Nga chi hàng chục tỷ USD cho World Cup, nhưng vì sao ĐTQG lại quá tệ?

NGUYỄN ANH DŨNG , 08:54 14/06/2018 | World Cup 2018

Chia sẻ

Chính sách bảo trợ cầu thủ nội và hạn chế cầu thủ ngoại là nguyên nhân được những người trong cuộc đưa ra để giải thích cho sự tụt dốc của bóng đá nước Nga.

Nga

Nga

8 năm kể từ ngày nhận quyền đăng cai World Cup 2018, nước Nga đã bỏ ra 700 tỷ rúp (khoảng 30 tỷ USD) để cho thế giới thấy quốc gia mình giàu mạnh như thế nào. Nhưng khi trọng tài Nestor Pitana thổi còi bắt đầu trận khai mạc World Cup giữa Nga vs Saudi Arabia, cả thế giới sẽ bắt đầu được thấy một đội tuyển chủ nhà lạc quẻ so với bộ mặt quốc gia hào nhoáng mà nước Nga đã cố gắng tạo dựng trong suốt thời gian trước World Cup.

Kể từ ngày 24/3/2017, tuyển Nga đã thi đấu 15 trận giao hữu với thành tích thắng… ba trận, hòa năm và thua đến bảy trận. Họ không tạo ra chút ấn tượng về lối chơi, không thể cống hiến cho khán giả những trận cầu mãn nhãn và không cho thấy khả năng đánh bại một đối thủ nào tại giải lần này. Độ khó các đối thủ của tuyển Nga sẽ tăng dần nên khả năng bị loại ngay vòng bảng là rất lớn.

Vì sao tuyển Nga dở tệ? Phải quay về thời điểm giữa những năm 2000 để nhìn lại câu chuyện của CLB Dynamo Moscow.

Alexei Fedorychev là một trong những nhân vật chính trị đầu tiên ở Nga đổ hàng triệu USD kiếm được từ sản xuất phụ tùng ô tô, sản xuất thép và ngành vận tải để   mua lại CLB yêu thích Dynamo Moscow. Ông thực hiện chiêu bài y hệt những ông chủ giàu có và nhiệt tình thời nay: gọi cho một siêu cò và yêu cầu họ giúp xây dựng một đội bóng.

Chỉ sau cuộc gọi ít lâu, hàng loạt cầu thủ Nam Âu bắt đầu đổ về Dynamo Moscow. Nuno Maniche là cái tên nổi bật nhất, giá 16 triệu euro. Ngoài ra còn có Costinha, Derlei và Giourkas Seitardis đến từ Porto, Danny và Joseph Enakarhire đến từ Lisbon, Nuno Frechaut từ Boavista, Luis Loureiro và Cicero từ Sporting Braga.

Ngày 27/8/2005, trong trận đấu với FC Moscow, Dynamo Moscow đưa ra sân đội hình gồm toàn bộ cầu thủ nhập khẩu. Rất tiếc, thời điểm đó cũng đánh dấu biện pháp mạnh tay của chính phủ Nga để ngăn chặn hiện tượng "ngoại xâm" trong nền bóng đá.

Nga chi hàng chục tỷ USD cho World Cup, nhưng vì sao ĐTQG lại quá tệ? - Ảnh 1.

Vitaly Mutko, chủ tịch LĐBĐ Nga, đạo diễn của quy tắc giới hạn cầu thủ ngoại.

Ngay sau sự kiện Dynamo Moscow, LĐBĐ Nga dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Putin đã thắt chặt luật lệ, ban hành quota yêu cầu mỗi đội phải có ít nhất 4 cầu thủ Nga. Kể từ đó, những nhà tài phiệt không thể lấp đầy đội bóng của họ bằng cầu thủ nhập khẩu được nữa. Không có thêm nhà tài phiệt nào có thể bắt tay với siêu cò bóng đá để đưa cầu thủ nước ngoài tràn vào nước Nga.

Anton Evmenov, cựu tuyển trạch viên của CSKA Moscow và Zenit St Petersburg biết rất rõ những quy tắc đó đã thay đổi bộ mặt bóng đá Nga như thế nào.

Ggiới hạn cầu thủ ngoại mang đến nhiều lợi thế cho cầu thủ Nga", Anton Evmenov cho hay. "Bạn không thực sự phải chiến đấu cho vị trí của mình. Điều đó không tốt, nó khiến cầu thủ bản xứ thiếu động lực vươn lên. Giới hạn cầu thủ ngoại chỉ khiến tiền lương của cầu thủ nội tăng lên, trong khi chất lượng không đổi. Bóng đá Nga thực sự thiếu tài năng".

Nga chi hàng chục tỷ USD cho World Cup, nhưng vì sao ĐTQG lại quá tệ? - Ảnh 2.

Artem Dzyuba, cầu thủ Nga hưởng lương cao nhất hiện nay.

Dù công tác phát triển bóng đá Nga đi chệch hướng, mức lương cao vẫn đều đặn chảy vào túi những cầu thủ có mác tuyển thủ. Artem Dzyuba là cầu thủ Nga nhận lương cao nhất hiện nay với 3,6 triệu euro, dù chưa từng ra nước ngoài thi đấu. Aleksandar Kokorin của Zenit kiếm 3,3 triệu euro mỗi năm. 2,9 triệu euro đều đặn chảy vào túi Fyodor Smolov mỗi năm. Tất cả đều chưa từng ra nước ngoài.

