Wayne Rooney sẽ trở lại và khoác áo ĐT Anh, lần đầu tiên sau 2 năm, kể từ tháng 11/2016. Và đây cũng là lần cuối cùng, bởi anh chỉ ra sân trong 10 phút cuối cùng trận đấu với Mỹ. Thực chất sự xuất hiện này mang tính tri ân Rooney, người ra sân nhiều nhất (119 trận - không tính thủ môn) và cũng ghi bàn nhiều nhất (53) cho Tam sư.
Tuy nhiên sự việc này đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng sự hiện diện của Rooney, dù chỉ 10 phút, cũng làm giảm tính chất nghiêm túc của trận đấu, vốn được coi là màn chuẩn bị cho trận đấu khác mang tính quyết định ở Nations League với Croatia sau đó 3 ngày.
Sự kiện Rooney cũng sẽ tạo ra tiền lệ xấu, và nhiều cựu tuyển thủ khác cũng muốn có vinh dự đó, để rồi tuyển Anh, đang theo đuổi tham vọng lớn, biến thành gánh xiếc lưu động.
Rooney có cơ hội chơi trận thứ 120 cho tuyển Anh vào ngày 15/11.
Vậy rốt cuộc, Rooney trở lại, nên hay không nên?
Đầu tiên hãy tìm hiểu xem, sự tham gia của Rooney, dù chỉ trong 10 phút, có làm giảm giá trị của trận đấu? Câu trả lời là không. Thông báo giã từ đội tuyển của cựu tiền đạo MU đưa ra vào năm 2017 được coi là quá vội vàng, và HLV Gareth Southgate đã rất nuối tiếc bởi vẫn coi trọng kinh nghiệm của anh.
Không chỉ kinh nghiệm, dù đã ngoài 30, Rooney còn cho thấy anh vẫn có thể chơi bóng đỉnh cao. Mùa trước tại Premier League, Wazza vẫn ghi 10 bàn thắng, chỉ ít hơn 4 chân sút người Anh khác. Tỷ lệ chuyển đổi cơ hội thành bàn 19,2% của anh cũng rất đáng kinh ngạc, cao hơn nhiều Harry Kane (16,3%).
Mùa này tại MLS trong màu áo DC United, được ra sân thường xuyên ở vị trí trung phong, Rooney đã tìm lại bản ngã của mình với 12 bàn sau 21 trận, cộng thêm 6 đường kiến tạo, bình quân 97,8 phút lại ghi dấu ấn trong một bàn thắng. Nếu không vì đã chia tay, anh đủ điều kiện để trở thành một phần của Tam sư khi Kane tịt ngòi 7 trận còn Jamie Vardy cũng nói lời từ giã sau World Cup.
Ở tuổi 33, Rooney vẫn bùng nổ trong màu áo DC United.
Có nghĩa là ở đội tuyển hiện tại, Rooney hoàn toàn có thể đóng góp trên khía cạnh chuyên môn. Anh không phải một ông già bụng phệ, đánh mất tài năng cùng đẳng cấp trên bàn rượu, sau đó quay lại đội tuyển chỉ để kiếm được trận đấu thứ 120.
Vào thời gian này, Tam sư là một đội ngũ trẻ trung được tập hợp để hướng tới Euro 2020. Dịp tôn vinh Rooney không chỉ nhắc nhở họ về niềm tự hào khi khoác lên mình chiếc áo trắng, mà còn nhấn mạnh, làm thế nào để phù hợp với niềm tự hào đó.
Một trong những yêu tố làm nên thương hiệu Wazza là tính chiến đấu. Từ khi bước ra sân đến lúc trọng tài nổi hồi còi kết thúc, Rooney không bao giờ ngừng nỗ lực, như thể mỗi phút trên sân đều là phút cuối cùng của cuộc đời.
Giải đấu lớn duy nhất mà Rooney tỏa sáng là Euro 2004, khi anh mới 18 tuổi.
Phẩm chất ấy đặc biệt cần trong bối cảnh tuyển Anh phải đánh bại Croatia tại Wembley nếu muốn chiếm ngôi nhất bảng ở Nations League, qua đó kiếm tấm vé vào thẳng Euro 2020 cùng cơ hội đoạt được danh hiệu quốc tế đầu tiên kể từ năm 1966.
Trong 13 năm, hối tiếc lớn nhất của Rooney là không cùng tuyển Anh nâng cao chiếc Cúp nào đó, hoặc tiến xa ở các giải đấu lớn. Khi nhìn lại, tiền đạo 33 tuổi thiếu một khoảnh khắc vĩ đại giống như Gary Lineker tại World Cup 1986, Alan Shearer ở Euro 96, hay Geoff Hurst được nhớ tới bởi hat-trick trong trận chung kết World Cup 1966.
Nhưng đây không phải vấn đề của riêng Rooney, mà chung cho cả thế hệ bất hạnh gồm Steven Gerrard, Frank Lampard, John Terry và Beckham. Nó cũng không thể che mờ sự thật, Rooney là một tượng đài và 10 phút để tôn vinh không phải yêu cầu quá đáng.