Carlo "Kuku" Palad, game thủ Dota 2 chuyên nghiệp người Philippines được coi là một trong những viên ngọc sáng giá nhất Đông Nam Á. Ở khu vực người ta yêu game chẳng kém gì bóng đá, anh dần trở thành thần tượng của giới trẻ với những gì đã làm được ở đấu trường thế giới. Kuku từng cùng TnC vô địch China Top 2017, đứng nhì MDL Macau và giành quyền tham dự The International 8, giải đấu Esports có số tiền thưởng lớn nhất thế giới.
Ở tuổi 22, số tiền Kuku kiếm được từ chơi Dota 2 xấp xỉ 512.000 USD (gần 12 tỉ VNĐ). Một tương lai màu hồng đang chờ đón game thủ này cho đến khi anh không kìm nén được cơn giận, tuôn ra từ "c-word" mang hàm nghĩa phân biệt chủng tộc thẳng vào mặt người dân Trung Quốc.
Quá đen cho Kuku, anh vướng vào scandal đúng thời điểm vô cùng nhạy cảm, khi Esports và Dota 2 vừa chính thức được đưa vào trở thành môn thể thao tranh huy chương tại SEA Games 2019 tổ chức tại Philippines. Sai lầm của ngôi sao trẻ khiến người lớn tuổi, tầng lớp vẫn nhìn Esports bằng ánh mắt ngờ vực càng trở nên gay gắt hơn về thể loại họ cho rằng "hại nhiều hơn lợi" này.
Thành tích đáng mơ ước của Kuku, game thủ 22 tuổi người Philippines.
Thế kỷ 21 là thời điểm Esports bùng nổ ở mọi nơi trên thế giới. Những giải đấu của các tựa game khác nhau mọc lên như nấm nhờ sự phát triển quá nhanh của công nghệ. Tầm cỡ, khoản lợi nhuận của những giải đấu đó tùy thuộc vào độ phủ sóng của trò chơi trên toàn cầu.
Khi Esports bắt đầu đem về những khoản tiền khổng lồ cho chủ đầu tư và những trận đấu "ảo" hấp dẫn, căng thẳng không kém gì "thực", người ta bắt đầu nghĩ đến việc công nhận nó là một môn thể thao đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ tất cả mọi người trên thế giới sở hữu máy tính, laptop hay điện thoại đều có thể tham dự và thi đấu ở mọi lúc, mọi nơi. Nếu như những môn thể thao "thực" đòi hỏi sức bền, thể lực thì thể thao "ảo" Esports cần sử dụng trí óc, cũng là một dạng lao động.
Tuy nhiên, được công nhận là một môn thể thao thực thụ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Ngoài những giải đấu có quy mô tổ chức đến nơi đến trốn, những người tham gia cũng đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy Esports trở thành một sân chơi thu hút được sự quan tâm của mọi tầng lớp. Muốn trở nên chuyên nghiệp, các game thủ lao động "ảo" cũng buộc phải hướng đến hình mẫu của những cầu thủ bóng đá, bóng rổ, bóng chày và những môn thể thao khác lao động "thực".
Hình mẫu ở đây không ám chỉ riêng quá trình luyện tập, những thành tích đạt được mà còn là đạo đức nghề nghiệp, bộ mặt trước công chúng. Là một người chơi Dota 2 bình thường, hành động chửi bới, phân biệt chủng tộc đối thủ đã là điều khó có thể chấp nhận. Huống chi Kuku là một game thủ chuyên nghiệp, chơi Dota 2 để kiếm tiền nuôi bản thân chứ không đơn thuần là giải trí.
Sai lầm của Kuku khiến người ta ngờ vực vào sự chuyên nghiệp trong cách quản lý game thủ của bộ môn Dota 2.
Trong thế giới thể thao, phân biệt chủng tộc hay mọi hành động thiếu tôn trọng đối thủ là điều không thể dung thứ. Trong hè vừa qua, Kenedy của CLB Chelsea đã phải khốn khổ chỉ vì một phút bốc đồng trên MXH. Dù chính thức lên tiếng xin lỗi vì hành động nheo mắt mang hàm nghĩa xúc phạm người Trung Quốc, cầu thủ 22 tuổi lập tức bị đẩy khỏi Stamford Bridge. Hiện tại, anh đang trầy vẩy thi đấu cùng Newcastle ở nhóm dưới của BXH.
