Sau khi Park Ji-Sung chính thức giải nghệ, người Hàn lại có một niềm tự hào mới mang tên Son Heung-min. Tiền đạo này từng có quãng thời gian thi đấu rất thành công ở Bundesliga trước khi chuyển sang thi đấu cho Tottenham. Nhờ nền tảng thể lực tuyệt vời cùng những cú sút xa uy lực, anh nhanh chóng hòa nhập với Premier League. Vào mùa giải 2016-17, Son Heung-min đã có 14 pha lập công cho Spurs, qua đó góp công lớn vào vị trí thứ 2 của CLB này tại giải đấu hàng đầu nước Anh.
Son Heung-min đang trải qua những ngày tháng đáng nhớ nhất trong sự nghiệp. Nỗ lực của anh dù không giúp Hàn Quốc có được tấm vé đi tiếp tại World Cup năm nay nhưng cũng vô cùng đáng khen. Son đã ghi được 2 bàn thắng tại giải đấu số một hành tinh cấp độ đội tuyển, 1 là siêu phẩm vào lưới Mexico, bàn còn lại là "nhát dao" kết liễu mọi nỗ lực của người Đức.
Son Heung-min đã ghi 2 bàn tại World Cup 2018.
Son đang đạt đến độ chín của sự nghiệp và chắc chắn anh sẽ tỏa sáng hơn nữa vào mùa giải năm sau tại Premier League. Tuy nhiên, luật pháp Hàn Quốc quy định mọi công dân nam đủ điều kiện sức khỏe có độ tuổi từ 24 đến 28 sẽ phải đi nghĩa vụ quân sự trong 2 năm. Son Heung-min, hiện tại 25 tuổi, không phải là ngoại lệ. Nếu phải rời xa bóng đá trong 2 năm, chắc chắn sự nghiệp của Son sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì thế, quyết định Son có phải đi nghĩa vụ như mọi công dân nam khác tại Hàn Quốc vãn đang là chủ đề rất nóng hổi.
Rất đơn giản, Son Heung-min cần đưa các đồng đội đến ngôi vô địch ASIAD 2018 được tổ chức tại Indonesia vào tháng 8 sắp tới. Nếu không thể vươn tới thành tích này, tiền đạo thuộc biên chế Tottenham buộc phải giành được tấm huy chương vàng ở Olympics Tokyo vào năm 2020. Thành tích của Son Heung-min tại World Cup năm nay và Asian Cup (được tổ chức bởi AFC) KHÔNG liên quan đến việc miễn nghĩa vụ quân sự.
Theo luật của Hàn Quốc, mọi vận động viên ở các bộ môn thể thao khác nhau, đều có quyền được miễn nghĩa vụ quân sự nếu đem về thành tích đáng nể ở đấu trường quốc tế. Tại World Cup 2002, Hàn Quốc là nước đồng chủ nhà với Nhật Bản. Vì rơi vào một bảng đấu vô cùng khó khăn với Bồ Đào Nha, Mỹ và Ba Lan, chính quyền Hàn Quốc đã đưa ra thành tích cần phải đạt được nếu các cầu thủ muốn được miễn nghĩa vụ quân sự, đó là lọt vào vòng knock-out.
Và như tất cả đã được chứng kiến, nỗ lực của Park Ji Sung và đồng đội đã giúp họ có được vị trí thứ 4 chung cuộc. Với thành tích này, toàn bộ các cầu thủ Hàn Quốc đều được miễn nghĩa vụ quân sự.
Có được vị trí thứ 4 ở World Cup 2002, cả đội Hàn Quốc được miễn đi nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên, vấn đề đã nảy sinh sau khi đội tuyển bóng chày của Hàn Quốc giành được tấm vé vào vòng bán kết của giải đấu World Baseball Classic, giải đấu lớn tương tự như World Cup diễn ra vào năm 2006. Trong bối cảnh bóng chày được coi là môn thể thao số một ở Hàn Quốc, những VĐV và CĐV cho rằng đội tuyển bóng đá của nước này đã được thiên vị khi thành tích cần phải vươn tới chỉ là vượt qua vòng bảng World Cup. Trong khi đó, đội tuyển bóng chày tiến vào vòng bán kết mà vẫn không được miễn nghĩa vụ quân sự.
