Với cách lấy, cắt hình lộn xộn và bất hợp lý của truyền hình Myanmar, hình ảnh rõ nét nhất về Nguyễn Văn Quyết là lúc anh trao cờ lưu niệm với đồng nghiệp phía bên kia. Còn sau đó, đội trưởng của Việt Nam mất hút trên sân và hiếm khi xuất hiện ở các điểm nóng để các camera để ý tới. Trong một vài lần chạm bóng, anh hoàn toàn không mang lại điều gì tích cực, như pha mất bóng từ giữa sân ở phút 38 cho phép Myanmar tổ chức phản công.
Nếu không mất bóng, những đường chuyền sau đó của Văn Quyết cũng rất thiếu chính xác. Cú chọc khe vào giữa hai trung vệ đối phương cho Công Phượng phút 41 là khoảnh khắc hiếm hoi Cầu thủ hay nhất V-League 2018 cho thấy nhãn quan chiến thuật sắc bén. Nhưng cũng như các lần khác, nó không đến đúng địa chỉ bởi không tương thích với pha di chuyển của số 14.
Trước thềm AFF Cup 2018, tờ FourFourTwo phiên bản châu Á nhận định Văn Quyết là một trong những nhân tố đáng chú ý nhất giải đấu. Không có gì ngạc nhiên cả khi nhìn vào thành tích ấn tượng của đội trưởng CLB Hà Nội trong mùa giải 2018, với 7 bàn thắng 13 đường kiến tạo.
Văn Quyết trở lại đeo băng đội trưởng sau khi nghỉ ở trận gặp Malaysia.
Tầm hoạt động rộng và không mệt mỏi, có khả năng thực hiện những cú nước rút khiến đối thủ ngửi khói hay chuyển hướng ở tốc độ cao để có thể xuyên phá từ cánh, Văn Quyết là một tài sản lớn ở ĐTQG. Hơn nữa, anh lại là người có thâm niên nhất (52 trận), ghi nhiều bàn thắng nhất (13 bàn) và có tiếng nói quan trọng cả trên sân lẫn phòng thay đồ. Một thủ lĩnh hoàn hảo để dẫn dắt đội quân trẻ trung của HLV Park Hang-seo đi tới thành công.
Thế nhưng cho đến nay, Văn Quyết chỉ mang đến nỗi thất vọng, thậm chí bất bình từ phía người hâm mộ. Như thường lệ, đội trưởng của Việt Nam luôn rất xông xáo và không bao giờ khiến người ta nghi ngờ về sự quyết tâm. Chỉ có điều, nó không hiệu quả và giúp ích nhiều cho cả hệ thống.
Có thể quá cay nghiệt với Văn Quyết, nhưng nhận định của BLV Quang Tùng, rằng "Việt Nam dễ đá hơn khi không còn Quyết trên sân" không phải không có lý. Anh chủ yếu hoạt động ở các vùng ngoại vi, dễ mất bóng và là tác nhân khiến các pha lên bóng lạc nhịp.
Tuy nhiên, anh đã không đáp ứng sự kỳ vọng.
Trong một sự liên tưởng, hình ảnh của Văn Quyết gần giống với Wayne Rooney trong thời gian cuối ở MU và ĐT Anh. Là một đội trưởng và sở hữu bảng thành tích hoành tráng, nhưng mỗi lần ra sân của Wazza chỉ tạo nên tiếng thở dài chán nản từ những người yêu mến anh.
Nếu xét về khát khao chiến đấu và sự cần mẫn, Rooney là số một. Nhưng ngôi sao người Anh hoàn toàn bất lực để áp đặt mình vào trận đấu. Những phẩm chất tốt nhất không còn được phát huy và thường xuyên đưa ra quyết định sai, người hùng một thủa bỗng trở thành gánh nặng. Cuối cùng, một cuộc chia tay là không thể tránh khỏi để giải thoát cho tất cả.
Đó có phải tương lai dành cho Văn Quyết? Trên lý thuyết anh mới 27 tuổi và vẫn còn một tương lai dài phía trước. Thế nhưng những gì đang xảy ra lại chống lại đội trưởng của tuyển Việt Nam.
Văn Quyết đang trở nên lạc lõng trong một đội tuyển trẻ trung.
Sự đi xuống của Văn Quyết đã được nhìn thấy ở chiến dịch ASIAD hồi mùa hè, khi anh trở nên lạc lõng trong một đội tuyển trẻ trung từng làm nên chiến tích vang dội ở U23 châu Á. Các thống kê tuyệt vời ở V-League 2018 cũng không giúp gì cho Quyết bởi cấp độ đội tuyển luôn rất khác, với một triết lý khác được tạo nên bởi HLV khác.
Thành thật mà nói, giữa Văn Quyết và thế hệ Xuân Trường, Công Phượng, Quang Hải có một độ vênh nhất định. Nó cũng giống như khi Rooney được đặt vào lứa Harry Kane, Raheem Sterling, Dele Alli, những người từng vào đến bán kết World Cup 2018. Ở trận giao hữu với Mỹ, R10 không thể tìm thấy tiếng nói chung.
Trong bối cảnh đó, Văn Quyết lại chịu nhiều áp lực với chiếc băng đội trưởng, tức có nhiệm vụ dẫn dắt thế hệ đàn em đầy tài năng. Và nó khiến anh mất đi sự tự tin và gặp khó khăn trong việc tương tác với các đồng đội cũng như thể hiện năng lực bản thân.
Sẽ thật tốt nếu bằng cách nào đó Văn Quyết trở lại là chính mình. Nhưng cũng sẽ không ngạc nhiên nếu anh tiếp tục đi xuống, sau đó rơi ra khỏi kế hoạch của HLV Park Hang-seo.