Một sự việc cũng liên quan đến người Trung Quốc khác đã xảy ra tại CSL đầu mùa giải năm nay. Cầu thủ Zhang Li của Changchun Yatai phải nhận án phạt cấm thi đấu 6 trận cùng số tiền 42.000 Tệ (tương đương 150 triệu VNĐ) vì phân biệt chủng tộc với Demba Ba.
Khác với bóng đá, tuổi đời trung bình của một game thủ Esports là rất trẻ. Tuổi trẻ thì hay mắc sai lầm, những scandal tương tự Kuku là điều xảy ra như cơm bữa. Đó chính là lúc người ta cần đến tổ chức có vai trò quản lý game thủ đứng ra giải quyết vụ việc. Ở trường hợp này là đội game TnC.
Tuy nhiên một lần nữa, Kuku và chính tổ chức TnC lại khiến người ta đặt dấu hỏi về sự "chuyên nghiệp" trong Esports nói chung và làng Dota 2 nói riêng vì hành động bao che lẫn nhau đầy xấu hổ.
Sau khi biết tin TnC và Kuku dàn cảnh, không thừa nhận lỗi sai, chính quyền của thành phố Trùng Khánh quyết định sẽ hủy bỏ giải đấu Major nếu tay chơi 22 tuổi xuất hiện trên đất Trung Quốc. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, Kuku mới đăng đàn xin lỗi, sẵn sàng nhận mọi hình phạt nhưng lại bằng tiếng Philippines. Tổ chức TnC cũng khẳng định sẽ cắt tiền thưởng của Kuku làm từ thiện để tạ lỗi với người Trung Quốc, nhưng tất cả đã quá muộn.
Kuku còn trẻ, dễ mắc sai lầm, nhưng TnC lại hành động đáng trách hơn.
Khi các caster hàng đầu của làng Dota 2 thay nhau lên tiếng bảo vệ Kuku, cái giá mà game thủ này phải trả hoàn toàn xứng đáng với những quyết định sai lầm anh đưa ra. Thử đặt mình vào hoàn cảnh của người Trung Quốc, chắc chắn bạn không thể dung thứ cho người đã kỳ thị sắc tộc lại còn cố bao che cho tội lỗi của mình.
Sự việc của Kuku chỉ là một trong những vấn đề nhức nhối của không chỉ Dota 2 mà còn toàn bộ ngành Esports nói riêng. Trong thời điểm Esports chưa chính thức được công nhận là một loại hình lao động kiếm tiền, một bộ phận lớn những ngôi sao trẻ tài năng hoặc những game thủ đã chứng minh được khả năng của bản thân đều có nền học thức chưa cao.
Chính vì vậy, họ chưa hiểu rõ yếu tố đạo đức quan trọng đến mức nào. Có thể những tay chơi như Kuku chưa nhận ra vai trò của mình khi bước vào nghiệp Esports. Họ quên khu vực thi đấu của mình không còn là những quán net xập xệ mà là sàn đấu với những ánh đèn sáng choang. Họ quen dùng những từ ngữ chửi thề với chúng bạn mà không nhận ra rằng cả thế giới đang dõi theo từng hành vi, nước bước của mình.
Nếu nhìn sang Riot và Liên Minh Huyền Thoại, dễ thấy Valve cũng có một phần trách nhiệm. Với tư cách là nhà phát hành, Valve cần phải đưa ra những luật lệ, quy định và hình phạt nghiêm khắc để quản lý các game thủ, tương tự với cách Riot xử phạt những tay chơi chuyên nghiệp có hành vi "toxic" khi đang thi đấu xếp hạng. Vậy nhưng tính đến thời điểm hiện tại, họ vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức nào.
Sau vụ việc này, rõ ràng còn quá sớm để coi Dota 2 là một môn thể thao chuyên nghiệp. Nhìn xa hơn nữa, vẫn còn quá nhiều lỗ hổng, từ đạo đức của game thủ, cách quản lý của tổ chức đến vai trò của nhà phát hành. Bóng đá đã mất rất nhiều năm phát triển để được công nhận trở thành môn thể thao vua, còn Dota 2 nói riêng hay nền Esports non trẻ nói chung, dù có phát triển mạnh đến mức nào cũng cần phải trải qua khoảng thời gian dài trước mắt để được công nhận.
Bạn nên quan tâm