Theo CĐV và VĐV bóng chày ở Hàn Quốc, World Baseball Classic phải được coi trọng như World Cup. Họ muốn toàn bộ đội tuyển bóng chày cũng phải được miễn đi nghĩa vụ quân sự. Yêu cầu này nhận được sự đồng tình của người Hàn nói chung và cuối cùng cũng được chính quyền thông qua. Đội bóng chày Hàn Quốc vào bán kết World Baseball Classic cũng được miễn nghĩa vụ quân sự.
Ngay khi chính quyền Hàn Quốc nhượng bộ bóng chày, hàng loạt tổ chức thể thao tại quốc gia này đã tiến hành kiện cáo và đòi công bằng. Những VĐV ở bộ môn bắn cung, judo, taekwondo, bóng chuyền, bóng rổ, bơi, cầu lông, bóng bàn, hockey… cũng muốn được đối xử như đội tuyển bóng đá và bóng chày Hàn Quốc. Họ cho rằng mình đã không được đối xử công bằng chỉ vì môn thể thao đang chơi kém nổi tiếng hơn.
Son Heung-min không thể đưa các đồng đội lọt vào vòng knock-out World Cup.
Sau sự kiện này, chính quyền Hàn Quốc đã thay đổi lại luật. Mọi VĐV ở các bộ môn khác nhau đều sẽ được miễn nghĩa vụ nếu đem về thành tích cụ thể cho nền thể thao nước nhà. Sau đó, ĐT bóng chày Hàn Quốc đã giành được HCV ở Olympic Bắc Kinh 2008, ASIAD 2010, ASIAD 2014 và được miễn nghĩa vụ quân sự. ĐT bóng đá có được tấm huy chương đồng tại Olympics London 2012, HCV tại ASIAD 2014 và cũng được miễn nghĩa vụ.
Vì thế, nếu không giành được huy chương ở Olympics (đứng vị trí từ 1 đến 3) và ngôi vị số một ở ASIAD 2018, Son Heung-min sẽ phải đi quân sự.
Son Heung-min sinh vào ngày 8/7/1992, anh sắp bước sang tuổi 26. Theo luật quân sự Hàn Quốc, một công dân chưa từng đi nghĩa vụ sẽ được hoãn đến hết tuổi 27. Công dân nam không được vào đại học hoặc không làm việc ở nước ngoài sẽ phải đi nghĩa vụ ép buộc ở tuổi 24. Nếu đang là sinh viên hoặc làm việc ở nước ngoài, công dân Hàn Quốc có thể hoãn đến ngày sinh nhật thứ 28 của họ.
Tuổi 28 đang đến gần, ASIAD 2018 và Olympics 2020 sẽ là cơ hội của Son Heung-min.
Son vào thời điểm này được hoãn đến hết năm 27 tuổi theo dạng "làm việc ở nước ngoài". Anh bắt buộc phải đem về thành tích cho thể thao Hàn Quốc trước sinh nhật 28. Điều đó đồng nghĩa với việc Olympic 2020, giải đấu tổ chức vào tháng 6, sẽ là cơ hội cuối cùng của Son Heung-min.
Nếu không giành được thành tích ở ASIAD 2018 và Olympics 2020, Son Heung-min chỉ còn 2 năm để chơi bóng cho Spurs. Thậm chí, ngày hạn có thể đến sớm hơn tùy thuộc vào nhu cầu quân sự của Hàn Quốc.
