì điều đó. Cậu ấy nói thẳng với tôi về việc không muốn bị chỉ trích trước mặt đồng đội. Cậu ấy mắc kẹt trong những suy nghĩ bảo thủ và vì thế không thể thành công trên sân bóng".
Sau khi hết hợp đồng với Clippers, Michael Olowokandi tiếp tục khoác áo Minnesota Timberwolves và Boston Celtics trong một khoảng thời gian ngắn trước khi buộc phải giải nghệ vào năm 2007 do chấn thương đầu gối và thoát vị bẹn. Kể từ đó, không còn ai nghe tin về No. 1 pick của kỳ Draft năm Mậu Dần đó nữa.
Huyền thoại Vince Carter mãi được nhớ đến không chỉ là cầu thủ có số năm thi đấu dài nhất tại NBA (22 năm) mà còn là một trong số những người đặt nền móng cho đội bóng Toronto Raptors non trẻ.
Huyền thoại 45 tuổi còn nổi tiếng với khả năng úp rổ thần thánh trong khi chơi được ở cả 3 vị trí hậu vệ ghi điểm, tiền phong chính và tiền phong phụ. Sự nghiệp kéo dài 4 thập kỷ đã chứng kiến nhiều thành tựu của "Vinsanity". Trong đó có 8 lần tham dự All-Star, xếp thứ 6 trong lịch sử NBA về số quả 3 điểm thành công cùng 2 huy chương Vàng trong màu áo ĐTQG.
Thànhh công duy nhất mà huyền thoại Raptors chưa chạm đến là chiếc cúp vô địch NBA. Trong những năm cuối sự nghiệp, thay vì săn nhẫn, Vince Carter tập trung vào việc giáo dục và rèn luyện các cầu thủ trẻ, đặc biệt là tại Atlanta Hawks, đội bóng anh khoác áo cuối cùng trước khi giải nghệ.
Cựu cầu thủ 45 tuổi hiện đang làm việc cho ESPN ở vai trò phân tích viên. Với những đóng góp của mình cho bóng rổ, "Vinsanity" chắc chắn sẽ được vinh danh tại Đại sảnh danh vọng Hall of Fame trong tương lai gần.
Zion Williamson không phải cầu thủ đầu tiên tại NBA gặp vấn đề nghiêm trọng về cân nặng. Vào năm tân binh, Robert Traylor đã nặng đến 132kg với chiều cao 2m06. Thể hình đã sớm trở thành một điểm yếu khiến cựu cầu thủ này không có mùa giải nào ghi trung bình trên 6 điểm/trận.
Việc thừa cân đã ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của anh, khiến cựu cầu thủ Bucks dễ chấn thương. Năm 2005, Robert Traylor phải phẫu thuật động mạch chủ. Tuy nhiên, anh vẫn không thể vượt qua bài kiếm tra sức khỏe của New Jersey Nets, dẫn đến việc bỏ lỡ bản hợp đồng năm đó.
Sự nghiệp NBA của Robert Traylor sớm kết thúc sau 7 năm kể từ kỳ Draft Mậu Dần 1998. Đáng buồn nhất là vấn đề thừa cân cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của anh vào năm 2007. Ở tuổi 34, Robert Traylor đã ra đi đột ngột, không có người thân bên cạnh bởi một cơn đau tim.
Bạn nên quan tâm