Điều đó cũng dễ hiểu. Khi những CLB quê nhà tỏ ra hào phóng, chẳng việc gì phải đi đâu cả. Evmenov không phản đối quy định giới hạn cầu thủ ngoại. Ông nói: "Nếu không có giới hạn này, thậm chí chúng tôi chẳng thể hình thành nổi một đội tuyển Nga". Tuy nhiên, Evmenov tin điều luật này pha loãng động lực của cầu thủ Nga. Họ không có lý do gì để ra nước ngoài, họ cực kỳ hài lòng với giải trong nước, nơi họ được bảo vệ bởi hệ thống.

"Cầu thủ Nga cắm rễ ở giải trong nước là vấn đề lớn nhất. Nếu không ra nước ngoài thi đấu, họ không thể tiếp thu kỹ thuật mới, họ không được thấy thế giới rộng lớn ra sao, không được tiếp xúc và học hỏi những đồng đội đến từ nhiều nền văn hóa bóng đá đa dạng. Họ không vượt qua giới hạn của bản thân. Ở nước chúng tôi, có hộ chiếu Nga là lợi thế rất lớn, nhưng cũng là một khuyết điểm, vì bạn không cần cố gắng làm việc với 100% khả năng".

Nga chi hàng chục tỷ USD cho World Cup, nhưng vì sao ĐTQG lại quá tệ? - Ảnh 3.

Thành tích thi đấu yếu kém của ĐT Nga (chỉ tính từ tháng 3 năm 2017).

Đã có một làn sóng cầu thủ Nga ra nước ngoài sau Euro 2008 rực sáng, nhưng họ cũng phải nhanh chóng trở về Nga. Trong đội hình "Những chú gấu" tham dự World Cup 2018 chỉ có ba cầu thủ dự bị đang thi đấu ở nước ngoài, bao gồm: Denis Cheryshev (Villarreal), Roman Neustadter ở Fenerbahce và thủ môn kỳ cựu Vladimir Gabulov ở Club Brugge (Bỉ).

Raymond Verheijen, thành viên của ban huấn luyện tuyển Nga tại Euro 2008 và 2012 lấy làm tiếc vì đội tuyển hiện nay không còn chất lượng như hồi đó. "Bảo thủ khiến bóng đá ngừng phát triển. Cách tốt nhất để nâng tầm cầu thủ là cho họ thi đấu với những người giỏi hơn. Cầu thủ sẽ tự giúp nhau phát triển. Thế nên nếu cầu thủ Nga bị vây quanh bởi những đồng đội và đối thủ ngang tầm hoặc thậm chí tệ hơn, những dự đoán về chất lượng đội tuyển đi xuống hoàn toàn chính xác.

Thực tế thì ngay kể cả lúc giới hạn cầu thủ ngoại đã ra đời, giải Nga vẫn đủ sức chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu của bóng đá châu Âu. Tháng 9 năm 2012, CLB Zenit St.Petersburg mạnh tay chi 100 triệu euro để ký hợp đồng với Axel Witsel từ Benfica và Hulk từ FC Porto. Thương vụ khủng trông có vẻ là tín hiệu mở ra một thời kỳ mới cho bóng đá Nga, nhưng thực chất nó lại là đỉnh cao không bao giờ có thể đạt tới lần nữa. Zenit thuộc sở hữu của tập đoàn khí đốt Gazprom, tập đoàn khổng lồ của nhà nước và là tập đoàn đạt lợi nhuận lớn nhất thế giới vào các năm 2009 và 2011.

Nhưng kể từ khi Nga nhúng chân vào vũng bùn Ukraine năm 2014 và chịu các đòn trừng phạt kinh tế, giá đồng rúp tụt dốc thảm hại. Cộng thêm sự suy giảm của giá dầu thế giới, thu nhập ròng của Gazprom giảm 86% trong năm 2014. Và từ đó, không còn Hulk hay Witsel nào đến với nước Nga nữa.

Bóng đá Nga không còn đủ tiền bạc để cạnh tranh với sự vươn lên mạnh mẽ của bóng đá Trung Quốc. Các ngôi sao đổ về Chinese Super League, cả Witsel và Hulk đều được bán sang Trung Quốc. Ngoài Zenit, những đại gia khác của bóng đá Nga cũng cảm thấy khó thở vì kinh tế khốn đốn.

Những yếu tố trên cộng hưởng với nhau khiến giải quốc nội Nga ngày càng khốn khổ vì chất lượng của cầu thủ nhập khẩu giảm mạnh còn những người bản xứ được bảo vệ và thiếu động lực vươn lên. Zenit đã cố gắng để vực dậy bằng việc chiêu mộ HLV Villas-Boas vào năm 2014, nhưng vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha nhanh chóng dứt ghế ra đi vào năm 2015 vì ông ghét quy tắc giới hạn cầu thủ ngoại. Villas-Boas công kích chính sách đó là quyết định tồi tệ nhất, nó khiến các cầu thủ lười biếng và không chiến đấu hết mình cho vị trí của họ. Trước khi rời đi, Villas-Boas dự đoán bóng đá Nga không thể phát triển thêm nữa.