Park Chu-young, cựu cầu thủ của Arsenal và Monaco cũng đối mặt với nguy cơ phải đi nghĩa vụ quân sự vào năm 2011 khi anh chuẩn bị bước sang tuổi 28. Tuy nhiên để "lách luật", Park Chu-young xin làm visa công dân của Monaco trong vòng 10 năm. Tiền đạo này cũng chính thức được miễn đi nghĩa vụ cho Hàn Quốc 1 năm sau đó với tấm huy chương đồng giành được ở Olympics London.
Park Chu-young từng chơi khá thành công trong màu áo Monaco.
Trường hợp của Park Chu-young đã khiến quân đội Hàn Quốc phải sửa đổi lại luật cho các công dân có visa công dân đang làm việc ở nước ngoài. Sau Park Chu-young, một tay golf có tên Sangmoon Bae cũng dùng visa để "lách luật" nhưng đã phải hầu tòa. Vì thế, Son Heung-min không thể sử dụng visa của Anh.
Tin xấu cho Son Heung-min là anh sẽ KHÔNG THỂ chơi bóng tại giải vô địch quốc gia Hàn Quốc trong 2 năm nghĩa vụ quân sự. Son đã tốt nghiệp cấp 2 nhưng vẫn chưa hoàn thành trung học. Anh từng theo học vài tháng tại trường Dongbuk nhưng sớm được Hamburg tuyển chọn và đưa sang Đức. Nếu chưa học xong cấp 2, giống với Lee Chung-yong của Crystal Palace, Son Heung-min sẽ được miễn hoàn toàn nghĩa vụ quân sự (hiện Hàn Quốc đã bãi bỏ luật này).
Vì chưa học xong trung học, Son Heung-min bị coi là "lực lượng thứ 4", nghĩa là không phải lính và cũng không phải người được miễn nghĩa vụ. Trong 2 năm đi nghĩa vụ, Son sẽ không được gia nhập đội bóng Sangju Sangmu tại K-League và Asan Mugunghwa ở giải hạng 2. Điều này đồng nghĩa với việc Son Heung-min sẽ KHÔNG chơi bóng chuyên nghiệp trong 2 năm.
Sẽ là một thảm họa nếu Son Heung-min không được thi đấu trong 2 năm đi nghĩa vụ quân sự.
Khi đi nghĩa vụ, với tư cách là "lực lượng thứ 4" nên Son Heung-min sẽ phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều ở bộ phận công vụ. Có thể, ngôi sao của Hàn Quốc sẽ được phân công làm việc ở nhà trẻ địa phương, một trạm y tế hoặc làm việc giấy tờ ở trụ sở.
Giờ giấc làm việc khắt khe nên Son Heung-min cũng không thể chơi bóng ở giải bán chuyên và hạng 3 ở hàn Quốc. Anh chỉ có thể thi đấu cho những đội bóng ở K3 League – giải hạng 4 Hàn Quốc, vì những trận đấu thường được tổ chức vào cuối tuần giống với Premier League.
Có 2 cách để Son Heung-min được hoãn đi nghĩa vụ dù không đem về thành tích nào. Anh sẽ phải dính một chấn thương rất nặng, ví dụ như gãy vai (giống trường hợp của Mohamed Salah) hoặc đứt dây chằng. Điều quan trọng là không được cố ý dính chấn thương. Hàn Quốc đã sửa luật sau khi có một vài cầu thủ bóng chày cố tình bị chật vai vào năm 2004.
Cách thứ 2 là Son Heung-min phải thuyết phục được ông Chansoo Ki, bộ trưởng quân sự Hàn Quốc để xin hoãn cho đến khi đi qua sườn dốc sự nghiệp.
Nếu không tuân theo luật, Son Heung-min sẽ không thể sống trong xã hội Hàn Quốc. Người dân Hàn Quốc đều cho rằng 2 năm làm việc ở quân đội đều rất "công bằng". Họ sẽ không dung thứ cho những người không chịu tuân theo luật quân sự Hàn Quốc.
Son Heung-min có thể nhập cư vào một nước khác và sẽ không bao giờ trở về Hàn Quốc nữa.
Bạn nên quan tâm